TTO - Một trận động đất lịch sử, đi kèm xung đột của cánh báo giới, những điềm "gở" đã trải thảm cho một sự kiện được miêu tả là "ngu ngốc, kinh hoàng, ghê tởm và nhục nhã nhất lịch sử bóng đá".

Bản tin tường thuật về trận đấu của BBC với lời dẫn nổi tiếng của David Coleman

Năm 1960, đất nước Chile hứng chịu trận động đất lịch sử với mức độ tàn phá kinh hoàng. Tàn dư nó để lại là hàng ngàn người chết, hàng trăm căn nhà, công trình đổ sập.

Nhưng, dù có vẻ chẳng liên quan gì, trận động đất năm đó cũng đã vô tình châm ngòi để dẫn đến một trong những trận cầu "xấu xí" nhất lịch sử bóng đá mà người ta phải đặt riêng cho nó một cái tên: Trận chiến Santiago.

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 2.

Chile được chọn là chủ nhà cho kỳ World Cup 1962. Mọi sự chuẩn bị của quốc gia này đều diễn ra trơn tru, cho đến khi cơn địa chấn kinh hoàng xảy ra.

Ngày 22 tháng 5 năm 1960, cả đất nước Chile rung chuyển bởi trận động đất Valdivia mạnh đến 9,5 độ Richter. Cho đến nay, đó vẫn là trận động đất mạnh nhất từng được đo đạc trong lịch sử.

Số người chết chưa bao giờ có thể được tính toán chính xác, người ta chỉ ước lượng nằm trong khoảng từ 1.000 đến…6.000 người.

Lẽ dĩ nhiên, thiệt hại về tài sản cũng vô cùng khổng lồ, mà trong số đó có nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho World Cup. Dù sao, Chile cũng dần khôi phục lại và sẵn sàng cho World Cup.

Thế nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó. Một trong số đó là những người Ý, đối thủ của đội chủ nhà tại vòng bảng. Báo giới Ý trước thềm giải đấu liên tục chỉ trích quyết định tiếp tục để cho Chile giữ quyền đăng cai.

Chưa dừng lại ở đó, trước khi trận đấu diễn ra, hai phóng viên Antonio Ghiredelli và Corrado Pizzinelli đã đi quá đà khi mô tả trên các mặt báo nước Ý rằng thủ đô Santiago của Chile ngập tràn trong nghèo đói, tội phạm và nạn mại dâm.

Khi sự việc được truyền thông Chile đăng tải, hai phóng viên này không còn cách nào khác phải xách va-li về nước sớm. Nhưng người dân Chile quyết không buông tha, khi họ đã ra tay "xử" một phóng viên Argentina "lên bờ xuống ruộng" chỉ vì nhầm lẫn anh này là một nhà báo…người Ý.

Hai sự kiện - một của tự nhiên, một của con người - đều dẫn đến một kết cục: Trận chiến Santiago

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 4.

Sau những rắc rối, trận đấu giữa Chile và Ý ở lượt trận thứ hai bảng 2 cuối cùng cũng diễn ra trên sân vận động Quốc gia ở Santiago. Những gì xảy ra vào cái ngày 6 tháng 2 định mệnh đó trở thành vết nhơ không thể xóa bỏ của các kỳ World Cup.

Trong bản tin tường thuật trận đấu của đài BBC ít ngày sau, người dẫn David Coleman không ngần ngại chỉ trích với câu nói nổi tiếng: "Những gì các bạn sắp được chứng kiến là sự ngu ngốc, kinh hoàng, ghê tởm và nhục nhã nhất lịch sử bóng đá".

Những cảnh ẩu đả xuất hiện thường xuyên trong Trận chiến và cảnh sát phải dắt Giorgio Ferrari ra ngoài vì anh cương quyết không rời sân - Ảnh: Getty Image

Nhận xét của Coleman không phải là sự thổi phồng. Ngay giây thứ 12 của trận đấu, ẩu đã xảy ra với một pha chơi xấu của cầu thủ Ý. Đến phút thứ 12, tuyển Ý chỉ còn chơi với 10 người sau khi Giorgio Ferreri bị mời khỏi sân.

Trận đấu phải tạm hoãn đến 10 phút vì Ferreri từ chối rời sân, cho đến khi cảnh sát làm nhiệm vụ trên sân hộ tống anh vào phòng thay đồ.

Những giây phút tiếp theo vẫn là kịch bản về những cuộc ẩu đả, những pha chơi xấu qua lại giữa hai đội.

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 6.

Trong một tình huống tấn công của Chile bên cánh phải, Mario David có pha ra chân ác ý dù bóng vẫn còn trong chân Leonel Sanchez. Và Sanchez, con trai của một võ sĩ boxing, dĩ nhiên không bỏ qua cho Mario. Cầu thủ người Ý nhận phải một cú "móc phải" trúng đích từ Sanchez.

Trọng tài quyết định bỏ qua cho Sanchez, nhưng lẽ nào Mario David mát tính đến như vậy. Chỉ ít phút sau, anh có màn trả đũa với pha bay cao đạp thẳng vào đầu Sanchez. Trả đũa xong thì Mario cũng bị "mời" khỏi sân.

Tại World Cup 2010, De Jong trở thành cái tên nổi tiếng vì cú đạp thẳng vào ngực Alonso trong trận chung kết. Nhưng so với cú ra chân của Mario, pha "kung phu" của De Jong vẫn còn quá nhẹ tay.

Trở lại với Trận chiến Santiago, các cầu thủ Chile lẫn Ý tiếp tục thể hiện tinh thần thi đấu... bóng bầu dục, dù họ đang ở trên sân bóng đá.

Các ghi chép của báo giới miêu tả trọng tài chính phải nhiều lần can thiệp các cầu thủ hai bên giữa những màn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Cảnh sát cũng buộc phải vào sân làm nhiệm vụ nhiều lần.

Sau cùng, với lợi thế hơn đến hai người, chủ nhà Chile cũng ghi được bàn mở tỉ số ở phút thứ 73 và Jorge Torro là người ấn định chiến thắng chung cuộc 2-0 cho Chile.

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 7.

Dù vậy các bàn thắng không thể che mờ "bóng ma" đen tối về một trận đấu có quá nhiều tình huống bạo lực.

Dù bị coi là trận đấu "xấu xí" nhất lịch sử các kỳ World Cup, Trận chiến Santiago lại không giữ kỷ lục nào về số thẻ phạt. Lý do vì thời điểm đó, sáng kiến về việc rút thẻ vẫn chưa ra đời.

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 8.

Tranh biếm họa về trận cầu xấu xí diễn ra giữa Chile và Ý - Ảnh: 8by8mag

Phải đến kỳ World Cup 1970, những chiếc thẻ vàng và thẻ đỏ mới được đưa vào sử dụng. Người đã đưa ý tưởng này vào thực tiễn, lại chính là vị trọng tài người Anh Ken Aston, người đã bắt chính trong Trận chiến Santiago.

Những chiếc thẻ là công cụ truyền tải thông điệp dễ dàng hơn đến các cầu thủ, thay vì phải mời họ rời sân và nhận lại sự phản đối như trong tình huống xảy ra với Giorgio Ferrari của tuyển Ý.

World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 9.
World Cup 1962: Từ động đất kinh hoàng đến trận đấu bạo lực nhất - Ảnh 10.

___________________________

ĐỨC KHUÊ
AN BÌNH


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên