Cơ quan chức năng lấy mẫu xăng RON 95 tại Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thân Sinh (đã bị phạt hơn 184 triệu đồng vì có nhiều vi phạm) - Ảnh: L.ĐAN
Đây cũng là điều mà người dân cả nước quan tâm.
Cử tri lo lắng xăng kém chất lượng
Tại kỳ họp lần thứ 8 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX khai mạc sáng 9-7, rất nhiều cử tri lo lắng nạn xăng dầu giả, kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại hệ thống, chất lượng xăng dầu tại tất cả cơ sở bán xăng dầu để người dân yên tâm.
Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết từ đầu năm 2018 đến nay cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện gần 20 cây xăng vi phạm, xử phạt hàng tỉ đồng nộp ngân sách, tịch thu, tạm giữ hàng trăm ngàn lít xăng dầu kém chất lượng, xăng dầu nhập lậu.
Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang điều tra một vụ có dấu hiệu bán dầu giả, trốn thuế xảy ra trên địa bàn với khối lượng khoảng 4.000 lít dầu DO do hai doanh nghiệp phân phối khá lớn tại tỉnh thực hiện.
Đại diện Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng buôn bán xăng giả, kém chất lượng diễn biến khá phức tạp. Nhiều doanh nghiệp có hành vi mua bán xăng dầu không đạt chỉ tiêu, chất lượng công bố, gây ảnh hưởng không ít tới quyền lợi người tiêu dùng.
Theo cơ quan chức năng, việc bán xăng giả, kém chất lượng gây nguy hiểm cho tài sản và tính mạng con người vì nguy cơ cháy nổ, hỏng hóc phương tiện rất cao. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm tra nhanh để kịp thời niêm phong các cửa hàng có dấu hiệu vi phạm chưa thể thực hiện vì thiếu phương tiện kiểm tra.
5 kỳ họp liên tiếp chất vấn về cháy nổ
Trong phiên chất vấn ngày 9-7 tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội, có ba nhóm nội dung được chọn để chất vấn, tái chất vấn: thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai; phát triển giao thông công cộng và phòng chống cháy nổ. Riêng vấn đề phòng chống cháy nổ đã được HĐND TP Hà Nội giám sát, chất vấn liên tiếp 5 kỳ họp.
Các đại biểu đặt vấn đề hơn 61% số cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động "chui", việc ngăn chặn tình trạng này thế nào? Và trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của các địa phương ra sao?
Trả lời, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho hay toàn TP có trên 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó chỉ có khoảng 500 cơ sở đủ các yêu cầu về phòng chống cháy nổ. Còn lại hơn 1.000 cơ sở không đủ điều kiện, đã bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên qua theo dõi của lực lượng công an, các cơ sở này vẫn lén lút hoạt động.
Tiếp tục chất vấn, nhiều đại biểu "xoáy" vào trách nhiệm quản lý địa bàn của chủ tịch các quận, huyện. Chủ tịch UBND các huyện Thạch Thất, Mê Linh đề xuất thu giữ máy móc, phương tiện của các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động "chui" và công khai lên các phương tiện thông tin ở địa phương.
Tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng 5 kỳ họp HĐND vừa qua, các đại biểu đều giám sát, chất vấn về phòng chống cháy nổ. TP lồng ghép phương án phòng cháy chữa cháy vào các nội dung khác để trình thường trực Thành ủy cho ý kiến. Sau đó, UBND TP sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Khánh Hòa: chấn chỉnh việc xẻ núi
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 9-7, ông Nguyễn Tấn Tuân, chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng "đụng vào dự án nào là vi phạm dự án nấy. Núi thì xẻ núi, biển thì lấp biển, hồ thì lấp hồ, sông thì lấp sông trên địa bàn TP Nha Trang". Ông Tuân đề nghị thực hiện nghiêm túc việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng nêu trên.
Theo ông Nguyễn Lê Đình Trị - chủ tịch HĐND TP Nha Trang, tại các dự án ven núi Cô Tiên và tại xã Phước Đồng, có những dự án không đầy đủ thủ tục pháp lý vẫn cứ tiến hành san ủi, khai thác đất đá chở đi san lấp. "Đối với các dự án quá 3 năm không thực hiện đúng quy định pháp luật, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, xử lý chấm dứt các dự án vi phạm đó" - ông Trị nói.
P.S.NGÂN
Cử tri Tiền Giang lo ngại sạt lở đê biển
Đó là vấn đề nhiều cử tri lo ngại được trình bày tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX, khai mạc ngày 9-7. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và phát biểu.
Ông Lê Văn Nghĩa, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông do biến đổi khí hậu cũng là tác nhân gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh. Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 36 điểm sạt lở đê sông, đê biển với tổng chiều dài lên đến 1.700m.
Phát biểu trước HĐND tỉnh Tiền Giang, ông Uông Chu Lưu cho rằng những bức xúc của cử tri là có cơ sở, sát với thực tế đời sống. "Về tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nói chung, Tiền Giang nói riêng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần đưa vào nghị trình làm việc và có dành một khoản kinh phí không nhỏ để khắc phục, nâng cấp sửa chữa, đầu tư xây mới hệ thống đê. Tới đây lĩnh vực này tiếp tục được đầu tư lớn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong vùng yên tâm sản xuất" - ông Lưu nói.
TH.TÚ
Đà Nẵng: thu hút đầu tư "tưng bừng" nhưng tăng trưởng chưa đạt
Chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 2.500 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng.
Thế nhưng tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) chưa đạt kế hoạch đề ra, chỉ là 6,21%, giảm hơn 1% so với cùng kỳ 2018. Đó là một trong những nội dung được Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP chỉ ra trong cuộc họp ngày 9-7.
Theo ông Trần Chí Cường - trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, GRDP chưa đạt là do sản xuất công nghiệp, thuế sản phẩm giảm mạnh trong khi khu vực dịch vụ chưa bù đắp được. Ngoài ra, những tác động, ảnh hưởng từ sai phạm trong quản lý đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa có cơ chế tháo gỡ. Điều này làm nghẽn nguồn vốn đầu tư xã hội vào TP.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho rằng việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư chưa chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ông nhận định một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đây là những vấn đề cần có giải pháp căn cơ để tập trung khắc phục.
TR.TRUNG - H.KHÁ
Thừa Thiên Huế chấm dứt khai thác cát vào năm 2020
Các thuyền cỡ lớn khai thác cát trái phép trên sông Hương - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là câu trả lời chất vấn về tình hình khai thác cát sỏi lòng sông đang rất "nóng" trên địa bàn tỉnh của đại biểu Phan Thiên Định, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng 9-7.
Đại biểu Lưu Đức Hoàn chất vấn rằng tại sao UBND tỉnh đã phê duyệt 27 khu vực khai thác cát, sỏi để cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn đủ đến năm 2020, thế nhưng hiện nay cát, sỏi vẫn khan hiếm, làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng của người dân.
Trả lời chất vấn, đại biểu Phan Văn Thông - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường - cho rằng để hạn chế việc khai thác cát, sỏi lòng sông, sở đang hướng dẫn các đơn vị tiến hành sản xuất cát xây nhân tạo qua quá trình sản xuất đá làm vật liệu xây dựng. Sở cũng đang đánh giá các bãi cát nội đồng và sắp tới sẽ đưa vào khai thác 7 bãi bồi nhằm cung ứng cho nhu cầu rất "khát" cát.
N.LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận