29/06/2022 05:30 GMT+7

Vượt biên vào Mỹ từ Mexico, phận người thêm nhỏ nhoi hậu COVID

VỸ AN - D.KIM THOA
VỸ AN - D.KIM THOA

TTO - Ít nhất 50 thi thể được cho là các di dân "lậu" đã tìm thấy trên một chiếc xe container bị bỏ lại ở vùng ngoại ô thành phố San Antonio, bang Texas (Mỹ) ngày 27-6 giữa những ngày bang biên giới trải qua đợt nắng kỷ lục.

Vượt biên vào Mỹ từ Mexico, phận người thêm nhỏ nhoi hậu COVID - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc phát hiện xe container có 46 người chết tại TP San Antonio, bang Texas, Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES

Số người chết quá lớn (theo truyền thông Mỹ, đây là vụ có số di dân chết nhiều nhất trong những năm gần đây), hoàn cảnh thiệt mạng bi thảm, cộng thêm bối cảnh chính trường Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng khiến vụ việc trở thành tâm điểm trên nhiều tờ báo lớn nước này.

Nắng nóng là nguyên nhân?

Ngoài những người đã chết, chính quyền thành phố San Antonio cho biết có ít nhất 16 người khác, trong đó có 2 trẻ em, đã được đưa tới viện cấp cứu. Dù còn sống nhưng những người này đều bị sốc nhiệt và mất nước nặng.

"Cảnh ngộ của các di dân tìm đường tị nạn luôn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo", thị trưởng Ron Nirenberg của thành phố San Antonio nói với báo giới ngày 27-6. "Nhưng đêm nay chúng tôi đang phải xử lý một thảm kịch khủng khiếp".

Cảnh sát trưởng thành phố San Antonio, ông William McManus, cho biết nhà chức trách đã bắt giữ 3 người nghi ngờ có liên quan. Trước đó cảnh sát đã truy tìm tài xế chiếc xe container, nhưng cảnh sát trưởng McManus không nói tài xế này có là một trong những người đã bị bắt không.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một viên chức của Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết nguyên nhân tử vong sơ bộ có thể nhận định do thời tiết nắng nóng. Những ngày này nhiệt độ ở San Antonio và các thành phố khác của bang Texas rất cao, ngày 27-6 là hơn 39,4oC. 

Từng nhiều lần công tác thực địa tại khu vực, tận mắt chứng kiến cách thức "độ xe" nhét người của các nhóm buôn người qua biên giới, vị viên chức cho biết nguyên nhân thảm kịch gần như chắc chắn là vì nắng nóng.

"Các nhóm buôn người ở biên giới Mỹ - Mexico thường "độ" lại các sàn xe container, làm lại nền xe thành hộp chứa người đưa qua biên giới. Để qua mặt nhà chức trách và cả chó nghiệp vụ, các thùng xe này phải làm khá mỏng, chỉ tầm 10-15cm, nên nếu thoáng nhìn, ai cũng nghĩ đó chỉ là một nền xe tải thông thường", người này nói.

"Tuy nhiên, với nền xe chỉ vừa đủ cho một người nằm sấp, chúng có thể xếp lớp như xếp cá mòi để một chiếc xe container vừa phải của loại xe 18 bánh có thể "nhét" được tới bốn chục người", viên chức này mô tả. 

Những nền xe này làm bằng kim loại nên giữa thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong các "hộp cá mòi" đó còn tăng hơn nhiều so với ngoài trời, có thể lên tới 50 hay 60oC. Thời gian di chuyển từ một điểm gần nhất bên kia biên giới Mexico qua Mỹ nếu không tắc đường, nhanh nhất cũng phải mất tầm 2 giờ đồng hồ, còn không sẽ lâu hơn.

Tờ New York Times (Mỹ) cũng nói tất cả các nạn nhân đã chết được nhận định đều là di dân trái phép được đưa vào Mỹ từ phía bắc Mexico (tức là phía nam của Mỹ), và điểm vượt biên gần nhất của họ cũng phải cách hiện trường khoảng 140 dặm (225km).

Ngay sau khi truyền thông loan tin về thảm kịch, thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott (Đảng Cộng hòa), đã đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ vì đã để cho những làn sóng di dân đổ vào nước Mỹ với "các chính sách biên giới mở chết người" như ông viết trên Twitter.

Thông thường các "mùa di cư" phổ biến nhất vào Mỹ là những tháng có thời tiết ổn định và không quá khắc nghiệt trong năm. Tuy nhiên vẫn có những người muốn thử vận may và hậu quả luôn rất khủng khiếp.

Nguồn tin tại Bộ An ninh nội địa Mỹ nói với Tuổi Trẻ chiều 28-6.

Vượt biên vào Mỹ từ Mexico, phận người thêm nhỏ nhoi hậu COVID - Ảnh 3.

Nguồn: BBC, Cục hải quan và biên phòng Mỹ - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chỉ là thảm kịch "được phát hiện"

Theo vị viên chức của Bộ An ninh nội địa, dù gần như ngày nào anh cũng ghi nhận việc di dân bất hợp pháp tử nạn trên đường tới "miền đất hứa", nhưng quả thực thảm kịch tại San Antonio là kinh hoàng nhất từ trước đến giờ.

"Nếu nói chính xác hơn thì đây là thảm kịch đau lòng nhất được nhà chức trách phát hiện, bởi đường biên giới Mỹ - Mexico rất dài (gấp đôi chiều dài Việt Nam), lại có những khu vực sa mạc và sông, di dân tử nạn tại những khu vực đó rất khó tìm thấy", anh nói.

Người này vẫn nhớ câu chuyện một phụ nữ cùng chồng vượt biên từ Mexico vào Mỹ và bị thất lạc tin tức chồng. Cho mãi tới sau này chị mới biết chồng đã chết trên sa mạc sau khi biên phòng Mỹ tìm thấy mã số định danh cá nhân của anh này trong một bộ hài cốt họ tìm thấy.

Bất chấp những cáo buộc "chính trị hóa", số di dân vượt biên từ Mexico vào Mỹ chưa bao giờ giảm bất kể những chính sách kiểm soát ngăn chặn quyết liệt của mọi đời tổng thống Mỹ. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế nhiều nước ở khu vực châu Mỹ Latin và Caribê bị sụt giảm nặng nề, số người phải bỏ xứ tha hương cũng tăng theo.

Tuy nhiên hành trình tới Mỹ của các di dân chưa bao giờ dễ dàng. Phần lớn họ đều phải bán nhà cửa hoặc vay mượn tiền người thân, bạn bè, thậm chí phải thế chấp bằng chính sinh mạng với các băng đảng buôn người để có thể tới Mỹ.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết mỗi "suất" vượt biên như vậy sẽ tốn ít nhất 4.000 - 5.000 USD và có thể lên đến hàng chục ngàn USD (theo báo cáo của Tổ chức Open Borders), nên bất chấp 2 điều luật ngăn chặn người di cư từ Mexico qua Mỹ là luật Title 42 và chương trình Migrant Protection Protocols, di dân trái phép vẫn ồ ạt vào Mỹ.

"Thực tế cho thấy ngoại trừ các trường hợp tội phạm trốn tránh pháp luật nước sở tại hay các đối tượng khủng bố, phần lớn di dân là những người không còn lựa chọn nào khác, buộc phải rời bỏ quê nhà. Qua các năm làm việc với họ, chúng tôi rất thấu hiểu tình cảnh này, dù rất thương cảm nhưng pháp luật là pháp luật, chúng tôi không thể làm gì khác", vị viên chức nói.

Vì sao biên phòng Mỹ được trả lương rất cao?

Đối mặt với tình trạng gia tăng di dân nhập cư bất hợp pháp, Chính phủ Mỹ cũng có một sự đãi ngộ đặc biệt tốt với các viên chức thuộc lực lượng biên phòng (viết tắt là CBP).

Để giảm thiểu nguy cơ móc ngoặc giữa CBP với các băng đảng buôn người, đưa người lậu vào Mỹ, các viên chức thuộc CBP được hưởng lương rất cao, có trường hợp có thể lên đến hơn 200.000 USD/năm (hơn 5 tỉ đồng Việt Nam), chưa kể những đãi ngộ khác như tiền thưởng, ngày nghỉ, tiền đầu tư, tiền hưu... tính gộp lại có thể lên tới 6 hoặc 7 tỉ đồng Việt Nam.

Dẫu vậy, do lợi nhuận từ việc đưa người lậu qua biên giới rất lớn nên đôi chỗ vẫn xảy ra tiêu cực.

2003

Cảnh sát phát hiện thi thể của gần 20 di dân, trong đó có một cậu bé 7 tuổi, bên trong một chiếc xe tải quá nóng ở TP Victoria, bang Texas.

2012

Một chiếc xe bán tải Ford chở hơn 20 di dân không có giấy tờ tùy thân đã tông vào hai gốc cây, khiến 15 người thiệt mạng.

2017

10 người thiệt mạng và gần 30 người nhập viện ở TP San Antonio, bang Texas sau khi ngồi trên một chiếc xe đầu kéo ngột ngạt chở hơn 200 người di cư. Tài xế đã bị kết án tù chung thân.

2019

Một chiếc xe SuV chở di dân không có giấy tờ lao xuống mương giữa trời mưa ở vùng nông thôn phía nam Texas sau khi bị cảnh sát truy đuổi, khiến 6 người chết.

3-2021

13 người thiệt mạng ở phía nam bang California khi một chiếc Ford Expedition chở đông người chạy vào đường của một chiếc xe đầu kéo.

8-2021

Xe chở khách đâm vào cột điện ở phía nam bang Texas, khiến 10 người chết và 20 người nhập viện.

Những thảm kịch di cư chết chóc nhất dọc biên giới Mỹ - Mexico Những thảm kịch di cư chết chóc nhất dọc biên giới Mỹ - Mexico

TTO - Vụ thi thể 46 người nghi là người nhập cư được tìm thấy vào ngày 27-6 ở ngoại ô San Antonio, bang Texas, là một trong những thảm kịch buôn người chết chóc nhất dọc biên giới Mỹ - Mexico.

VỸ AN - D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên