18/04/2021 09:00 GMT+7

‘Xa vắng tiếng dương cầm’ tưởng nhớ 5 năm xa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Nhiều ca sĩ như Elvis Phương, Quang Dũng, Hồ Lệ Thu… cùng góp giọng trong đêm nhạc ‘Xa vắng tiếng dương cầm’ ở nhà hát Đà Lạt Opera House, để tưởng nhớ 5 năm ngày giỗ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

‘Xa vắng tiếng dương cầm’ tưởng nhớ 5 năm xa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang lặng lẽ đệm đàn cho tất cả các tiết mục tại đêm nhạc - Ảnh: TẤN ĐẠT

Xa vắng tiếng dương cầm được dàn dựng với tâm huyết của con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ Nguyễn Quang. Đà Lạt được chọn làm điểm đến của đêm nhạc vì khi còn sống, nhạc sĩ từng có nhiều kỷ niệm gắn bó với phố núi này.

Tối thứ bảy (17-4) trời mưa nhẹ và những bản tình ca Nguyễn Ánh 9 đã vang lên trước hơn 800 khán giả, trong không gian của nhà hát Đà Lạt Opera House (Lâm Đồng).

Nhạc sĩ của những nỗi buồn... thật đẹp

Quang Dũng hát 'Buồn ơi chào mi' - Video: TIẾN VŨ

Nguyễn Ánh 9 không có gia tài âm nhạc lớn vì ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng độ vài ba chục bài, có bài mất thời gian vài năm. Thế nhưng mỗi giai điệu ông chấp bút đều lấp lánh những cảm xúc chân thật về một câu chuyện, kỷ niệm nào đó hiện hữu trong đời.

Cảm hứng trong âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 thường là nỗi buồn, một nỗi buồn... rất đẹp của những kẻ nặng tình và chân phương khi yêu.

Trong đêm nhạc, các ca sĩ như Hồ Lệ Thu, Ngọc Liên, Hương Giang, Tuấn Anh... thân thương gọi cố nhạc sĩ là "bố". Họ cùng nhau hát lại nhiều nhạc phẩm quen thuộc của Nguyễn Ánh 9 như Biệt khúc, Buồn ơi chào mi, Lối về, Mùa thu cánh nâu, Tiếng hát lạc loài, Ai đưa em về...

‘Xa vắng tiếng dương cầm’ tưởng nhớ 5 năm xa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Ảnh 3.

Ca sĩ Hồ Lệ Thu - Ảnh: TẤN ĐẠT

Phần còn lại của đêm nhạc là hai giọng ca Quang Dũng, Elvis Phương. Nếu Quang Dũng thâm trầm với Tình khúc chiều mưa, Buồn ơi chào mi thì Elvis Phương khắc khoải, máu lửa hơn với Một lời cuối cho em, Không.

Không chỉ hát, cả hai còn ôn lại nhiều kỷ niệm làm nghề cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. MC Kỳ Duyên đã sưu tầm, gợi nhắc lại nhiều câu chuyện khác gắn với ông để khán giả Đà Lạt thêm hiểu hơn về con người cũng như âm nhạc của Nguyễn Ánh 9.

Khép lại đêm nhạc là màn song tấu piano của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang, hai cha con say sưa cùng với giai điệu của Tình khúc chiều mưa. Đây cũng là màn trình diễn gây nhiều xúc động khi hình ảnh cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngồi đánh đàn được tái hiện ngay trên sân khấu, đối diện là con trai Nguyễn Quang cũng đang hòa nhịp.

Màn song tấu piano của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và con trai - Video: TIẾN VŨ

Nhiều duyên nợ với Đà Lạt

Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho biết cha ông từng học tập, trưởng thành tại Đà Lạt. Đây cũng là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ định mệnh giữa cậu học trò Nguyễn Đình Ánh với nhạc sĩ Hoàng Nguyên, để sau đó tình yêu dành cho dương cầm cứ lớn dần trong cậu thiếu niên tuổi 14.

Trước khi mất một tháng, Nguyễn Ánh 9 đã trở lại Đà Lạt thăm trường xưa và chốn cũ. Tại đây, ông đã chọn một quán cà phê, ngồi bên cạnh cây dương cầm và đàn cho các ca sĩ thân quen hát.

‘Xa vắng tiếng dương cầm’ tưởng nhớ 5 năm xa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Ảnh 5.

Ca sĩ Quang Dũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả Đà Lạt

Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ như thể đáp lại, Đà Lạt hôm nay vẫn còn lưu giữ một căn phòng nhỏ bên ngoài treo bảng "Phòng Nguyễn Ánh 9" tại Nhà văn hóa tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có nhiều hình ảnh và đồ vật nhạc sĩ từng dùng.

"Tôi vô cùng xúc động và đã đánh lên khúc nhạc quen thuộc của cha, dù cây đàn sau 60 năm đã tiếng còn tiếng mất. Tình cảm của cha dành cho Đà Lạt và tình cảm của người yêu nhạc Đà Lạt dành cho cha đã thúc đẩy tôi tập trung mọi nguồn lực để tổ chức một đêm diễn thật khó quên tại thành phố này", nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ về đêm nhạc.

Elvis Phương: 'Được hát nhạc Nguyễn Ánh 9 là may mắn của tôi'

Danh ca Elvis Phương cho biết mối duyên đưa anh đến với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chính là ca khúc Không đã góp phần tạo nên tên tuổi của anh. Sau này, âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 cũng trở thành dấu son trong sự nghiệp ca hát của Elvis Phương.

Elvis Phương hát ‘Không’ - Video: TIẾN VŨ

"Anh đề nghị chúng tôi làm một đĩa tôi hát nhạc của anh và đĩa đó đã bán rất chạy. Ngày anh mất, tôi kẹt ở Mỹ không thể về đưa tiễn được.

Cho tới tận bây giờ, 5 năm trôi qua sau ngày anh mất, đi đâu tôi cũng thường hát bài Không của anh. Đó là cách tôi tưởng nhớ tới một người anh thân thiết trong nghề. Chúng tôi đã kề vai với nhau từ khi cả hai chưa ai biết tới. Tôi thực sự xúc động và sung sướng khi được đứng trên sân khấu ngày hôm nay", danh ca bồi hồi chia sẻ.

‘Xa vắng tiếng dương cầm’ tưởng nhớ 5 năm xa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Ảnh 7.

Nguyễn Quang và Elvis Phương trò chuyện tại đêm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn luôn tâm niệm những điều đến từ trái tim sẽ đi thẳng đến trái tim. Lời hát của ông không cầu kỳ trong câu chữ mà dung dị, giàu sức gợi. Gieo chúng lên những bản phối êm đềm cùng tiếng dương cầm, đó là lúc những lời hát vốn dung dị kia bỗng có sức neo đậu vào tâm trí người nghe một cách ghê gớm.

Và lúc này, ranh giới giữa một nhạc công và nhạc sĩ xóa nhòa, chỉ còn những giai điệu cứ tung tăng cùng phím đàn. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Nguyễn Ánh 9 có tâm nguyện trên ngôi mộ của ông sẽ có hình hài của đàn piano.

Từ Mỹ, Khánh Ly nhớ người anh nhạc công, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 năm nào

172651046_149128023803934_8719732041962597235_n

Nguyễn Ánh 9 và Khánh Ly

Với Khánh Ly, Nguyễn Ánh 9 là người nhạc sĩ, người bạn tri kỷ, còn với cố nhạc sĩ, Khánh Ly lại chính là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác thăng hoa của ông như Mùa thu cánh nâu, Đêm tình yêuNụ hôn tình sầu.

Khánh Ly chia sẻ cảm xúc của cô nhân ngày giỗ 5 năm của người anh trong nghề: "Những tác phẩm của Nguyễn Ánh 9 đặc trưng và không giống ai. Mỗi bài hát đều là cảm tác của ông ấy về một sự kiện trong cuộc sống. Mỗi khi hát các ca khúc của ông ấy, cảm xúc của tôi không giống với bất kỳ một nhạc sĩ nào khác, nó rất riêng.

Một trong những người tôi thân quý, chính là ông Nguyễn Ánh 9. Ông ấy là một nhạc sĩ tài năng, sâu sắc và hiền lành".

Nguyễn Ánh 9: Vĩnh biệt một tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9: Vĩnh biệt một tiếng dương cầm

TT - Chiếc xe đưa ông về đến ngôi nhà thân quen ở số 2C3 Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận trong tiếng khóc nấc của gia đình, học trò của ông và những người hàng xóm quanh nhà.

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên