25/01/2018 11:06 GMT+7

Vua trái lạ lo bị mất 'ngai'

CHÍ QUỐC - TIẾN TRÌNH
CHÍ QUỐC - TIẾN TRÌNH

TTO - Những loại trái cây độc, lạ ra đời từ sự thăng hoa sáng tạo của nông dân. Thế nhưng ý tưởng của họ liên tục bị sao chép trên thị trường.

Nhiều năm nay, ông Thành nổi tiếng khắp vùng khi cho ra đời những trái bưởi hình hồ lô có những chữ may mắn. Đặc biệt vào dịp Xuân về, Tết đến, bưởi hồ lô của ông trở nên là mặt hàng đắt đỏ. Những cặp bưởi được tạo hình công phu, thường dùng để trưng bày trong những ngày Tết có giá tiền triệu.

"Vua bưởi" và "sư phụ dưa"

"Tui chỉ cho người ta cách tạo hình bưởi hồ lô nhiều lắm. Từ Miền Đông về Miền Tây, ra Miền Trung… người ta làm được là tui mừng như mình làm vậy. Sáng tạo của mình được lưu truyền ai mà không thích. Nhưng phải làm tử tế tui mới chịu", khi chúng tôi nhắc chuyện chia sẻ sáng tạo của mình, "vua" bưởi hồ lô Võ Trung Thành (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) như "gãi đúng chỗ ngứa".

Bấm đốt ngón tay, ông kể: "Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai nè… ôi thôi, không kể hết đâu. "Đệ tử" tui khắp nơi. Người ta học mình đàng hoàng thì mình cũng giúp tận tình".

Trước Tết Mậu Tuất, ông Thành tiếp khách mệt nghỉ. Khi thì người ta đến "thọ giáo" ông kỹ thuật tạo hình bưởi hồ lô cho ra trái đẹp, khi thì thương lái phương xa đến đặt hàng bán Tết...

Mấy công vườn trồng bưởi của ông không đủ cung ứng, ông Thành lại chỉ cho hàng xóm cách tạo hình bưởi hồ lô. Sau mấy mùa được giá, hàng chục hộ dân lân cận nhà ông Thành nhờ đó mà khá giả.

Ở Cần Thơ, nông dân Trần Thanh Liêm cũng nổi tiếng từ sáng tạo ra dưa hấu hình thỏi vàng có in chữ "Tài", "Lộc" (chữ thường và chữ thư pháp). Gặp chúng tôi trên cánh đồng dưa hấu ở Thới Lai, ông Liêm chia sẻ "trồng được quả dưa hấu cho ra hình dạng giống như thỏi vàng là một kỳ công, bởi nó khó hơn rất nhiều lần so với trồng dưa hấu thường". 

Phải chăm sóc từ dây đến bộ lá, nếu không tốt thì trái không lớn. Trái lớn rồi cũng phải giữ không để chạm lá hay màng phủ, vì chạm dưa sẽ đổi màu. Tới lúc bắt khuôn cho dưa cũng vất vả lắm, phải canh nắng, canh mưa...

Ông Liêm chia sẻ rằng, để ra được quả dưa hấu thỏi vàng, ông phải bỏ nhiều năm thử nghiệm. Rất nhiều lần thất bại mới cho ra đời quả dưa đẹp "chỉ có trong tưởng tượng" này.

Vua trái lạ lo bị mất ngai - Ảnh 1.

Sản phẩm bưởi hồ lô tạo hình của ông Võ Trung Thành bị "sao chép" trên thị trường khiến ông "rất đau xót" Ảnh: CHÍ QUỐC

Ý tưởng bị đánh cắp

Cho ra được dưa thỏi vàng, ông Liêm đăng ký sáng chế khuôn tạo hình. Nói là độc quyền, nhưng ông Liêm cũng không ngại chia sẻ kỹ thuật cho các hộ dân ở Ô Môn, Thới Lai...

Nhiều nông dân tôn ông là "sư phụ dưa thỏi vàng". Cho đến một ngày, ông phát hiện ra có những "đệ tử từ trên trời rơi xuống".

Tìm hiểu thì ông được biết khi một đài truyền hình phát phim quay trái dưa hấu còn trong khuôn tạo hình thì khuôn này đã được sao chép lại và người sao chép dựng thành khuôn, bán ra thị trường với giá 90.000 đồng/khuôn. Do dưa hấu thỏi vàng của ông đã được đăng ký độc quyền kiểu dáng nên người kinh doanh khuôn tạo hình "sao chép" chỉ bán qua mạng, không mở cửa hàng bán công khai.

Theo số điện thoại, ông hẹn với người "hớt tay trên" thành quả sáng tạo của ông. Người này hứa sẽ không vi phạm nữa. Thế nhưng, chuyện đâu lại vào đấy.

"Nếu họ muốn làm thì tui cũng chuyển giao cho họ, chứ có hẹp hòi gì đâu. Nhưng làm gì cũng nên rõ ràng. Cũng là nông dân, tui sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và những cái tôi nghiên cứu được để cùng chia lợi nhuận với bà con, nhưng việc bị ăn cắp ý tưởng rồi mang ra sản xuất, kinh doanh trên công sức của mình, tui không chấp nhận cách "phỏng tay trên" đó".

"Vua" bưởi hồ lô Võ Trung Thành cũng gặp chuyện như ông Liêm. Ông Thành kể, sau khi bưởi hồ lô của ông hút hàng mấy mùa Tết thì thị trường có người rao bán khuôn tạo hình loại bưởi này.


Vua trái lạ lo bị mất ngai - Ảnh 2.

Mặc dù ông Thành tuyên bố "ai muốn trồng bưởi hồ lô thì cứ đến, tôi sẽ chỉ cho kỹ thuật" nhưng ngay tại huyện Châu Thành, có người không giáp mặt ông bao giờ vẫn có khuôn bưởi hồ lô để tạo hình. Dĩ nhiên, không thể đẹp giống như khuôn được đăng ký bản quyền của ông.

Cho đến một ngày, có người mang khuôn tạo bình bưởi hồ lô đến bán cách nhà ông Thành không xa. Độ sao chép tinh vi đến mức chỉ khác nhau ở mỗi chỗ khuôn của ông làm thì chất liệu bằng nhựa, còn khuôn bị sao chép thì bằng mica.

Ông Thành nói ông chán cái cảnh phải nhắc nhở người khác tôn trọng bản quyền sáng tạo bưởi hồ lô. "Không chỉ sáng tạo của mình bị ăn cắp. Cái mình không vui được là họ cho ra đời những trái bưởi không đẹp, làm mất giá hình ảnh sang trọng của bưởi hồ lô", ông Thành bức xúc.

"Sư phụ dưa thỏi vàng" Trần Thanh Liêm thì nói: "Nông dân với nhau, không ai bụng dạ hẹp hòi cả. Nếu anh không sáng tạo ra cái mới, thì cũng tôn trọng người lao tâm khổ tứ cho ra đời những nông sản có giá trị cao. Như vậy người ta mới yên tâm để tiếp tục sáng tạo".

Ông Liêm cho biết ông có nhiều ý tưởng "phá phách" trên cây trái miệt vườn dù phải tạm giấu chưa công bố vì sợ bị "hớt tay trên" ý tưởng.

"Làm cho trái đẹp hơn, tăng giá trị, ngoài kinh tế thì còn là niềm đam mê nữa. Vì vậy, tôi vẫn nghiên cứu, vẫn sáng tạo", ông Liêm bộc bạch.

Đại diện Phòng quản lý chuyên ngành Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang cho biết Thanh tra Sở KH&CN phối hợp với công an kinh tế từng xử lý hành chính một trường hợp vi phạm khuôn mẫu bưởi hồ lô (vận chuyển, mua bán hàng hóa vi phạm bản quyền). "Doanh nghiệp khi bị "ăn cắp" bản quyền thì hãy báo cho cơ quan chức năng biết. Khi nhận được đơn khiếu nại cụ thể, ai vi phạm, vi phạm ở đâu... cơ quan chức năng sẽ phối hợp xử lý theo qui định" - vị này nói. (LÊ DÂN)

CHÍ QUỐC - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên