Một bờ kè dài gần 1000m mới xây dựng dưới chân kinh thành Huế - Ảnh: MINH TỰ
Ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ đã nhận được công văn của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phản hồi thông tin mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh về tình trạng phá dỡ bờ kè nguyên gốc của hào nước bao quanh chân kinh thành Huế (gọi là hộ thành hào) để xây mới.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế là chủ dự án này, cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ và các báo phản ánh sự việc, đơn vị này đã kiểm tra hiện trường và xác nhận một số hạn chế, tồn tại.
Cụ thể, việc triển khai thi công chưa đúng tiến độ. Tại một số vị trí, việc thi công còn tùy tiện, không theo đúng yêu cầu về kỹ thuật thi công đã được phê duyệt.
Đơn vị thi công đã sử dụng quá quy định các phương tiện cơ giới trong quá trình hạ giải tuyến kè, gây ra những hình ảnh phản cảm. Sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình.
Hạ giải và tu bổ di tích bằng... xe xúc - Ảnh: MINH TỰ
Đơn vị này cho biết đã tạm dừng thi công để kiểm tra cụ thể hơn, nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại. Đồng thời tăng cường giám sát, điều chỉnh các giải pháp thi công phù hợp nhất.
Đây là hạng mục tu bổ và tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế. Khởi công từ cuối năm 2018, đến cuối tháng 3-2019 đã thi công xong đoạn kè dài gần 1.000m, từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài.
Đơn vị thi công là Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) đã dùng xe xúc để phá dỡ toàn bộ bờ kè nguyên gốc bằng đá gan gà, được xây dựng vào năm 1832 theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính.
Đồng thời xây mới hoàn toàn một bờ kè bằng đá granite mới, vữa xi măng, ống nhựa để thoát nước, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới. Đoạn kè mới này dài gần 1.000m, vừa xây xong và chuẩn bị thi công tiếp đoạn còn lại của mặt nam kinh thành thì báo chí phát hiện và lên tiếng.
Trả lời báo Tuổi Trẻ vào thời điểm đó, cả chủ dự án lẫn đơn vị thi công đều cho rằng toàn bộ đoạn kè vừa thi công đã bị hư hỏng nặng nề, nên phải hạ giải toàn bộ để xây mới, vì không còn giải pháp kỹ thuật nào khác.
Tuy nhiên, các hình ảnh tư liệu mà bạn đọc báo Tuổi Trẻ chụp từ một năm trước cho thấy nhiều đoạn của bờ kè nguyên gốc vẫn còn khá nguyên vẹn và ổn định.
Xin mời các bạn xem các hình ảnh sau để thấy hiện trạng của di tích, trước và sau khi tu bổ:
Hiện trạng của đoạn bờ kè ngay cạnh cửa Quảng Đức, ảnh chụp vào đúng một năm trước (ngày 23-4-2018) - Ảnh: BẠN ĐỌC BÁO TUỔI TRẺ CUNG CẤP
Đoạn bờ kè sau khi tu bổ bằng cách xây mới hoàn toàn - Ảnh: MINH TỰ
Cận cảnh của đoạn kè trên đây, ảnh chụp ngày 23-4-2018 - Ảnh: BẠN ĐỌC BÁO TUỔI TRẺ CUNG CẤP
Cận cảnh của đoạn kè sau khi xây mới - Ảnh: MINH TỰ
Đoạn bờ kè giáp với cầu dẫn vào cửa Quảng Đức được xây như một hành lang có lancan (ảnh chụp 23-4-2018) - Ảnh: BẠN ĐỌC BÁO TUỔI TRẺ CUNG CẤP
Đơn vị thi công đã phá bỏ - Ảnh: MINH TỰ
Và xây mới lại đoạn kè này như thế này - Ảnh: MINH TỰ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận