18/08/2015 09:49 GMT+7

Ước mơ bác sĩ của “nông dân” và “mọt sách”

THANH BA
THANH BA

TT - Họ có những điểm chung: mồ côi, con nhà nghèo, học giỏi và cùng nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ.

Thắng “nông dân” cùng mẹ dựng lúa ngã ngoài đồng - Ảnh: Thanh Ba

Thắng “nông dân”

Biệt danh thân thương ấy là của bạn bè đặt cho Lê Minh Thắng (lớp 12A5 Trường THPT Hoàng Diệu, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cậu học trò mồ côi cha từ năm lên 7 và bao năm trời thay mẹ chăm lo chuyện đồng áng.

Thắng đạt 26,75 điểm khối B kỳ thi THPT quốc gia vừa qua và đang tràn đầy hi vọng đậu vào Trường ĐH Y dược Huế.

Theo chân thầy cô giáo cấp III của Thắng băng qua mấy con đường làng ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa đang trổ màu vàng chín.

Đứng bóng trưa, nhà vắng hoe bóng người, cô giáo dẫn đường nói như đinh đóng cột: “Giờ này thể nào Thắng cũng ở ruộng lúa phía sau nhà vì mấy hôm rồi trời đổ mưa nặng hạt, lúa đổ nghiêng ngả nên chắc Thắng đang phụ mẹ dựng lúa dậy”.

Quả thật, bất chấp cái nắng như đổ lửa, Thắng cùng mẹ lúi húi nắm nhẹ từng đọt lúa để dựng dậy dưới vũng nước lênh láng. Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài thành dòng,

Thắng vui vẻ nói: “Công việc thế này em đã quen từ nhỏ nên chẳng thấy vất vả. Cuốc đất, tuốt lúa hay thậm chí cầm liềm gặt em cũng đều làm được tất tần tật. Từ ngày ba mất, sức khỏe mẹ ngày một suy yếu, em đã nhận hết công việc đó về mình".

Nhưng không vì thế mà Thắng lơ là chuyện học, hễ có thời gian rảnh là bạn lao vào sách vở với phương châm "ôn mọi lúc, luyện mọi nơi”.

Thắng tâm sự đậu vào trường y là mong mỏi cháy bỏng của bạn kể từ ngày ba mắc bệnh nan y qua đời.

“Những năm tháng mẹ thân cò nuôi em, em đã thầm hứa với mẹ là sau này trở thành một bác sĩ giỏi và em tin giấc mơ đó không còn xa. Chặng đường phía trước còn lắm gian nan với 6 năm đại học nhưng em vững tin mình sẽ vượt qua. Hồi giờ quen làm nông, lên thành phố em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để tự trang trải việc học, như vậy mẹ ở quê mới không nhọc lòng vì em”, Thắng quả quyết.

Hậu “mọt sách” xắt chuối nuôi heo - Ảnh: Thanh Ba

Cậu học trò “mọt sách”

12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, ba năm phổ thông là học sinh xuất sắc nhất toàn trường, giành giải nhất thực hành thí nghiệm vật lý cấp tỉnh năm lớp 8 và 11, mới đây nhất là giải nhì toán cấp tỉnh năm lớp 12.

Đó là bảng thành tích nổi bật của Lê Kế Hậu (lớp 12/3 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn). Cậu học trò mồ côi mẹ từ năm lớp 2 và èo uột lớn lên trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn bởi cha Hậu "gà trống" nuôi sáu con ăn học.

Từ ngày bốn chị gái của Hậu lần lượt trúng tuyển vào các trường đại học lớn ở TP. HCM, Hậu mặc nhiên trở thành trụ cột chính trong nhà, cùng với ba quán xuyến chuyện đồng áng, chăn heo, nuôi gà...

Chiều tắt nắng, chúng tôi lân la hỏi đường thì rất đông bà con, chòm xóm của Hậu bảo: “Hậu "mọt sách" phải không? Thằng nhỏ công nhận giỏi, không có mẹ, cả chục năm trời ăn uống kham khổ vậy mà học giỏi nức tiếng ở vùng này”.

Hậu cặm cụi vừa xắt chuối vừa khuấy cám cho đàn heo đang kêu đói inh ỏi. Ngơi tay với công việc thường nhật, Hậu kể về gia cảnh mình: “Bốn chị học trên em thì nay hai chị đã tốt nghiệp đại học và đang học lên cao học. Dưới em còn có một cậu em út nên em phải đỡ đần một phần gánh nặng của ba. Bây giờ ba đã ngoài 60 tuổi nên sức khỏe yếu đi trông thấy, mấy chị em chỉ biết nương nhau vượt qua khó khăn và lấy con chữ làm động lực phấn đấu bởi em nghĩ rằng chỉ có ăn học thành tài mới mong đổi đời”.

Bảng điểm của Hậu 12 năm học đều đứng ở vị thứ “quán quân” toàn trường và điểm trung bình của ba môn: toán (9,9), hóa (9,5) và sinh (9,0) năm cuối cấp rồi đối chiếu với số điểm 27,25 ở kỳ thi vừa qua Hậu giành được thì chẳng ai ngạc nhiên nữa.

Chia sẻ về kết quả mới giành được cũng như dự định tương lai, Hậu vui vẻ nói: “Em đã tra cứu xếp hạng của Trường ĐH Y dược Huế và tự tin mình vào ngành bác sĩ đa khoa. Noi gương các chị, em tính 6 năm đại học đi dạy kèm kiếm tiền nuôi thân. Em sẽ phấn đấu học thật giỏi để nhận học bổng của trường, khó khăn đến mấy em cũng không cho phép mình chùn bước”.

Thầy Huỳnh Bá Thiện (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Hậu) cho biết: “Thành tích Hậu có được đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng của em”.

Quế Trâm cho hay mong muốn trở thành bác sĩ để tự giúp mình và giúp mọi người - Ảnh: Th.Trí

"Kêu nó thi ngành khác mà không nghe"

Mồ côi cha từ nhỏ, chị và em gái qua đời vì bệnh tật nên Phạm Nguyễn Quế Trâm (lớp 12A1 Trường THPT Lý Thường Kiệt, thị xã La Gi, Bình Thuận) nung nấu ý chí học thành bác sĩ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, Quế Trâm đã xuất sắc đạt được 27,5 điểm khối B, là điểm số khối B cao nhất của tỉnh Bình Thuận.

Bà Phạm Thị Ngà (76 tuổi), bà ngoại của Quế Trâm, cho hay: "Nó cứ đòi làm bác sĩ. Học mấy ngành khác khoảng 3, 4 năm ra trường, còn bác sĩ học lâu quá". Bà Ngà lo lắng không lo nổi chuyện học vì mẹ của Trâm làm mỗi tháng chỉ được 2 triệu đồng, lấy gì nuôi con ăn học ở Sài Gòn.

Mẹ của Trâm là bà Nguyễn Thị Thu Loan (52 tuổi) hiện đang làm công cho một tiệm buôn bán ở thị xã La Gi. Ba của Trâm lúc trước làm phụ hồ, mất năm 2009. Bà Loan nói may mà khi chồng còn sống đã xây được căn nhà để hai mẹ con bây giờ còn có chỗ ở.

Sức khỏe Trâm không tốt như bạn cùng trang lứa. Với mức lương 2 triệu đồng mỗi tháng, giờ nghe nói học ngành y tốn kém lắm, học phí lại cao nên mấy hôm nay bà Loan cứ thấp thỏm lo lắng, không biết lấy tiền đâu để chu cấp cho Trâm trong sáu năm tới. “Vất vả mấy tôi cũng chịu được, miễn mong con học giỏi để tương lai tốt hơn”, bà Loan chia sẻ.

Suốt 12 năm trên ghế nhà trường Trâm đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, đoạt giải ba kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh năm lớp 8, giải nhất môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào năm học lớp 9.

Cô Trần Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, nói: “Trâm hiền lành, chịu khó. Em là học sinh đứng đầu lớp chọn 12A1".

PHAN DƯƠNG - THIỆN TRÍ

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên