Chỉ có điều người ta nói đến chuyện xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhiều hơn bởi nơi này được xem như biểu tượng "trung tâm của trung tâm" tại TP.HCM.
Câu hỏi đặt ra là chuyện xả rác có lạ không, mới mẻ gì không? Trả lời ngay là không.
Chính vì nhiều người cũng xem đó như một thói quen, người này xả được, người khác cũng xả được. Riết rồi không mấy người còn thấy bức xúc trước tình trạng xả rác tràn lan trên phố đi bộ nữa. Có chăng chỉ nhân viên dọn vệ sinh thấy ngán ngẩm thôi.
Bởi cả khi thùng rác nằm ngay bên cạnh, nhiều người mà trong đó vô số là người trẻ vẫn thản nhiên vứt luôn tại chỗ, không buồn bỏ vào thùng rác kia mà!
Mặc cho nỗ lực thu gom của nhân viên vệ sinh, mặc những lời ta thán kêu ca về tình trạng xả rác, nhiều người thấy là chuyện của ai đó, không phải của mình.
Hãy khoan so sánh chuyện xứ mình với Singapore, rằng sao họ làm được mà mình nói hoài xử không xong.
Hãy khoan kêu gọi, hô hào, chiến dịch này nọ kia đi. Bắt đầu từ điều cốt lõi: ý thức của chính mỗi người.
Không phải vì bên Singapore người ta quy định xử phạt nghiêm hơn nên người dân ra đường không dám xả rác bừa bãi. Câu chuyện bắt nguồn từ việc xây dựng ý thức cho mỗi người, mà điều này phải từ trong trường học, hãy khởi động từ những đứa trẻ.
Phải dạy cho học sinh từ mầm non biết rằng chúng không được xả rác tùy tiện bất cứ đâu ngoài thùng rác.
Tôi có đứa cháu gái học mẫu giáo, ăn xong bất cứ thứ gì đều tìm đến đúng nơi bỏ rác trong nhà để vứt rác. Ra đường, uống xong hộp sữa, cháu luôn tìm đúng nơi có thùng rác bỏ vào.
Hỏi vì sao làm thế, cháu hồn nhiên trả lời được cô giáo trong lớp mẫu giáo dặn vậy.
Thế nhưng, chính tôi cũng nhìn thấy cảnh không chỉ một mà vài bà mẹ chở con đi học, đợi cho con hút xong hộp sữa rồi tiện tay quăng luôn vỏ hộp ấy vào gốc cây ngay trước cổng trường.
Dừng đèn đỏ, chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy ngay trong những luống cây xanh trồng dọc đường có bao nhiêu là ly nhựa, hộp xốp, bao ni lông người đi đường dùng hết đồ ăn, thức uống rồi tiện tay nhét luôn vào bồn cây?
Chúng ta sẽ dạy con trẻ điều gì trước những hành xử đó? Thói quen nào sẽ hình thành ở trẻ nếu chúng thấy người lớn vô tư xả rác ngoài đường?
Trở lại câu chuyện xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tôi không cho rằng khó đến mức không thể không làm được. Vì kêu gọi cũng đã làm nhiều. Tuyên truyền cũng làm không ít rồi. Việc cần lúc này là chấn chỉnh quản lý.
Mà trước hết quy hoạch việc buôn bán hàng rong khá bát nháo diễn ra ở đây đã quá lâu rồi. Hàng rong phải được quy hoạch vào từng khu, có hệ thống thùng rác cho người sử dụng có nơi bỏ vào.
Khi đã có đầy đủ các yếu tố đi kèm và buộc mọi người phải chấp hành, ai vi phạm phải chịu xử phạt, thậm chí phạt nặng.
Chứ ý thức của số đông cứ mãi lùn mà đòi hỏi phải có hành vi ứng xử văn hóa cao, sao được!
Nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng - và trong câu chuyện cụ thể này là ở phố đi bộ Nguyễn Huệ - là chủ đề dường như nói mãi vẫn luẩn quẩn khi chưa được giải quyết triệt để.
Để cùng bàn các giải pháp xây dựng một thành phố xanh, một nếp văn hóa đô thị rất cần được quan tâm đúng mực này, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc có những góp ý, hiến kế xoay quanh chủ đề Làm sao để không còn nạn xả rác bừa bãi?
Email gửi về quoclinh@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online mong đón nhận những trao đổi, góp ý từ bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận