06/11/2015 08:38 GMT+7

Xã “hòn” mà không có “đảo”!

 NGUYỄN MINH NHỊ
NGUYỄN MINH NHỊ

TT - Mấy hôm nay trên diễn đàn Quốc hội và qua các báo, dư luận “xôn xao” về việc các xã đảo tỉnh Kiên Giang không được hưởng “chính sách xã đảo”.

Vấn đề là tại các quyết định thành lập các xã ấy không có ghi chữ “xã đảo” nên không ai dám áp dụng thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với các xã ấy theo quyết định 568/QĐ-TTg 28-4-2010 về quy hoạch phát triển kinh tế các xã đảo đến năm 2020 và các quyết định khác có liên quan.

“Đảo” là từ phổ thông quốc tế chỉ nơi biệt lập với đất liền, xung quanh là biển. Ở địa phương còn gọi là “hòn” như: thay vì gọi là đảo Tre người ta gọi hòn Tre và khi Chính phủ ra quyết định lập xã cũng đặt tên xã Hòn Tre.

Việc ban hành văn bản pháp luật (quyết định 568) có kẽ hở đến độ không hiểu để thực thi là một lỗi văn bản hành chính rất nghiêm trọng.

Nhưng nghiêm trọng hơn là từ quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2010, vậy mà đến nay mới té ngửa ra là không áp dụng được vì có xã “hòn” (Hòn Tre) mà không có xã “đảo”(!).

Vậy 5 năm qua bộ máy hành chính không thực hiện được một chủ trương này của Chính phủ phải không? Như vậy dân chúng phê bình “bộ máy trì trệ” là không oan.

Đồng ý rằng cơ quan soạn quyết định cho Thủ tướng không nói rõ ở phần giải thích khái niệm “đảo” hoặc giới thiệu “đảo” và “hòn” là một thứ để khỏi rườm rà và cũng không có cớ để cấp thừa hành chơi chữ ngược lại cấp trên.

Đến đây thì vấn đề rẽ qua một ngã khác là tinh thần, thái độ trách nhiệm và tình cảm của cán bộ nhà nước với dân trong thừa hành công vụ. Quyết định 4/HĐBT ngày 14-1-1983 thành lập huyện Kiên Hải (có xã Hòn Tre).

Quyết định 568/TTg ngày 28-4-2010 phê duyệt quy hoạch xã đảo, cách nhau hàng chục năm mà khi triển khai các cán bộ có trách nhiệm có biết trong tỉnh, trong huyện mình có xã nào là đối tượng của quyết định 568/TTg?

Hay lúc đó hiểu rằng ở ta không có, mãi đến 5 năm sau mới “hiểu ra” nhưng lại “vẫn thấy” chỉ có xã “hòn” mà không có “đảo” nên không thực hiện được!

Một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ bị cấp dưới cho nằm trong tủ hơn 5 năm mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra không biết vậy thì khác nào câu chuyện ngụ ngôn xưa “chén nào đựng đường chén nào đựng tương, đồng nào mua đường đồng nào mua tương” mà dân gian ai cũng biết!

Thiết nghĩ cán bộ, công chức khi làm việc gì hãy đặt vị trí mình là người dân. Trong khi cuộc sống ở các xã đảo vẫn âm thầm chịu đựng gió bão ngàn trùng; câu hát ru đượm buồn vời vợi “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” phải chăng chưa đủ sức lay động nhân tâm?

Từ câu chuyện “đảo” và “hòn”, để dễ phân biệt, tôi đề xuất: Xã nào có chữ “Hòn” rồi thì ra thông tri đó là xã đảo.

Nếu xã không có chữ “Hòn” thì thêm vào chữ “Hòn” trước tên xã thì chẳng những ai cũng hiểu mà còn mang dấu nét đặc thù văn hóa: xã Hòn Nam Du, xã Hòn Bà Lụa, xã Hòn Lai Sơn...

Gọi “xã Đảo Bà Lụa” hoặc “xã Bà Lụa Đảo” nghe trắc trở quá! Kẹt lắm thì có thông tri: các xã... thuộc các huyện sau đây... được hiểu là “XÃ ĐẢO” rồi không cần gọi xã X, Y nào đó có thêm chữ “đảo” hay “hòn” gì nữa.

Ở thành phố Châu Đốc, An Giang có phường Núi Sam, không cần giải thích ai cũng biết phường ấy có núi.

Hoặc ở huyện Thoại Sơn, An Giang có thị trấn Óc Eo ai nghe cũng biết thị trấn ấy chính là nơi người Pháp phát hiện đầu tiên những di chỉ văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam ngàn năm trước mà cả thế giới đều biết!

NGUYỄN MINH NHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên