Xe
26/06/2014 12:52 GMT+7

Xe buýt điện Proterra "ăn theo" mô hình Tesla

C.LUÂN
C.LUÂN

TTO - Nếu ngành công nghiệp ôtô điện có Tesla Motors thì xe buýt điện không khí thải nay sẽ gọi tên Proterra - hãng sản xuất xe buýt điện do cựu nhân viên của Tesla - Ryan Popple làm “thủ lĩnh”.

BMW, Nissan “thèm thuồng” công nghệ xe điện của TeslaBMW "xoắn" lên khi Tesla S tới châu ÂuNhà giàu TQ "nghiện" xe điện Tesla Model S

STUIAPxw.jpgPhóng to
Xe buýt điện không khí thải của Proterra - Ảnh: Business Week

Khi Ryan Popple gia nhập Tesla Motors vào năm 2007, nhà sản xuất xe điện hơi này vẫn còn hỗn độn. Các vấn đề về kỹ thuật đã đẩy giá sản xuất của chiếc xe đầu tiên Tesla Roadster lên 150.000 USD/chiếc - cao hơn 50% so với giá mà Tesla báo cho khách đặt hàng trước.

Sạc đầy điện chỉ trong10 phút

Với vai trò là một nhà phân tích tài chính, nhóm của Popple đã phải dành nhiều thời gian để thương thuyết với các nhà sản xuất phụ tùng và đơn giản hóa chuỗi cung ứng. Cuối cùng, chi phí sản xuất xe đã giảm đủ để công ty duy trì hoạt động. Popple ở lại giúp Tesla IPO thành công trước khi chuyển sang đầu tư mạo hiểm.

Tại Tesla, Popple có thể làm việc dựa trên vào sự hào hứng của khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu một chiếc xe điện. Nhưng khi trở thành giám đốc điều hành mới của Proterra - nhà sản xuất xe buýt điện giá 850.000 USD, ông phải chấp nhận phục vụ những khách hàng khó tính hơn.

Đó là chính quyền thành phố - những người đã quen với việc chỉ trả 300.000 USD cho 1 chiếc xe buýt động cơ diesel. Họ khá do dự khi phải đầu tư quá nhiều vào loại phương tiện hứa hẹn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, Proterra khẳng định chính quyền sẽ không phải đợi quá lâu để thu hồi vốn.

"Chúng tôi thấy lợi nhuận cạnh tranh của xe buýt điện với xe chạy dầu diesel hoặc hybrid là 2 năm hoặc lâu hơn là 6 năm", ông Popple nói.

Ông cũng đang thuyết phục nhiều nhà đầu tư lắm tiền. Hôm 18-6, ông thông báo đã huy động được 40 triệu USD từ Kleiner Perkins Caufield & Byers (nơi ông cũng là một cổ đông), GM Ventures và Tao Invest thuộc gia đình Pritzker, nâng tổng vốn đầu tư bên ngoài vào Proterra lên 100 triệu USD.

Xe buýt điện không khí thải dài 12,2m có thể chở được 80 hành khách. Tùy thuộc vào giá điện, ông Popple cho biết mỗi xe cần 5.000 - 10.000 USD tiền điện/năm, so với chi phí hằng năm của xe buýt diesel 50.000 USD/năm và xe chạy khí thiên nhiên 30.000 USD/năm. Nhược điểm của xe buýt điện là chỉ chạy được khoảng 80,46km sau một lần sạc. Giải pháp của Proterra là xây dựng những trạm sạc trị giá 600.000 USD để sạc đầy cho xe chỉ trong10 phút.

Trong tháng 3-2014, thành phố Reno, bang Nevada đã bắt đầu sử dụng 4 chiếc xe buýt Proterra hoạt động trong khu vực bán kính dưới 10km, sạc 2-3 phút sau mỗi chặng kéo dài 20 phút.

"Chúng tôi mua tầm nhìn"

Giải thích lý do mua xe buýt điện, giám đốc mảng giao thông công cộng thuộc Ủy ban giao thông khu vực David Jickling nói "chúng tôi mua tầm nhìn". Khoảng một nửa các tuyến đường thành phố chỉ có lộ trình dưới 16km, đủ để xe có thể sạc lại trong thời gian dưới 5 phút và khai thác tối đa hiệu quả.

Ông cho biết có thể sẽ mua thêm 20 chiếc Proterra nếu Reno mở rộng lộ trình vận chuyển. Đến nay, Proterra đã bán được 50 chiếc xe buýt điện cho 11 thành phố, trong đó có Los Angeles và San Antonio.

Công ty nghiên cứu công nghệ TechNavio ước tính thị trường xe buýt điện toàn cầu có giá trị 9,2 tỉ USD. Trong báo cáo tháng hai, TechNavio dự báo thị trường sẽ tăng trưởng lên 19,5 tỉ USD vào năm 2018, dẫn đầu là loại xe buýt dùng pin như Proterra.

Nhà đầu tư Nicholas Pritzker của Tesla nhận định: "Vấn đề là các đô thị chậm thay đổi. Nhưng chúng tôi tin rằng một khi có một lượng đơn hàng lớn được công bố thì nhu cầu sẽ tăng mạnh".

Popple cho biết doanh thu của Proterra trong năm 2013 đạt 13 triệu USD và có thể tăng ít nhất gấp đôi trong năm 2014.

Hiện nay cũng có một số công ty mới thành lập khác cùng với các tập đoàn khổng lồ như Siemens và Volvo đang phát triển xe buýt điện. Mối đe dọa lớn nhất của Proterra có thể sẽ là Công ty BYD của Trung Quốc - do Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warran Buffet đỡ đầu - hiện đã có một nhà máy ở Lancaster, bang California.

Xe buýt điện BYD đòi hỏi thời gian sạc qua đêm nhưng có thể chạy được 250km. Phó chủ tịch BYD Mỹ Micheal Austin đánh giá cao thiết kế của Proterra nhưng vẫn xem thường những đối thủ khác.

Proterra dự kiến bắt đầu sản xuất mẫu xe buýt điện rẻ hơn, lớn hơn và hiệu quả hơn vào đầu năm nay khi công ty hoàn tất các đơn đặt hàng trước đó. Ông Popple cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh doanh số bán hàng trên từng thành phố và tăng cường sản xuất để giao hàng đúng hạn. Mỗi chiếc xe như vậy cần 1.000 giờ sản xuất, giảm so với 4.000 giờ sản xuất của các model đầu tiên.

Theo TechNavio, Proterra khá có tiếng tăm trong ngành công nghiệp này vì sở hữu đội ngũ nghiên cứu và phát triển thị trường hùng hậu, trong khi đó BYD lại có điểm mạnh là sự hiện diện lớn hơn ở nước ngoài. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, vì thế nếu Popple có thể chinh phục được mọi thành phố ở Mỹ thì Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu kế tiếp của Proterra.

(Theo Business Week)

C.LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên