Phóng to |
Trẻ con ở “vùng đất chết” đi học qua cánh đồng đầy cỏ dại- Ảnh: Ngọc Tài |
Người dân ở đây đã đặt tên cho nơi mình sống là “vùng đất chết” và nơi đây chỉ còn lại trẻ con và người già. Thanh niên trai tráng đều bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống.
Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất này là cỏ dại mọc um tùm, chẳng còn thấy đâu bờ ruộng hoặc ranh đất giữa nhà này với nhà kia. Nước con sông gần đó trong vắt, nhìn rõ cả rong rêu dưới đáy. Những nơi cạn nước thì nhuốm một màu đỏ quạch. Đi vòng quanh một hồi chúng tôi không thấy một thanh niên nào. Thi thoảng lại gặp người già, phụ nữ và trẻ em.
Xem Video “Vùng đất chết” chờ khu công nghiệp do phòng Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
Lát sau chúng tôi gặp ông Tạ Văn Quang, một người dân ở đây, đang đi dọc bờ sông. Ông Quang kể gia đình ông có 6.000m² đất nhưng vì không trồng lúa hay hoa màu được nên đã bỏ mặc cho cỏ mọc chục năm nay. Gia đình ông phải làm đủ thứ nghề lấy tiền đong gạo. Con ông người đi biển, người làm ở xưởng đóng tàu, làm công nhân, còn ông ở lại... giữ nhà.
Gặp những người dân ở đây, ai cũng đau đáu câu hỏi: “Khi nào Khu công nghiệp Bình Đông được thực hiện?”. Theo bà con, bốn năm trước, UBND tỉnh Tiền Giang công bố quy hoạch nơi này thành khu công nghiệp, cũng đã có nhà đầu tư đến đo đạc, kiểm kê chuẩn bị bồi thường, giải tỏa nhưng chờ hoài không thấy làm. Ông Nguyễn Văn Tiến, một người dân ở đây, nói: “Nghe Nhà nước quy hoạch đất đai của chúng tôi làm khu công nghiệp, ai cũng mừng như trúng số độc đắc vì sẽ được bồi thường khi thu hồi đất. Vậy mà chờ hoài không thấy làm gì cả”.
Ông Trần Văn Lâm, phó chủ tịch UBND thị xã Gò Công, cho biết khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Bình Đông rộng 212ha là vùng đất nhiễm phèn nặng. Khu vực này có 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu. Phần lớn người còn sức lao động phải đi làm ăn xa hoặc đi chài lưới, theo tàu đánh cá làm ngư dân kiếm sống. Địa phương muốn đầu tư lo xây nhà hoặc sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, hộ chính sách nhưng không làm được vì đã kiểm kê nhà đất từ năm 2011. Mới đây đơn vị đầu tư dự án là Công ty Khang Thông đã xin gia hạn thêm một năm nữa. Tuy nhiên do dự án bị “treo” quá lâu, người dân quá khổ sở nên UBND tỉnh Tiền Giang đã giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát thủ tục để thu hồi chủ trương đầu tư của Công ty Khang Thông, giao cho nhà đầu tư khác. Như vậy người dân trong “vùng đất chết” này sẽ tiếp tục sống lay lắt và chờ đợi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận