Nga trả lương hậu hĩnh
Theo tờTelegraph (Anh), nhiều lính người dân tộc Gurkha đã gia nhập lực lượng Wagner, sau khi Ấn Độ thắt chặt các quy định quản lý việc tuyển dụng binh sĩ Nepal vào quân đội nước này.
Nhiều lính Gurkha đã chia sẻ các video cho thấy họ được huấn luyện sử dụng súng tại các căn cứ ở Nga và Belarus, ăn tối trong các căng tin quân sự và thảo luận về những rủi ro tiềm tàng khi chiến đấu ở Ukraine.
Anh Umesh Shahi - một người dân tộc Gurkha - nói với Telegraph rằng anh quyết định gia nhập Wagner khi biết Matxcơva đang trả lương hậu hĩnh cho lính đánh thuê.
Một người Gurkha khác cho hay đã hoàn thành tấm bằng y khoa ở Nga và gia nhập lực lượng Wagner, vì sẽ thất nghiệp nếu trở về Nepal.
Anh tiết lộ đang nhận được 290 bảng Anh (khoảng 9 triệu đồng) cùng với bảo hiểm trong quá trình huấn luyện, đồng thời sẽ có quốc tịch Nga trong vòng một năm tới.
Người này cũng cho biết hơn một chục công dân Nepal đang được huấn luyện chuyên sâu cùng các chiến binh nước ngoài tại một căn cứ gần biên giới với Ukraine.
Theo tờ báo Anh, ít nhất 50 người Gurkha được cho là đã gia nhập nhóm Wagner kể từ đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nay. Khoảng 200 công dân Nepal đã gia nhập quân đội Nga.
Gia nhập Wagner vì bị Ấn Độ "hắt hủi"
Nguyên nhân chính khiến người Gurkha gia nhập nhóm lính đánh thuê Wagner được cho là bởi nhóm người dân tộc Nepal này đã bị Ấn Độ "hắt hủi".
Nhóm chiến binh người dân tộc Gurkha của Nepal từng phục vụ trong quân đội Anh từ năm 1815, nổi tiếng với sự tinh nhuệ, kỷ luật và dũng cảm.
Lực lượng này cũng tham gia phục vụ cảnh sát Singapore, quân đội Ấn Độ, Nepal, đội cận vệ Hoàng gia Brunei, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và nhiều chiến trường khác trên thế giới.
Hồi năm 2018, chiến binh Gurkha từng tham gia bảo vệ cuộc gặp tại thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy nhiên vào năm 2022, Ấn Độ đã thông qua Kế hoạch Agnipath, siết chặt quy định tuyển dụng binh lính mới vào quân đội, thay thế việc làm dài hạn (nhiệm kỳ 15 năm với lương hưu suốt đời) bằng các hợp đồng ngắn hạn (4 năm) và loại bỏ trợ cấp hưu trí cho các binh lính.
Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến đến việc các chiến binh Gurkha tìm đến Nga - quốc gia đã nới lỏng các yêu cầu về tư cách công dân nhằm chiêu mộ các chiến binh gia nhập lực lượng của nước này trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Phát ngôn viên Jairam Ramesh của Đảng Quốc đại, đảng đối lập chính của Ấn Độ, cho biết các chiến binh Gurkha được công nhận là một trong những chiến binh giỏi nhất thế giới, vì vậy Kế hoạch Agnipath của Ấn Độ đã làm gián đoạn quy trình tuyển dụng và sẽ không có binh sĩ Gurkha nào gia nhập quân đội nước này trong năm 2023.
Kêu gọi Nepal hành động
Chính phủ Nepal đang được kêu gọi hành động để ngăn chặn các chiến binh người Gurkha gia nhập quân đội Nga.
"Việc một người Gurkha gia nhập đội quân đánh thuê (Wagner) của Nga làm hoen ố niềm tự hào dân tộc của tôi", cựu chuẩn tướng Nepal - ông Prem Singh Basnyat nói, đồng thời cho rằng những người lính Gurkha đã bị dụ dỗ bởi những khoản tiền hậu hĩnh.
Cựu thiếu tướng Binoj Basnyat - nhà phân tích chiến lược của quân đội Nepal - có cùng quan điểm, đồng thời cho biết hành động gia nhập Wagner của nhóm Gurkha "đi ngược lại chính sách đối ngoại trung lập và không liên kết của Nepal".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận