Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân dẫn lời Thủ tướng Chính phủ trao đổi với lãnh đạo UBND TP: vì sao một số địa phương tỉ lệ tội phạm giảm, TP lại tăng và đặt ra yêu cầu từng cơ quan đơn vị phải coi lại, làm tốt hay chưa, vì sao các quận, huyện giáp ranh vẫn diễn biến phức tạp.
“Nóng” trộm cướp, đua xe
Đại tá Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong năm 2011 Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 4.954 vụ phạm pháp hình sự, giảm 360 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Trong cơ cấu của các loại án thì trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích và cướp giật tài sản giảm. Án cướp tài sản, giết người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt cóc trẻ em tăng. Trong số này dù án trộm cắp, cướp giật tài sản có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự (hơn 74%).
Đại tá Nguyễn Tri Phương - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội, Bộ Công an - khẳng định: “Qua theo dõi, chúng tôi ghi nhận tình trạng cướp giật tại TP.HCM thời gian qua tăng, xảy ra liên tục, với bất cứ ai, trong đó có người nước ngoài, có cả chính khách. Tình trạng trộm cắp xe gắn máy rất nhiều nhưng ghi nhận không đủ, có thể do người dân không trình báo, nhưng cũng có trường hợp ghi nhận của công an địa phương không đầy đủ. Các băng nhóm phía Bắc vào Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM ở vùng giáp ranh Thủ Đức tranh giành địa bàn hết sức phức tạp”.
Theo phân tích của ông Minh, các vụ cướp tài sản đa số xảy ra ở vùng ven TP như Bình Tân (40 vụ), Thủ Đức (39 vụ), Bình Chánh (31 vụ)... Hầu hết vụ cướp do các đối tượng sử dụng xe gắn máy phân khối lớn bám theo nạn nhân hoặc chờ nạn nhân ở nơi vắng, tối để tấn công cướp tài sản. Một số thủ đoạn mới là khi người dân vào buồng ATM rút tiền, các đối tượng ở ngoài chặn cửa, cướp xe gắn máy.
Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng các đối tượng giả danh cảnh sát giao thông chặn xe vi phạm để kiểm tra giấy tờ, trong khi người dân mất cảnh giác đã lấy tài sản và tẩu thoát. Án cướp xảy ra tại vùng ven chủ yếu là thanh thiếu niên nhập cư có thời gian cư trú dài ở TP. Dù không còn việc làm nhưng những thanh niên này không về quê, vẫn tập trung trong các nhà trọ, trong các bữa nhậu đã bàn nhau đi kiếm các đôi tình nhân, các tiểu thương ở chợ đầu mối chặn đường cướp tài sản, xe gắn máy và sẵn sàng giết người nếu bị chống cự.
Nói tới vấn nạn đua xe, lạng lách, đánh võng thời gian qua, đại tá Phan Anh Minh thẳng thắn thừa nhận số vụ việc có giảm nhưng không căn cơ. Khi có lực lượng chức năng chốt chặn thì các thanh thiếu niên “đi bão” trốn tránh, chuyển qua nơi khác, lúc vắng lực lượng chức năng là lại bùng lên. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Minh, do mức chế tài không đủ sức răn đe.
Du khách bị trấn lột: Sở Ngoại vụ nói nhiều, công an ghi nhận ít!
Công an TP cho biết trong năm 2011, địa bàn trung tâm gồm Q.1, Q.3, Q.5 xảy ra 42 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của người nước ngoài. Nhưng ông Nguyễn Hồng Lĩnh, phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP, khẳng định con số của Công an TP khác xa với con số mà các cơ quan đại diện ngoại giao tại TP.HCM thông báo cho Sở Ngoại vụ, có thể là do khác biệt về tiêu chí ghi nhận.
Ông Lĩnh cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng nhận được các công hàm nhắc tình hình an ninh trật tự, cướp giật, tài xế taxi trấn lột du khách. Mới đây nhận được công hàm của Úc thông báo các sĩ quan hải quân của họ bị tài xế taxi trước chợ Bến Thành lừa nhốt người trong xe, cưỡng đoạt tài sản khi họ đi thăm TP”. “Nhiều năm nay xảy ra tình trạng taxi dù đậu trước chợ Bến Thành lừa đảo, trấn lột tiền của du khách nhưng chưa dẹp được, xử lý từng vụ việc cũng không triệt để làm xấu đi hình ảnh của đất nước, của TP. Trong khi đó, chỉ một tài xế trấn lột tiền của quan chức cảnh sát nước ngoài tới dự hội nghị tại Hà Nội, hãng taxi đó đã bị đóng cửa” - ông Lĩnh so sánh.
Đại tá Phan Anh Minh thừa nhận con số của Công an TP đưa ra có thể chưa đúng với thực tế, nhưng có nhiều yếu tố như: du khách mất tài sản trên đường đi, khi về TP mới trình báo; nhiều công dân của một số nước châu Á luôn yêu cầu xác nhận mất trộm, bị cướp để thanh toán bảo hiểm chứ chưa hẳn đã bị mất thật. Các tiêu chí về trộm, cướp để thống kê có khó khăn khi người tiếp nhận thông tin từ các du khách gặp rào cản ngôn ngữ, du khách không nhớ rõ địa điểm, thời gian bị xâm hại.
Một số trường hợp du khách người Nhật bị các băng nhóm tội phạm người Philippines lừa đánh bạc, trấn lột tài sản, nhưng khi bắt được băng nhóm này thì không xác định được nạn nhân để xử lý. Ngay cả các nạn nhân cũng e ngại khi trình báo công an, chỉ trình báo với tổng lãnh sự vì họ cũng có vi phạm, sợ bị xử phạt.
Ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch UBND TP, cho biết sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động, lực lượng thanh niên xung phong, dân quân, bảo vệ dân phố tại các giao lộ để phòng ngừa tình trạng cướp giật tài sản người nước ngoài. Ông Trí yêu cầu các cơ quan liên quan như công an, công ty lữ hành, khách sạn phải tạo mọi điều kiện cho du khách trình báo khi bị xâm hại, không ngại, không giấu vì sợ mất thành tích, mất hình ảnh.
Đề cập tình trạng rải đinh, ông Phan Anh Minh cho biết đã xác định một số “đinh tặc” dạt từ Bình Dương qua. Người dân bức xúc vì nạn rải đinh, bắt được “đinh tặc” lại thả ra, Công an TP cũng bức xúc vì không xử lý được do vướng mắc về mặt thuật ngữ và sự thống nhất giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ đạo viện kiểm sát, tòa án, công an thống nhất quan điểm xử lý “đinh tặc”, phải căn cứ theo pháp luật nhưng không cứng nhắc mà tìm ra phương pháp đấu tranh để xử lý triệt để. Nếu có vướng mắc về luật sẽ kiến nghị cấp trên sớm đưa ra giải pháp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận