13/04/2022 18:45 GMT+7

Xác định rõ trách nhiệm chậm trễ trả lời kiến nghị của thanh tra nhân dân

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ông Lê Tiến Châu đề nghị cần có quy định cụ thể, hợp lý hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của thanh tra nhân dân.

Xác định rõ trách nhiệm chậm trễ trả lời kiến nghị của thanh tra nhân dân - Ảnh 1.

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở diễn ra ngày 13-4 - Ảnh: MTTQ

Ngày 13-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước với gần 4.000 đại biểu tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến, phản biện xoay quanh nội dung về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo luật so với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tính đầy đủ của các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo luật, quy định để "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"…

Ông Đỗ Duy Thường, phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, cho rằng phải quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật, nhất là trách nhiệm của công chức, cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

"Ví dụ, những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết. Khi dân phản ánh thì phải vào cuộc thanh tra, cùng với đó, thanh tra nhân dân cũng có thể phối hợp làm được việc này", ông Thường đề xuất.

Nêu ý kiến tại hội nghị, GS Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận trung ương, nêu 3 chủ thể thực hiện quyền dân chủ là người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp. Ông đề nghị dự thảo luật đặc biệt chú trọng người dân ở xã (địa bàn nông thôn, chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng dân cư), cùng với dân chủ ở xã thì cũng không xem nhẹ dân chủ ở đô thị.

Phát biểu kết luận, phó chủ tịch - tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Nhắc tới vấn đề quyền hạn, ông Châu cho biết dự thảo luật tiếp tục quy định quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân chỉ giới hạn trong phạm vi "kiến nghị" với người có thẩm quyền xử lý theo quy định. 

Do đó, để khắc phục tính hình thức, chưa bảo đảm thực chất trong hoạt động và nâng cao quyền hạn, giá trị pháp lý của hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, cần có quy định cụ thể, hợp lý hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân đúng thời hạn. 

Đồng thời cần quy định việc xử lý hành vi lợi dụng dân chủ.

Kiến nghị bổ sung quy định về Kiến nghị bổ sung quy định về 'ghi âm ghi hình khi tiếp dân'

TTO - Đó là một trong những kiến nghị nhận được góp ý, quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại buổi giám sát ngày 4-3 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Thanh tra TP.HCM và Ban tiếp công dân TP.HCM.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên