25/04/2014 07:15 GMT+7

Xây rạp không khéo làm nhà cho chuột!

HÀ HƯƠNG - CÁT KHUÊ
HÀ HƯƠNG - CÁT KHUÊ

TT - Có khá nhiều thông tin... không mới trong hội thảo trực tuyến phổ biến nội dung và lấy ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 24-4 tại Hà Nội và TP.HCM.

Loay hoay phát triển điện ảnh 10.800 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim

Lra55oCJ.jpgPhóng to
Trong khi Nhà nước thả nổi hệ thống phát hành phim, để các rạp xuống cấp và nay dự kiến xây mới nhiều rạp thì tư nhân đã xây dựng hệ thống rạp hiện đại. Trong ảnh: một rạp chiếu phim CGV của Tập đoàn CJ Hàn Quốc - Ảnh: Thuận Thắng

Sau 20 năm lận đận, quy hoạch điện ảnh mới hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2014. Chưa kịp mừng thì những người làm điện ảnh đang đứng trước một thực tế ngổn ngang từ phòng chiếu, phát hành phim đến nguồn nhân lực.

Choáng ngợp trước số lượng rạp dự kiến xây

"Nếu theo kế hoạch này thì Nhà nước sẽ xây rạp, vậy ai quản lý? Vì sự thật cho thấy Nhà nước từng quản lý và thất bại"

Ông NGUYỄN THÁI HÒA (giám đốc Hãng phim Giải Phóng)

Dự thảo kế hoạch tổng thể do Cục Điện ảnh đưa ra tập trung khá nhiều vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh, trong đó có xây mới, cải tạo, nâng cấp hàng loạt rạp chiếu phim, đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số phù hợp cho đội chiếu phim lưu động, xây dựng trung tâm chiếu phim hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM, xây dựng trường quay...

Choáng ngợp trước số lượng rạp chiếu dự kiến xây dựng, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng rồi những rạp chiếu sẽ do ai vận hành, ai xây dựng và ai đến xem. Chưa nói đến việc sẽ lấy đâu ra số tiền khủng để đáp ứng đủ tiến độ của các dự án này.

Ông Nguyễn Thái Hòa - giám đốc Hãng phim Giải Phóng - nhấn mạnh: “Nếu theo kế hoạch này thì Nhà nước sẽ xây rạp, vậy ai quản lý? Vì sự thật cho thấy Nhà nước từng quản lý và thất bại. Mấy chục rạp ở TP.HCM đã biến mất. Xây rạp giao cho địa phương mà đòi hiệu quả kinh tế thì tốt nhất đừng làm rạp. Xây rạp kiểu đó chắc chắn là mất, vài năm sẽ chỉ làm nhà cho chuột!”.

Ông Hòa hiến kế: “Có lẽ Nhà nước đừng đặt mục tiêu kinh tế lên các rạp kiểu này, có bán vé cũng chỉ nên 5.000 đồng/vé thay vì bắt địa phương phải khai thác rạp hiệu quả. Thêm nữa, nếu quyết xây rạp nên xây bằng kinh phí nhà nước chứ đừng bắt địa phương bỏ ra, vì khi đó mới có hệ thống rạp. Mà không có hệ thống rạp thì đừng bao giờ hỏi tại sao phim nhà nước sản xuất không đến được với khán giả. Năm năm nay tư nhân đã điều phối thị trường điện ảnh bởi vì họ nắm hệ thống rạp trong tay!”.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng đề nghị cần phải cân nhắc lại việc đầu tư tiền cho các công nghệ làm phim. “Với cương vị là người làm hình ảnh, tôi nói rằng trong sáu năm qua tôi quay sáu phim bằng kỹ thuật số, mỗi năm tôi quay bằng loạt máy mới hơn. Chúng ta không thể chạy theo công nghệ như thay điện thoại di động, chúng ta sẽ chết. Thay vì mua máy đắt đỏ, chúng ta có thể dùng tiền đó thuê máy quay tốt nhất, mới nhất thời điểm đó để sử dụng. Tốt nhất hãy để cơ chế thị trường điều tiết” - ông nói.

Phim Việt: bị động trên sân nhà

Ở đầu cầu phía Nam, TS Trần Luân Kim (nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh VN) nêu lên một thực tế đáng buồn rằng hệ thống phổ biến phim ở VN đang bị động và kêu cứu khi thị trường hiện tại đa số là phim nhập, 10 hay 15 năm nữa không biết sẽ ra sao. “Chúng ta đang bị động hoàn toàn và đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường” - ông Kim nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN - cũng bày tỏ: “Chúng ta đang đứng trước một khối lượng công việc phức tạp, đồ sộ để triển khai quy hoạch. Trong đó, tôi nặng lòng với việc sản xuất phim trong nước. Bản thân tôi ngồi duyệt phim thì 100 phim nước ngoài mới có 10 phim VN, phim VN thua ngay trên thị trường nhà mình!”. Bà Ngát kiến nghị phải đưa phim Việt ra nước ngoài để người ta biết VN cũng có nền điện ảnh, có văn hóa, đời sống rất thú vị chứ không chỉ có chiến tranh: “Có để các nhà làm phim cọ xát, tiếp xúc từ cái nhỏ đến cái lớn thì mới ra việc được”.

Đến từ Saigon Media, bà Thế Thanh đã có những ý kiến rất thực tế khi cho rằng quan trọng làm thế nào để thực hiện được bản kế hoạch này, chứ đừng là kế hoạch trên giấy: “Điện ảnh hình như vẫn đơn độc khi một số ý kiến cho rằng điện ảnh là vấn đề của riêng Cục Điện ảnh chứ không phải điện ảnh là việc của quốc gia. Điện ảnh không chỉ là tiêu tiền mà còn là thu tiền. Muốn phát triển thì phải chi tiền. Bài học Busan còn đó, khi họ luôn gắn điện ảnh vào các hoạt động của địa phương. Não trạng quản lý cần phải thay đổi khi mà ở nước ngoài đã hình thành công nghiệp văn hóa bao gồm cả điện ảnh thì ở ta còn chưa hiểu về khái niệm này”.

Bà Thanh cũng nhấn mạnh về kế hoạch xây rạp cần cụ thể, chi tiết hơn rằng thành phố nào, cụm dân cư nào không thể không có rạp? Nỗ lực làm phim đã có nhưng nỗ lực phổ biến phim có không? Hậu quả của việc thả nổi hệ thống phát hành phim đã cho thấy các rạp xập xệ thì Nhà nước lại để cho “chết” luôn. “Chính tư nhân đã giúp thay đổi cách xem phim của người Việt, phải ghi nhận, biết ơn tư nhân thay vì bài xích họ. Nhìn vào điều đó để thấy chúng ta đang kém, mà cái gì tư nhân đã làm và làm tốt thì mình tham gia làm gì? Vậy thì còn lại các phim tuyên truyền, phim nghệ thuật, đây chính là dòng phim cần các hệ thống rạp nhà nước để tránh được tình trạng chúng ta đang nhường thị trường phát hành cho phim nước ngoài”.

HÀ HƯƠNG - CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên