15/10/2013 04:11 GMT+7

Xây bảo tàng mới xứng tầm Đại tướng

ĐỨC BÌNH ghi
ĐỨC BÌNH ghi

TT - Đó là ý kiến của TS Phạm Bá Khoa - giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ VN, phó chủ tịch thường trực HĐ lịch sử T.Ư Đoàn. Ông nói:

PO2D3R6c.jpgPhóng to
Người dân Hà Nội đau xót tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ở VN hiện nay có rất nhiều bảo tàng và được phân chia thành nhiều loại, nhiều cấp độ, có bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng địa phương (cấp tỉnh, thành phố), bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng danh nhân văn hóa, bảo tàng tư nhân...Đối với bảo tàng danh nhân (hoặc lãnh tụ) thì VN hiện nay chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội (có chi nhánh ở các địa phương khác) và Bảo tàng Tôn Đức Thắng (tại TP.HCM).

Tôi được biết tại văn bản số 128 CV/TƯ ngày 26-8-1988 của Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: “Ngoài hai Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang hoạt động không đặt vấn đề xây dựng bảo tàng riêng đối với các danh nhân cách mạng nữa”. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, với những gì Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho nhân loại, nhân dân ta, đất nước ta... thì trong sâu thẳm trái tim, cá nhân tôi mong sao Đảng và Nhà nước ta về lâu dài cho phép thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp để xứng với công lao to lớn và tầm cỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, cá nhân tôi còn muốn Nhà nước đề nghị để thế giới công nhận Võ Nguyên Giáp là danh nhân văn hóa thế giới như Hồ Chí Minh, như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... bởi vì ông là Đại tướng hòa bình, Đại tướng của nhân dân.

Trước mắt, nếu được, có thể thành lập khu tưởng (lưu) niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại địa chỉ 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), vì đây là nơi Đại tướng gắn bó một thời gian dài, có khuôn viên đẹp. Ngay từ chiều 4-10, khi Đại tướng vừa từ trần, cho đến ngày 13-10 nơi đây gần như đã là địa chỉ đỏ, nơi các thế hệ người VN tìm đến như một sự tri ân, biết ơn, vinh danh Đại tướng. Tôi thiết nghĩ suy nghĩ của cá nhân tôi sẽ được nhiều bạn trẻ và nhân dân ủng hộ khi thành lập khu tưởng niệm Đại tướng ngay tại số nhà 30 Hoàng Diệu, và lâu dài khi đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ nâng cấp thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp.

Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày đầy đủ hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cốt cách người Việt nhân văn, thương yêu đồng bào như ruột thịt... Có bảo tàng, mai này lớp trẻ, mọi người tới đó sẽ soi rọi mình, chiêm nghiệm bản thân để rèn giũa, học tập, để thấy ở đó một Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỗ dựa, một niềm tin...

Những ngày qua, tôi cũng theo dõi và thấy có ý kiến nói việc đặt tên những con đường mang tên Đại tướng. Việc này tôi nghĩ không nên phải đợi sau 5 hay 10 năm mà cần phải làm ngay. Tương lai chúng ta sẽ có nhiều con đường mới to đẹp, và ý kiến đặt tên con đường từ cầu Nhật Tân tới Nội Bài (Hà Nội) là một ý tưởng hay. Thậm chí đặt tên Võ Nguyên Giáp cho con đường xẻ dọc Trường Sơn cũng rất tốt.

Ngoài ra, tôi nghĩ mỗi địa phương rồi đây cũng nên nghiên cứu và sẽ đặt tên các công viên, trường học mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đề xuất đổi tên xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp

Với cùng một tình cảm trân trọng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều bạn đọc đã gặp nhau khi đề xuất đặt tên ông cho những con đường có ý nghĩa nhất, trong đó có xa lộ Hà Nội (TP.HCM) .

Hãy chọn xa lộ Hà Nội

Tôi xin đề xuất đổi tên xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp. Xa lộ Hà Nội đã và đang nâng cấp mở rộng rất đẹp, là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía đông của TP.HCM. Con đường này cũng có rất nhiều ý nghĩa trong cuộc Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đặc biệt xa lộ Hà Nội là con đường được nối liền với đường Điện Biên Phủ. Từ đó chúng ta thấy ý nghĩa lớn là: Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ là hai con đường nối liền nhau bởi cây cầu Sài Gòn.

Nguyễn Mậu Dao

Không nên đổi tên TP Điện Biên

Tôi ủng hộ tất cả ý kiến đặt tên sân bay, trường quân sự, lập bảo tàng, tên đường... chỉ duy nhất thành phố Điện Biên là không nên thay tên vì địa danh Điện Biên đã gắn liền với tên tuổi Võ Nguyên Giáp, đã “chấn động địa cầu” là một cặp khái niệm thương hiệu song hành. Tại TP.HCM, tên đại lộ Võ Nguyên Giáp nên nối với đường Điện Biên Phủ hiện giờ, tính từ chân cầu Sài Gòn ra đến cầu Rạch Chiếc, tiếp đó vẫn là xa lộ Hà Nội... Như vậy sẽ tạo sự gắn liền giữa Điện Biên Phủ và Võ Nguyên Giáp.

Võ Văn Quang

Thế “song long”

Theo tôi, quốc lộ 1 hiện nay sau khi được nâng cấp trên toàn tuyến Bắc-Nam thì nên đổi lại thành quốc lộ Võ Nguyên Giáp, chạy song song với đường Hồ Chí Minh. Như vậy, cả nước sẽ có hai quốc lộ huyết mạch Bắc-Nam mang tên hai danh nhân kiệt xuất của nước nhà. Đường Hồ Chí Minh ở phía tây, đường Võ Nguyên Giáp ở phía đông, trong thế “song long” đang bay thì đương nhiên cả nước sẽ đi lên như hai con rồng đang bay lên vậy!

Quang Vũ

ĐỨC BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên