20/12/2021 08:27 GMT+7

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng 'thổi giá'?

THÂN HOÀNG - LAN ANH - TIẾN THẮNG
THÂN HOÀNG - LAN ANH - TIẾN THẮNG

TTO - Theo Bộ Công an, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để 'thổi giá' kit xét nghiệm COVID-19 và cung cấp cho các địa phương.

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng thổi giá? - Ảnh 1.

Phan Quốc Việt tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an cung cấp

Ông chủ của Việt Á đã chi tiền phần trăm "khủng" cho lãnh đạo bệnh viện và CDC các tỉnh thành. Tuổi Trẻ đã liên hệ nhiều lãnh đạo địa phương.

Đã bắt tạm giam nhiều người

Ngày 19-12, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt - người sáng lập, đồng thời là tổng giám đốc 

Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Công ty này được coi là "ông lớn" trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng khám tại TP.HCM và Quảng Nam.

Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Những người này bị điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Lãnh đạo C03 đánh giá hành vi sai phạm của các bị can không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, mà còn "móc túi" hàng triệu người dân khi phải sử dụng dịch vụ xét nghiệm với giá cao hơn giá trị thực.

C03 cũng làm rõ: để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các thuộc cấp ở Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó Tuyến được chi gần 30 tỉ đồng.

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng thổi giá? - Ảnh 2.

Trụ sở Công ty Việt Á tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nhưng theo chủ nhà, chỉ đặt bảng tên, không có nhân viên làm việc l Ảnh nhỏ: kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều nơi mua kit từ Việt Á cao hơn Hải Dương

Sau khi những sai phạm tại CDC Hải Dương được công bố, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại các địa phương khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc để "thổi giá" kit xét nghiệm hay không?

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000 đồng/bộ test PCR như ở Hải Dương, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.

Cụ thể, tại quyết định ngày 23-6-2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 bộ test PCR LightPower của Việt Á cho CDC tỉnh Bắc Ninh với giá 470.000 đồng/bộ. 

Cùng thời điểm này, tỉnh Nam Định cũng mua 13.536 bộ test tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ.

Tháng 5-2021, một địa phương ở miền Trung cũng có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch COVID-19. Trong 11 loại vật tư mua dịp này (tổng trị giá trên 53 tỉ đồng), có 70.000 bộ LightPower, giá mua là 509.250 đồng/bộ, trị giá trên 35,6 tỉ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết tỉnh thành, bệnh viện mua bộ xét nghiệm PCR của Việt Á thời gian qua đều mua với giá từ 470.000 đồng/bộ trở lên. Trong khi đây là mức giá CDC Hải Dương đã mua và giám đốc CDC Hải Dương bị bắt cùng tổng giám đốc Việt Á do nhận "phần trăm" gần 30 tỉ đồng.

Theo cơ quan điều tra, tại Hải Dương mỗi hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm, giám đốc CDC đã được "lại quả" 20 - 25% giá trị hợp đồng. Việc bắt tạm giam các bị can trên chỉ là giai đoạn đầu của chuyên án làm rõ đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19. 

Lãnh đạo C03 cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng tại nhiều nơi khác, làm rõ vai trò các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi... và xử lý nghiêm theo quy định.

Thời gian qua, việc xét nghiệm tần suất quá dày, chi phí xét nghiệm cao, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì phí xét nghiệm và các quy định xung quanh việc xét nghiệm, đến nay khi cơ quan công an bắt đầu bóc gỡ việc "thổi giá" xét nghiệm cho thấy còn có những tảng băng chìm xung quanh chi phí xét nghiệm cần được làm rõ.

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng thổi giá? - Ảnh 3.

Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO chấp thuận - Ảnh: Bộ KH&CN

Lãnh đạo Hải Dương chưa thể trả lời

Ngày 19-12, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ lãnh đạo tỉnh Hải Dương để xác minh thêm thông tin giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị khởi tố điều tra hành vi nhận "phần trăm" và câu kết cùng Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19 nhưng không nhận được câu trả lời.

Trao đổi về việc CDC Hải Dương mua sắm bộ kit xét nghiệm COVID-19 có phải thông qua Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh để phê duyệt hay không, ông Lưu Văn Bản - phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - cho biết không phụ trách lĩnh vực này và đề nghị trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Triệu Thế Hùng - chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - cho biết đang bận họp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 nên không tiện trao đổi thông tin.

Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Hưng - giám đốc Sở Tài chính và ông Phạm Mạnh Cường - giám đốc Sở Y tế Hải Dương, nhưng đều không nhận được hồi âm. Bà Nguyễn Thị Trung Chính - phó giám đốc Sở Y tế - cho biết không phụ trách lĩnh vực nên không nắm được cụ thể.

20 - 25%

Đó là tỉ lệ được "lại quả" trên giá trị hợp đồng mà ông chủ Việt Á chi ra cho giám đốc CDC Hải Dương nhờ nâng khống mỗi bộ xét nghiệm ít nhất gấp đôi giá trị thực.

Nguồn: C03, Bộ Công an

Nghệ An: đã cho rà soát, chưa thấy sai phạm

Ngày 19-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết đã cho kiểm tra, rà soát 7 - 8 cơ sở y tế từng nhập kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Bước đầu, qua báo cáo của những đơn vị này chưa thấy có dấu hiệu sai phạm liên quan đến kit xét nghiệm COVID-19 bị nâng khống giá.

Ông Nguyễn Văn Định - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - cũng cho hay thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét địa điểm ở Nghệ An có thể liên quan đến nơi cư trú của ông Phan Quốc Việt.

"Không riêng gì Nghệ An, thời gian đầu Công ty Việt Á này cung cấp độc quyền bộ xét nghiệm COVID-19 cho cả nước.

Về quy trình mua bộ xét nghiệm COVID-19 tại Nghệ An được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Sau khi rà soát các đơn vị có năng lực cung cấp bộ xét nghiệm, sẽ thông qua hội đồng duyệt giá của Sở Tài chính rồi UBND tỉnh mới ra quyết định mua" - ông Định nói.

DOÃN HÒA

CDC Thừa Thiên Huế nói gì?

Ngày 19-12, ông Hoàng Văn Đức - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết cơ quan này chưa nhận được giấy mời triệu tập cá nhân nào liên quan đến vụ việc trên.

Ông Đức cũng cho biết cơ quan này có mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á vào đầu năm. Tuy nhiên theo ông Đức, việc mua bán này diễn ra hoàn toàn theo Luật đấu thầu, được cơ quan thẩm định giá nhà nước thẩm định theo đúng quy định.

NHẬT LINH

Bài học lớn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho hay ban đầu khi vừa nghe thông tin việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi, ông thấy rất đau lòng. Theo ông, các cơ quan pháp luật, Bộ Y tế cần phải vào cuộc để tìm hiểu vấn đề này thật kỹ.

"Nhưng điều quan trọng nhất là rút ra được những bài học, kinh nghiệm để không xảy ra những chuyện tương tự nữa.

Các cơ quan quản lý phải rút ra bài học chẳng những để xử lý, phán quyết đúng cá nhân sai phạm mà điều quan trọng là tiếp tục nâng đỡ những đơn vị làm tốt để họ tiếp tục phát triển, không bị chững lại, tránh một lượng ngoại tệ khổng lồ cứ phải chảy ra nước ngoài để mua những thứ mà người Việt Nam mình có thể làm được" - ông Trí nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là không thể chấp nhận. Sau vụ việc này cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho rằng sau vụ việc này, việc mua vật tư y tế phải được diễn ra quy củ hơn, đấu thầu đàng hoàng và có phản biện.

Không nên để giám đốc chuyên môn làm các vấn đề về kinh tế, mua sắm thiết bị vật tư. Phải có vị lãnh đạo khác chuyên về đấu thầu, giải quyết các thủ tục được an toàn, minh bạch hơn.

PHẠM TUẤN

CDC TP.HCM: CDC TP.HCM: 'Không mua kit test của Công ty Việt Á'

TTO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) không mua bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Thông tin này vừa được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM xác nhận với Tuổi Trẻ Online.

THÂN HOÀNG - LAN ANH - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên