Công việc thường ngày ba năm qua của Phúc là phục vụ tại căngtin ở ngay trường học của mình - Ảnh: Thành Nhơn |
1. 8g35, tiếng trống ra chơi vang lên, Phúc gấp hết sách vở lại rồi lao như tên bắn xuống căngtin. Xắn vội tay áo chiếc áo dài trắng, Phúc nhanh tay bưng từng tô hủ tiếu, từng đĩa cơm tấm phục vụ hết bàn này đến bàn khác. Thỉnh thoảng có tiếng í ới gọi từ các bạn, Phúc không ngại ngần mang miếng chanh, chai tương ớt hoặc lọ tăm đến tận bàn.
Đó là công việc thường ngày của em Bùi Thanh Phúc, hiện học lớp 12A8 Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Cô học trò với dáng người nhỏ thó là lao động chính, nuôi sống ba miệng ăn trong gia đình. Không chỉ vậy, hằng ngày Phúc còn dành thời gian chăm sóc người mẹ bệnh tâm thần và bà ngoại bị tai biến nằm một chỗ.
Thù lao một ngày bưng bê tại căngtin trường là 20.000 đồng. Phục vụ sáu ngày/tuần, Phúc được 120.000 đồng. Đưa cho mẹ 100.000 đồng, còn 20.000 đồng Phúc bỏ vào heo đất phòng thân những hôm bệnh đau không đi làm được. Số tiền không lớn nhưng theo Phúc: “Không có nó chắc em nghỉ học từ ba năm nay rồi”.
2. 11g30, khi học sinh đã ra về hết, Phúc vẫn ở lại căngtin trường để chuẩn bị cho buổi học chiều. Thay vội chiếc áo dài, Phúc lúi húi gắp than, thổi lửa nướng thịt. Khói bốc lên mù mịt khiến Phúc ho sù sụ.
Tranh thủ thời gian chờ đảo thịt, Phúc mang tập vở ra ôn cho buổi học chiều. Theo những người phục vụ căngtin, Phúc cứ lầm lũi làm hết việc này đến việc khác.
Công việc bưng bê hiện tại của Phúc là do thầy Lê Hoàng Nghĩa (giáo viên môn công nghệ Trường THPT Lưu Tấn Phát) giới thiệu. Gần nhà Phúc nên thầy Nghĩa hiểu hơn ai hết những khó khăn mà cô học trò nhỏ gặp phải. Thầy Nghĩa kể: “Phúc không biết mặt cha, mẹ thì bệnh thần kinh, lúc bình thường lúc không.
Ngày Phúc còn nhỏ, bà ngoại của Phúc hay đi xin miếng ăn cho cả gia đình. Thương ngoại, Phúc nài nỉ xin vào phục vụ quán nước gần nhà khi mới học lớp 5”.
Phúc kể hồi 5 tuổi đã biết phụ rửa chén giúp người ta rồi được họ cho mấy ngàn đồng. Thấy ham quá nên cứ rảnh là Phúc xung phong phụ làm đủ việc để được cho tiền.
Sang năm lớp 5 lúc đó thấy nhà không đủ ăn nên em ra quán nước trước nhà xin phụ xách nước, rửa ly, bưng bê. Lúc thì họ cho 10.000 đồng, lúc thì 20.000 đồng. Ngày hè em phụ cả ngày được 50.000 đồng.
Thời gian đầu phụ quán, Phúc ngại ngùng khi bắt gặp ánh mắt bạn bè nhưng rồi cũng quen dần.
3. 13g, tranh thủ trước giờ học ban chiều, Phúc đùm vội thức ăn vào túi nilông rồi thoăn thoắt đạp xe về nhà cho bà và mẹ ăn. Trời mùa này mưa dầm, con đường vào nhà Phúc sình lầy nhão nhoẹt. Căn nhà tình thương mà ba thế hệ nhà Phúc tá túc đã cũ kỹ và trống huơ trống hoác. Phúc ngại ngùng khi không biết mời khách ngồi ở đâu.
Nghe có tiếng người lạ, bà Huỳnh Thị Nhờ - ngoại Phúc - ú ớ lên tiếng. Phúc vội bước đến trước giường, đỡ bà ngồi dậy rồi lấy khăn lau mặt. Mấy năm trước chẳng may bà ngoại Phúc bị tai biến, giờ nằm một chỗ phải có người chăm sóc từng chút một.
Bà Bùi Thị Bé Lớn - mẹ Phúc - từ phía sau nhà đi vào, cuống cuồng lấy quần thay cho bà Nhờ rồi bảo vu vơ: “Có khách tới mẹ ngồi tiếp chuyện với người ta”.
Nhìn ngoại rồi nhìn mẹ, nước mắt Phúc rơi xuống: “Mẹ em không bình thường. Có lần em đưa 100.000 đồng cho mẹ, mẹ ra chợ mua cá hết luôn. Còn bà giờ sức khỏe cũng yếu lắm rồi. Mấy lần thấy bà bị bệnh tật hành hạ em chỉ biết nuốt nước mắt vào trong”.
Nói về tương lai phía trước, Phúc thở dài: “Tạm thời em phải học lấy bằng phổ thông, sau đó đi làm. Nhiều người nói muốn thoát cảnh nghèo phải học lên, em cũng biết vậy nhưng giờ có mình em làm sao tự lo nổi. Còn mẹ còn ngoại ai lo. Kệ cứ đi làm mấy năm, nếu dành dụm được tiền em sẽ học tiếp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận