12/09/2020 14:00 GMT+7

Vươn lên giữa cánh rừng cao su

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Kể từ ngày có điểm thi, đã mấy đêm liền Thảo không ngủ. Ở trang cuối cùng trong cuốn sổ cũ kỹ mà Thảo vẫn hay kê đầu giường, nỗi trăn trở, ngập ngừng về tháng ngày lên TP.HCM nhập học, nhiều chữ nhòe đi vì nước mắt.

Vươn lên giữa cánh rừng cao su - Ảnh 1.

Những đồng bạc lẻ từ việc bán từng tấm vé số của cha mẹ giúp Thảo tới trường - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mưa lớn. Con đường đất băng ngang giữa rừng cao su dẫn lối vào ngôi nhà của Võ Ngọc Thu Thảo (18 tuổi, ngụ phường 3, TP Tây Ninh) thêm lầy lội, trơn trượt.

Nhiều có ít cá, ít thì ăn rau

Thảo cùng mẹ đi lấy vé số chỗ đại lý, nhà chỉ còn ông Võ Văn Châu (65 tuổi, cha Thảo) đi lại với bàn chân sưng tấy, vẫn ráng làm việc che chắn những lỗ dột cho tấm tôn vốn mục gỉ lâu ngày nay gặp nước cứ vỡ vụn ra.

Trước đây, gia đình Thảo vốn không túng thiếu như bây giờ. Dù mắc bệnh hen suyễn, nhưng mức thu nhập vài triệu đồng từ việc tiếp thị cho một hãng nước giải khát ở TP.HCM mà ông Châu nhận được mỗi tháng đủ để gia đình trang trải. Mọi chuyện chỉ xấu dần đi từ ngày ông chẳng may gặp tai nạn cách đây hai năm, khi ông đang bốc hàng chất lên xe chuẩn bị cho chuyến đi ngày mới, làm bể hai gót chân ông.

Mẹ Thảo, bà Nguyễn Thị Thu Vân (53 tuổi) vốn sức khỏe yếu, người gầy nhom vì mắc chứng thiếu máu não nặng, hễ lo sợ là lại ngất. Chưa kể bệnh thoái hóa đốt sống lưng, rồi đôi mắt ngày một lòa yếu đi cũng ảnh hưởng từ chứng bệnh trên. Đó cũng là lý do ông Châu cắn răng chịu đau mà không dám nói chuyện với vợ. "Lúc đó chẳng có ai, tôi chỉ dám nhờ anh em công ty đưa về nhà. Qua một đêm đau quá mới gọi con trai đang học ở Sài Gòn chạy về đưa đi viện" - ông Châu tâm sự.

Sau tai nạn, ông nghỉ hẳn ở công ty, về gần nhà bán vé số sống qua ngày. Không thể đi bộ, mỗi sáng hai vợ chồng ông đèo nhau trên chiếc xe máy cũ đến hai ngã tư khác nhau ngồi. Ngày bán được thì bữa cơm hôm đó có ít cá, mắm; hôm ít thì ăn rau chấm muối.

Trao cơ hội cho em gái

Thấy cha mẹ khổ cực, Võ Ngọc Minh Quân (25 tuổi, anh trai Thảo) khi đó là sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đành nghỉ học, nhận giao hàng kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thảo với thành tích 12 năm liền học sinh giỏi được anh trai trao lại cơ hội. Và năm nay, với số điểm 26,35 (khối D84), cô tự tin nộp đơn ứng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh (ĐH Luật TP.HCM). Điểm cao nhưng bao năm Thảo tự học chứ chưa bao giờ biết đến "mùi" lớp học thêm là gì.

Ở tuổi thiếu nữ, Thảo có những nỗi lo rất riêng khi thường xuyên ở một mình giữa cánh rừng cao su mịt mù. "Có lần trong đêm khuya, gió đến thổi bung cửa sổ, mình giật mình nép vào góc nhà cùng cây bút thủ thế chắc trong tay" - Thảo kể. Phải nhiều giờ sau cô mới dám rời góc nhà, rời ánh mắt khỏi khung cửa sổ và khoảng trống đen kịt ngoài kia.

Để không còn sợ, không cho phép mình gục ngã, Thảo nghĩ về những gì mà cha mẹ đã đánh đổi, anh trai đã hi sinh. Lúc đấy Thảo chỉ muốn gọi mẹ để được ngủ cùng, nhưng vì nghĩ sợ mọi người mất ngủ rồi đổ ốm nên chỉ biết một mình chống chịu. Giữa khó khăn, cô bảo đi học là cách tốt nhất để quên đi lo lắng. 

"Có lần mẹ bị lừa mất đến 32 tờ vé số, thế là tiếc của lại đi bộ bán nhằm gỡ gạc. Nào ngờ đang đi, nắng mệt quá rồi ngất xỉu, người dân biết nên chạy đến trường báo em" - Thảo kể.

"Ngặt nỗi lúc đó trong nhà chẳng còn tiền, đường cùng tôi đành đưa con xe máy cũ ra tiệm cầm đồ để đưa bà đi cấp cứu. Nhưng cái nghèo vốn đi kèm cái khó, chiếc xe do bà con cho nên không chính chủ, họ chẳng cầm" - ông Châu nói tiếp.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh), từ khi hiểu được câu chuyện hoàn cảnh và sự hiếu học của Thảo, cô luôn tìm cách giúp đỡ học trò.

Sau lần ấy, Thảo quyết tâm dồn sức học để tìm cho mình và gia đình cơ hội thoát khỏi căn nhà tạm bợ u tối. "Lên TP ngoài chuyện học thật tốt, mình tính xin đi làm gia sư hoặc làm bán thời gian để kiếm thêm tiền trang trải, tiêu tiện tặn rồi gửi về chăm lo cho cha mẹ" - Thảo chia sẻ.

1.000 học bổng "Tiếp sức đến trường"

Năm học 2020-2021, báo Tuổi Trẻ dự kiến sẽ trao khoảng 1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên. Mỗi suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn là 10 triệu đồng và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến tại http://tsdt2020.tuoitre.vn trước ngày 15-10-2020.

Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn có thêm chỗ dựa, tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Kinh phí ủng hộ chương trình mời quý nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bạn đọc đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Ngoài ra, bạn đọc có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên