23/03/2018 11:29 GMT+7

Xe buýt cũ rơi bánh giữa đường, hỏi sao hành khách không dám đi?

LÊ THỊ TÀI (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
LÊ THỊ TÀI (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

TTO - Thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại hằng ngày, nhiều lúc tôi lo ngại khi phải đi trên những chiếc xe cũ kỹ, xuống cấp. Mới đây, tôi nghe chuyện xe buýt rơi bánh giữa đường ở Q.9, TP.HCM nên càng hoang mang.

Xe buýt cũ rơi bánh giữa đường, hỏi sao hành khách không dám đi? - Ảnh 1.

Hành khách rất sợ khi phải đi trên những chiếc xe buýt cũ kỹ, xuống cấp - Ảnh: Xuân Hưng

Không chỉ tôi, nhiều người trong gia đình tôi cũng chọn đi xe buýt để đảm bảo an toàn, tiết kiệm, lại giúp trẻ con học được nhiều bài học cuộc sống. Chúng tôi đã có nhiều chuyến đi thú vị trên những chiếc xe buýt mới, sạch sẽ, nhân viên thân thiện... 

Tuy nhiên, cũng rất nhiều lần chúng tôi phải đi trên những chiếc xe cũ kỹ, thiết bị xuống cấp và không an toàn cho hành khách.

Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh xe buýt bị hỏng cửa, máy lạnh thì rỉ nước khắp nơi, ghế trên xe cũ kỹ, rách bươm... 

"Mong ngành giao thông công cộng TP.HCM đổi mới tất cả xe buýt, yêu cầu các chủ xe thường xuyên kiểm tra, tu bổ xe để phục vụ tốt hơn. Đừng để hành khách phải tiếp tục đi trên những chiếc xe buýt cũ nát và xuống cấp trong nỗi lo sợ về an toàn".

Lê Thị Tài

Có lần đi tuyến xe buýt số 8 (tuyến ĐHQG TP.HCM - bến xe Q.8), vừa bước lên xe tôi đã nghe mùi hôi ẩm mốc xộc vào mũi. Ghế ngồi thì lung lay như chực rơi ra nên lúc chiếc xe dừng đột ngột, một chiếc ghế rung mạnh rồi ngã về phía trước khiến người khách đang ngồi bị tuột luôn xuống sàn.

Lần khác, tôi đi xe số 19 (tuyến Bến Thành - KCX Linh Trung - ĐHQG TP.HCM), bị ngồi dưới máy lạnh hỏng, nước trong máy lạnh cứ nhỏ vào đầu tôi. Vì xe quá đông khách, tôi miễn cưỡng chịu đựng nhưng chỉ mươi phút sau, lượng nước chảy xuống ngày càng nhiều, làm ướt hết cả áo quần tôi và một phần ghế ngồi. Tôi gọi nhân viên bán vé trên xe lại để phàn nàn thì nhân viên này không nói gì mà bỏ đi.

Ấn tượng nhất là lần tôi đưa cháu đi học trên xe buýt 141 (tuyến khu du lịch BCR Long Trường - KCX Linh Trung). Vì xe quá đông khách, tôi và cháu phải đứng ngay cửa xe buýt. 

Tôi thấy cánh cửa này đã bị hỏng, anh nhân viên bán vé phải dùng sức đóng mạnh thì cánh cửa mới không bị bung ra. Suốt quãng đường đi, tôi cứ nơm nớp lo bị ngã xuống đường nên cứ vịn chặt cửa cho đến khi xuống trạm.

Trong chuyến xe buýt bị rơi bánh giữa đường ở Q.9, TP.HCM vào ngày 12-3 vừa qua, tôi nghĩ người đi trên xe hốt hoảng lắm. Nếu đi xe buýt mà phải lo sợ như vậy, tôi e nhiều người sẽ ngại ngần. 

Vậy nên, tôi mong ngành giao thông công cộng TP.HCM đổi mới tất cả xe buýt, yêu cầu các chủ xe thường xuyên kiểm tra, tu bổ xe để phục vụ tốt hơn. Đừng để hành khách phải tiếp tục đi trên những chiếc xe buýt cũ nát và xuống cấp trong nỗi lo sợ về an toàn.

Ông Trần Chí Trung (giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM):

Đang tích cực thay mới xe buýt

Trung tâm đang tích cực thực hiện đổi mới phương tiện xe buýt, nâng cao chất lượng xe, chất lượng phục vụ. Về việc đầu tư nâng cấp, thay mới hệ thống xe buýt thành phố giai đoạn 2014-2017, đến nay đã nâng cấp, thay mới được 920/1.680 xe. Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi xe mới về lãi vay, cao nhất đến 70% giá trị xe.

Hiện nay, việc thay mới xe buýt cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một số xã viên của các hợp tác xã vẫn không đồng ý đổi mới xe. Đối với những trường hợp này, trung tâm đang thuyết phục, hỗ trợ để họ tham gia đổi mới xe, nâng cao chất lượng phục vụ.

Ngoài ra, TP.HCM chủ trương khuyến khích sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu sạch CNG để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có vài trạm nạp khí CNG hoạt động. Do đó, trong năm 2018, trung tâm sẽ phối hợp với nhà đầu tư xây dựng 4 trạm nạp khí CNG mới để phục vụ phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Trường hợp những xe buýt quá xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng tới hành khách, rất mong hành khách phản ảnh trực tiếp về trung tâm để các đơn vị kịp thời xử lý.

THU DUNG ghi

Chịu không nổi với nhân viên xe buýt gác chân nạt khách! Chịu không nổi với nhân viên xe buýt gác chân nạt khách!

TTO - Trong khi TP.HCM đang ra sức vận động người dân sử dụng giao thông công cộng thì một số nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực lại phục vụ như kiểu "đuổi" khách, trách sao không ít người vẫn còn ngán ngại đi xe buýt.

LÊ THỊ TÀI (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên