04/03/2022 17:36 GMT+7

Xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Ban soạn thảo xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm trưởng ban.

Xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 3-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - bí thư Đảng đoàn Quốc hội - đã ký quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật".

Theo quyết định, ban soạn thảo có 17 thành viên do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm trưởng ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga làm phó trưởng ban thường trực; hai phó ban còn lại là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính trung ương Võ Văn Dũng.

Đảng đoàn Quốc hội cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022.

Mục tiêu nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội cũng nêu rõ 4 nhiệm vụ cụ thể sẽ được thực hiện:

Nhiệm vụ 1: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhiệm vụ 3: Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực.

Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…; sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra, Luật đất đai, Luật thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo tiến độ được đề ra, tháng 10-2022, ban soạn thảo sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo. Trong tháng 11-2022 sẽ tiếp thu ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, hoàn thiện dự thảo.

Trong tháng 12-2022, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống 'lợi ích nhóm', tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phải vì COVID-19 mà ngừng lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phải vì COVID-19 mà ngừng lại

TTO - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng mà dư luận quan tâm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phải xem đây là nhiệm vụ then chốt.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0