17/12/2015 21:12 GMT+7

Vua đầu bếp Mỹ Christine Hà chia sẻ bí quyết thành công

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Hàng trăm bạn trẻ đã đến nghe Christine Hà chia sẻ về con đường trở thành Vua đầu bếp như thế nào.

 

Christine Hà chụp hình lưu niệm với cộng đồng người khuyết tật trong sau buổi giao lưu sáng 17-12 - Ảnh: Diệu Nguyễn

Câu chuyện của Christine Hà trở thành vua đầu bếp đã tạo nên sự động viên rất lớn cho những người biết sống với đam mê, trong đó có người khuyết tật.

Hầu hết khi đến nghe Christine Hà chia sẻ, mọi người đều biết về cuộc đời cô có cha mẹ là người Việt Nam sinh ra ở California, định cư tại Texas.

Cô tốt nghiệp ngành tài chính và quản lý hệ thống thông tin Đại học Texas tại Austin năm 2001. Tiếp tục học thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành tiểu thuyết tại Đại học Houston.

"Thông điệp chính tôi muốn gửi đến mọi người là tôi hi vọng các anh chị có thể chủ động với thái độ tích cực đạt được điều chúng ta mong muốn. Ai cũng có ý chí, niềm tin, tiềm năng ẩn giấu ở đâu đó, phải kiếm tìm chính mình mới phát huy được”.
Christine Hà

Nhưng biến cố xảy ra khi thị lực của cô bị mất hẳn từ năm 2007 do căn bệnh Neuromylettis optica (rối loạn khả năng tự miễn dịch) đã thay đổi cuộc đời cô. Việc một người có đầy đủ thị lực bình thường nhưng do căn bệnh hiếm khiến hệ thống thần kinh cột sống bị tổn thương, ảnh hưởng đến thị giác, chỉ nhìn mọi vật là những bóng nhòe… Có giai đoạn cô không nhìn thấy, không thể cử động, không thể lo cho vệ sinh cá nhân của mình.

Ngay thời điểm đó, sách nói (audio book) là phương tiện giải khuây duy nhất và khơi dậy niềm yêu văn chương của cô.

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng cô đã đến với nấu nướng như thế nào, ai đã truyền cảm hứng đó đến cho cô trong các buổi giao lưu.

“Có thể tôi thừa hưởng sự sáng tạo, văn chương và nấu ăn nhờ cha mình. Tôi thừa hưởng sự sáng tạo để đưa vào các món ăn, nhưng còn lại tôi phải tự học lấy mọi thứ. Mẹ mất sớm, năm 14 tuổi, là sự bất hạnh của tôi khi không được thừa hưởng công thức nấu nướng từ bà. Cho đến khi vào đại học, thị lực tôi vẫn bình thường nhưng tôi chẳng biết nấu nướng gì cả, chỉ là những thứ rất căn bản là nấu mì” - cô kể.

Bằng vốn tiếng Việt ít ỏi, cô phải cố đính chính rằng “nấu mì gói ấy, chỉ bỏ mì vào tô và cho nước sôi vào” chứ không phải là làm ra được mì ăn đâu. Thậm chí các anh chị của cô còn lo lắng rằng việc không biết nấu nướng, không biết sử dụng cả nồi cơm điện là một sự xấu hổ đối với bố mẹ cô.

Để sống sót được, Hà bắt đầu mua nồi, chảo, các vật dụng làm bếp và bắt đầu mày mò nấu ăn như một chuyện bắt buộc để sinh tồn. Năm 20 tuổi, khi khả năng nấu nướng được cải thiện thì thị lực bắt đầu yếu dần và mất hẳn khi cô chưa kịp chuẩn bị cho mình phải sống tự lập ra sao.

Cũng nhờ có những tổ chức như của DRD tại Mỹ đã giúp cô có thể tự lo cho mình khi bị khiếm thị, sử dụng các phương tiện công cộng ra sao và cũng đã giúp con đường học cao học tiểu thuyết của cô được thực hiện.

Cũng có nhiều thắc mắc rằng không nhìn thấy thì làm sao chọn được gia vị và biết được khi nào thì thức ăn chín nếu không có sự hỗ trợ của người khác? “Tất cả nằm ở đam mê để có sự cảm nhận. Nhưng phải khoa học, sắp xếp gia vị theo thứ tự ABC, in chữ nổi lên hộp đựng gia vị, chỉ cần đưa tay ra bạn sẽ lấy được thứ mình cần. Chính vì vậy tôi có thể tự làm một mình trong nhà bếp của mình rất thoải mái. Sự hiểu biết về các thiết bị từ bếp đến nhiệt độ và đặc tính của nguyên vật liệu cũng sẽ giúp bạn rất nhiều khi nấu mà không nhìn thấy gì” - cô chia sẻ.

Rất nhiều người thắc mắc và muốn cô chuyển tải thông điệp cuộc sống của mình như thế nào, động lực vào mỗi sáng thức dậy của cô ra sao, ai sẽ truyền lửa cho cô trong cuộc sống… “Chính tôi luôn tạo tất cả động lực cho mình trong mỗi sáng thức dậy và mỗi ngày tôi sống” - cô trả lời.

“Cuộc đời ai cũng có những khó khăn và thách thức, nếu chuyện gì đó tồi tệ xảy ra, bạn có thể khóc than nhưng một thời gian ngắn thôi, thời gian cứ chạy về phía trước, không kịp tỉnh thức thì hoặc là tiếp tục hoặc là sẽ chấm hết”.

Buổi giao lưu diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ, quận 1 (do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức chiều 16-12) và tại Trường đại học Hoa Sen (do Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật - DRD tổ chức sáng 17-12).

 

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên