Chị Phạm Thị Hương Giang (thứ 2 từ phải qua) - người sáng lập Nhà chống lũ và các thành viên của dự án trong một sự kiện chia sẻ về Sổ tay nhà an toàn với các chuyên gia và những người quan tâm - Ảnh: VŨ THỦY
Mùa mưa bão năm nay chương trình đã ra mắt dự án Sổ tay nhà an toàn tổng hợp các mô hình nhà chống lũ để nhiều bên liên quan có thể khai thác và sử dụng với mong muốn "sợ lũ chỉ là chuyện xưa cũ".
"Trong bối cảnh thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần điều chỉnh tư duy từ ứng phó, khắc phục thiệt hại sang xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng.
Một căn nhà vững chãi là yếu tố quan trọng đảm bảo bà con khó khăn có cuộc sống an toàn trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, một tổ chức sẽ không bao giờ hỗ trợ được hết tất cả những bà con đang gặp khó khăn trên cả nước.
Thời điểm này dự án mong muốn mời các chuyên gia cùng tham gia chung tay để mô hình hóa Sổ tay nhà an toàn thành một mã nguồn mở để người dân ở bất cứ đâu cũng có thể sử dụng mà không cần sự can thiệp của dự án" - chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), người sáng lập chương trình Nhà chống lũ, chủ tịch Quỹ Sống, chia sẻ tại sự kiện ra mắt sổ tay.
Ý tưởng của Nhà chống lũ là với việc phân loại mô hình nhà cho từng khu vực, từng loại thiên tai, chi tiết kỹ thuật, cũng như hướng dẫn các bước thi công trong Sổ tay nhà an toàn sẽ giúp mọi người có thể xây dựng một ngôi nhà vừa an toàn để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, vừa tiết kiệm.
Sổ tay bao gồm chín mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam: từ nhà kê nền thấp cho địa hình vùng núi với lũ quét, sạt lở cho đến nhà kê nền cao cho đồng bằng miền Trung, nhà kê nền linh hoạt cho vùng nước nổi Đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình nhà ống có gác, nhà phao biệt lập, nhà phao gắn liền nhà xây...
Chọn cách chia sẻ những kinh nghiệm đã tích lũy được về các mô hình nhà chống lũ thông qua Sổ tay nhà an toàn, Nhà chống lũ mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn tương thích với từng loại hình thiên tai.
Với vai trò chủ biên cuốn Sổ tay nhà an toàn, PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên cho biết ở nhiều địa phương, Nhà chống lũ không đưa ra các mô hình có tính đột phá mà dựa trên các mô hình đã có của bà con, các kiến trúc sư với chuyên môn của họ sẽ thêm vào hoặc thay đổi một số yếu tố, ví dụ thay đổi kết cấu phần tường, phần mái, thay đổi vật liệu để ngôi nhà có khả năng chống chọi với lũ.
"Mỗi vùng khác nhau có mô hình đặc thù riêng, phải "tùy biến" để phù hợp với mức lũ, đặc điểm văn hóa địa phương", chị Hạnh Nguyên chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận