06/02/2014 10:42 GMT+7

Xây nhà ga kiểu Ấn

SƠN THỦY (từ Mumbai)
SƠN THỦY (từ Mumbai)

TT - Nhà ga Terminal 2 (T2) của sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji tại Mumbai nhìn từ xa giống một sân vận động, đến gần thì ngỡ nhà hát, qua cửa thì tưởng lâu đài, đi tiếp thì tưởng lọt vào một thánh đường.

Onjga1HJ.jpgPhóng to
Hành khách ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong nhà ga hàng không - Ảnh: Reuters

To lớn, hiện đại, sang trọng, mê hoặc, độc đáo và tiện lợi... Đó là nhận xét chung mỗi khi lướt nhìn nhà ga hàng không quốc tế T2 ở Mumbai vừa mới khánh thành và sắp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9-2.

Vừa độc đáo, vừa tuyệt vời

Nhà ga T2 Mumbai mang bản sắc Ấn Độ trong bất kỳ khía cạnh nào. Nó chính là tinh thần tự tôn dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Hôm khánh thành (10-1), Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định: “Nhà ga T2 này chứng minh năng lực của đất nước chúng ta về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Ấn Độ đẳng cấp thế giới, và tất cả người Ấn chúng ta có quyền tự hào về điều đó”.

Về thiết kế, T2 rộng là thế (tổng diện tích sàn 440.000m2) nhưng chỉ có một mái che duy nhất với diện tích mái khổng lồ đến 472.700m2. Để làm được phần mái che này người ta đã đưa ra một thiết kế sáng tạo chưa từng có, với các cột trụ thép giằng vào nhau với tổng khối lượng 18.000 tấn. Và để có ánh sáng tự nhiên vào nhà ga, người ta đã mở 272 cửa kính khổng lồ phía trên, với kích thước thuộc hàng lớn nhất châu Á, theo đó 28 cửa lớn có diện tích 500m2 mỗi cái và 244 cửa nhỏ có diện tích 140m2 mỗi cái.

Để tạo nét thẩm mỹ cho một mái nhà có đến hàng trăm ngàn dầm thép ngang dọc, các kiến trúc sư đã nêu ý tưởng che nó bằng 6.420 tấm lọc đặc biệt màu trắng thiết kế như những vì tinh tú có hình dạng những “mắt nhìn” trên bộ lông vũ của chim công. Điều này khiến hành khách khi nhìn lên trần nhà ga có cảm giác bắt gặp cả ngàn con công trắng đang nhảy múa. Điều thú vị nữa là chim công chính là quốc điểu của Ấn Độ.

Nhưng nét độc đáo lớn nhất chính là việc người ta đã khai thác tất cả phần tường trống lạnh lùng bên trong nhà ga để tạo nên một bức tường nghệ thuật dài gần 3km với 14.000 tác phẩm hội họa và điêu khắc. Lịch sử và đời sống, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của mọi miền Ấn Độ đã hội tụ trên bức tường này. Có người ví von mua vé đi máy bay lại được ngắm các tác phẩm nghệ thuật.

Ông Sanjay Reddy, con trai nhà đầu tư và cũng là đồng tác giả của nhà ga T2 này, nhận định với báo The Indian Express trong một cuộc phỏng vấn riêng: “Tôi nghĩ, bị ảnh hưởng bởi mặt trái của toàn cầu hóa, nhiều người Ấn rồi đây sẽ quên mất Ấn Độ là gì và bản sắc văn hóa Ấn là gì. Nhưng khi nhìn vào đây, họ sẽ tái phát hiện ra Ấn Độ và trở nên yêu đất nước mình hơn. Còn với khách quốc tế, qua đây chúng tôi muốn giới thiệu với họ những cái tốt đẹp nhất của Ấn Độ”.

Tưởng như không thể

Nếu có tiền và có đất thì sẽ không ít người sẵn sàng tuyên bố là làm T2 Mumbai chẳng khó khăn gì. Nhưng vấn đề ở đây là tiền thì thiếu và đất thì hầu như không có. Ông Sanjay Reddy, chủ tịch Tập đoàn GVK, kể hồi năm 2006 khi được giao thầu dự án này, ông phải tiếp nhận 14ha trong số 20ha đất ít ỏi mà chính phủ giao có đến 100 ngôi nhà, kể cả chùa chiền, nhà ổ chuột, công sở, đồn công an... cần giải tỏa. Ông từng lo phải mất đến 60 năm mới làm xong nhà ga T2 này bởi không thể giải phóng mặt bằng. Còn ông Sanjay Reddy mô tả quá trình thi công: “Để làm được, chúng tôi phải tạo ra đất, phải sản xuất ra đất, nếu có thể nói vậy. Rồi vừa thi công vừa phải đảm bảo cho nhà ga T1 vẫn hoạt động bình thường... Tình hình này khiến chúng tôi gần như là vừa làm một cuộc phẫu thuật mổ tim mở vừa chạy maratông”.

Để làm được những điều tưởng như không thể này, GVK cho biết họ phải tập hợp những người thật sự có năng lực đi tìm ý tưởng mới. Ông Sanjay Reddy thổ lộ: “Chúng tôi đã chọn hai ý tưởng. Một là về thiết kế kỹ thuật và hai là về thẩm mỹ. Chúng tôi chọn thiết kế truyền thống Ấn Độ chứ không sao chép môtip thiết kế kỹ thuật châu Âu. Về mỹ thuật, chúng tôi chọn nội dung phản ánh quê hương đất nước. Chưa có một nhà ga nào trên thế giới thật sự phản ánh đất nước của họ. Và đây thật sự là nơi và là lý do tại sao chúng tôi muốn đổi mới tư duy trong việc xây dựng sân bay nói chung. Cuối cùng, bằng công trình này, chúng tôi đã đặt được một cột mốc trên toàn cầu về ngành sân bay”.

Nhân lực giỏi từ 32 nước

Hàng ngàn nghệ nhân từ các vùng miền Ấn Độ, hàng trăm người giỏi từ 32 quốc gia đã được huy động tới Mumbai tham gia thực hiện dự án cùng với nhà thiết kế danh tiếng là Công ty SOM của Mỹ. Thủ tướng Singh đánh giá: “Đây là một ví dụ sáng chói về việc thực hiện thành công mô hình PPP, công tư kết hợp, ở Ấn Độ” - một mô hình hiệu quả hiện đang nắm giữ tới 55% khối lượng vận chuyển hành khách và 70% vận chuyển hàng hóa trong ngành hàng không của nước Ấn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã khiến ba lần điều chỉnh vốn đầu tư, từ 58 tỉ rupee qua 98 tỉ lên 125 tỉ rupee (tương đương 2 tỉ USD) như khi hoàn thành. Tuy vậy, theo Tập đoàn GVK, nếu tính tỉ suất đầu tư trên diện tích và trên công suất tiếp nhận hành khách thì giá thành của T2 Mumbai chỉ bằng 15% giá thành các nhà ga ở châu Âu, 35% giá thành của nhà ga T3 ở Bắc Kinh và 50% giá thành nhà ga Suvarnabhumi ở Bangkok. Nếu con số trên là chính xác thì thật là kỳ diệu...

B4nyQMYo.jpgPhóng to
Một khoảng không gian xanh - Ảnh: Reuters

Những con số đáng nể

Nhà ga T2 đã lập được một loạt kỷ lục với những con số khổng lồ mặc dù nó không thuộc nhóm các nhà ga lớn nhất thế giới. Ví dụ, nó là nơi có diện tích tường bằng kính lớn nhất thế giới: 11.000m2. Với công suất 40-45 triệu khách/năm, nhà ga T2 có khu vực check-in rộng tới 4ha với 188 cửa check-in, mỗi giờ có thể tiếp 9.900 hành khách làm thủ tục bay; có các băng chuyền hành lý dài đến 6km, mỗi giờ vận chuyển gần 10.000 chiếc vali.

Hành khách có thể di chuyển bên trong nhà ga trên 44 băng chuyền phẳng, 49 thang cuốn nghiêng, 73 thang máy thẳng đứng và 77 cầu lên máy bay. Ở đây có hơn 100 nhà vệ sinh, có khu vực bán lẻ miễn thuế rộng tới hơn 2ha và có bãi đậu xe nhiều tầng lớn nhất Ấn Độ với 5.200 chỗ. Ngoài ra, T2 còn có một bộ sưu tập thực vật với 77.000 cây xanh thuộc 80 loài.

SƠN THỦY (từ Mumbai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên