19/04/2017 17:39 GMT+7

Washington 'xoay trục châu Á' theo kiểu... Trump

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Những động thái gần đây của Mỹ cho thấy chính quyền Donald Trump lại “thất hứa” khi tiếp tục theo đuổi xoay trục sang châu Á. 

Một số binh sĩ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai đến Darwin ở phía bắc Úc vào ngày 18-4 - Ảnh: Reuters
Một số binh sĩ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai đến Darwin ở phía bắc Úc vào ngày 18-4 - Ảnh: Reuters

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ ưu tiên chuyện nội bộ nước Mỹ như kinh tế, việc làm, đầu tư hạ tầng trong nước…, các quyết sách của tổng thống Mỹ đối với các vấn đề quốc tế dường như lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khiến không ít người bất ngờ.

Đưa quân đến Úc

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của một chỉ huy lính thủ đánh bộ Mỹ trong ngày hôm nay (19-4) cho biết việc lính thủ đánh bộ Mỹ tiếp tục được triển khai tới thành phố Darwin ở phía bắc nước Úc đã phản ánh cam kết của Tổng thống Donald Trump trong việc đảm bảo an ninh cho châu Á vào thời điểm căng thẳng căng thẳng hơn.

Trung tá Brian Middleton, chỉ huy lính thủy đánh bộ Mỹ khẳng định với hãng tin Reuters: “Việc triển khai lực lượng tác chiến Không-Bộ của lính thủ đánh bộ Mỹ đến Úc chắc chắn cho thấy về cam kết lâu dài của Mỹ trong khu vực. Tôi tin rằng đó là lý do vì sao chúng ta tiếp tục nhìn thấy sự gia tăng quân số và việc triển khai lực lượng tác chiến”.

"Tôi biết rõ về mọi căng thẳng, và chắc chắn, không hề có sự giảm hoạt động ở đây và giảm những thứ giúp cho Úc hoặc Mỹ đảm bảo được sự ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương", trung tá Middleton nhấn mạnh.

Theo Reuters, khoảng 1.250 lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu đến Darwin bằng máy bay từ ngày 18-4 để chuẩn bị cho cuộc tập huấn chung kéo dài sáu tháng với binh sĩ Úc trong một chương trình ký kết cho 25 năm đã được bắt đầu từ năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Đây là một phần của chính sách xoay trục châu Á mà Tổng thống Obama chủ xướng và quyết tâm thực thi trong nhiệm kỳ của mình.

Những tuyên bố trước đây của Tổng thống Trump yêu cầu các đồng minh châu Á chia sẻ gánh nặng an ninh trong khu vực từng khiến các đồng minh ở châu Á lo lắng ông chủ Nhà Trắng sẽ xoay lưng với chính sách thời Obama như ông từng làm với một số chương trình khác.

Nhưng tình thế hiện nay cho thấy không hẳn như vậy, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tạp chí The National Interest của Mỹ từng nhận định tín hiệu mà Chính quyền Donald Trump phát đi hiện nay là: Đã đến lúc phá vỡ hiện trạng của vấn đề Triều Tiên, tìm kiếm một giải pháp khác.

Phía sau điều này dường như là sự miêu tả sinh động của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” kiểu Trump đã được bên ngoài suy đoán từ lâu. 

Trung tá Mỹ Brian Middleton (phải) bắt tay với sĩ quan Úc Mick Ryan tại căn cứ ở Darwin ngày 18-4 - Ảnh: Reuters
Trung tá Mỹ Brian Middleton (phải) bắt tay với sĩ quan Úc Mick Ryan tại căn cứ ở Darwin ngày 18-4 - Ảnh: Reuters

Ông Trump không dám bỏ châu Á

Động thái mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump ở gần bán đảo Triều Tiên lần này càng chứng minh hơn nữa rằng châu Á-TBD vẫn là một khu vực được chính phủ mới của Mỹ quan tâm nhất.

Ông Viên Chinh - Chủ nhiệm phòng nghiên cứu ngoại giao của Trung tâm nghiên cứu Mỹ (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) - nhận định: “Để giữ khoảng cách với chính quyền Barack Obama, mặc dù ông Trump sẽ không tiếp tục sử dụng cách nói ‘tái cân bằng châu Á-TBD’, nhưng trên thực tế từ khi khái niệm này xuất hiện vào năm 2011 đến nay, chiến lược ‘tái cân bằng châu Á-TBD’ của Mỹ đã cơ bản được xác lập, trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường triển khai quân sự, quan hệ đồng minh và đầu tư nguồn lực ở khu vực này”.

Đối với Mỹ, dù xét từ góc độ lợi ích kinh tế hay địa chính trị, châu Á-TBD vẫn là khu vực quan trọng nhất, trọng tâm ngoại giao của bất cứ chính phủ mới nào của Mỹ đều như vậy.

Còn ông Đổng Hướng Vinh - nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu (Viện khoa học xã hội Trung Quốc), cho rằng cùng với sự thay đổi của cục diện châu Á-TBD, Mỹ sẽ triển khai nhiều lực lượng quân sự hơn ở khu vực này.

Theo ông, sự coi trọng của Chính quyền Donald Trump đối với châu Á-TBD sẽ không thay đổi, đặc biệt là trạng thái sẵn sàng quân sự ở khu vực này, để có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào có thể tạo thành mối đe dọa đối với Mỹ vào bất cứ lúc nào nhằm đảm bảo an ninh cho Mỹ và các nước đồng minh.

Trên thực tế, theo Reuters, số binh sĩ Mỹ được triển khai đến Úc đợt này vẫn còn thấp so với kế hoạch ban đầu là 2.500 lính thủy đánh bộ trong năm nay, nhưng trung tá Hải quân Mỹ Middleton khẳng định mục tiêu vẫn là tiếp tục tăng cường lực lượng.

“Tôi cho rằng vào đúng thời điểm khi khả năng tương tác của chúng tôi đạt đến mức cần thiết, và khi cả hai nước đồng ý, chúng tôi sẽ tiếp tục để đạt con số 2.500 binh sĩ”, vị chỉ huy quân sự của Mỹ giải thích với Reuters

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên