20/12/2021 12:53 GMT+7

Vụ thông đồng 'thổi giá' kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á: Các địa phương nói gì?

PHẠM TUẤN - LAN ANH - SƠN LÂM - THÁI LŨY - LÊ TRUNG
PHẠM TUẤN - LAN ANH - SƠN LÂM - THÁI LŨY - LÊ TRUNG

TTO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đại diện các sở y tế Long An, Cần Thơ và Quảng Nam đã lên tiếng với báo chí trước thông tin nhiều lãnh đạo y tế địa phương thông đồng Công ty Việt Á để 'thổi giá' kit xét nghiệm COVID-19.

Vụ thông đồng thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á: Các địa phương nói gì? - Ảnh 1.

Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được Công ty Việt Á cung cấp - Ảnh: Bộ KH&CN

Sự việc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo y tế một số địa phương để "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19 khiến dư luận quan tâm.

Theo Bộ Công an, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được chi tiền phần trăm 30 tỉ đồng.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đơn vị đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.

Sau khi những sai phạm tại CDC Hải Dương được công bố, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại các địa phương khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc để "thổi giá" kit xét nghiệm hay không?

CDC Hà Nội: "Chúng tôi không mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á"

Trưa 20-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Quang Việt - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết đơn vị không mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

"Chúng tôi không thực hiện mua một gói kit xét nghiệm COVID-19 nào của Công ty Việt Á. Trong năm 2020 - 2021 chủ yếu nhận kit xét nghiệm từ nguồn tài trợ, tuy nhiên trong đó có những nhà tài trợ mua các bộ sinh phẩm của Công ty Việt Á", vị lãnh đạo trên nói.

Ông Việt cũng thông tin thêm, nguồn tài trợ trên thường được thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, riêng CDC Hà Nội không nhận tài trợ trực tiếp từ Công ty Việt Á.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết tuần tới thanh tra sở sẽ tham gia đoàn liên ngành của TP, kiểm tra việc mua sắm công tại nhiều đơn vị, trong đó có đơn vị thuộc ngành y tế. Việc kiểm tra theo kế hoạch thường niên đã có từ trước.

Riêng CDC Hà Nội, theo thông tin Tuổi Trẻ Online nhận được, từ tháng 3-2020 khi dịch bùng phát (sau ca bệnh thứ 17), CDC có mượn thiết bị xét nghiệm của Công ty Việt Á và có sử dụng kit xét nghiệm xét nghiệm COVID-19 của Việt Á. Tuy nhiên sau khi lãnh đạo CDC Hà Nội bị bắt giam để điều tra việc giá thiết bị xét nghiệm bị nâng, CDC Hà Nội đã trả máy lại cho Việt Á.

Chiều 20-12, Sở Y tế TP Hà Nội phản hồi vụ việc này như sau: Ngày 19-12-2021, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Y tế Hà Nội biết được thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á - để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19. 

Về nội dung này, Sở Y tế có thông tin như sau: Năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) không mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. 

Trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận tổ quốc thành phố. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

4 đơn vị Long An mua kit của Việt Á 'theo giá Bộ Y tế thông báo'

Ngày 20-12, ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - cho biết tỉnh này có 4 đơn vị đã mua kit xét nghiệm PCR từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC Long An), Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc.

Ông Phúc cho biết thêm, là một trong những địa phương xảy ra dịch bùng phát sớm, phức tạp từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, do đó các đơn vị được giao chủ động mua kit xét nghiệm COVID-19 bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, đảm bảo quy định mua sắm trong tình huống khẩn cấp.

"Việc mua sắm đều phải được thông qua Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Hiện tại, tỉnh cũng đã giao cho một số đơn vị liên ngành kiểm tra lại các hồ sơ chi tiết về quá trình mua vật tư phòng chống dịch", ông Phúc nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Phúc khẳng định trên địa bàn tỉnh Long An không hề có cơ sở, chi nhánh nào của Công ty Việt Á.

"Theo quy định, tất cả các cơ sở liên quan đến ngành y tế trên địa bàn tỉnh đều do Sở Y tế quản lý, cấp phép trước khi hoạt động. Về thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an khám xét cơ sở của Công ty Việt Á tại Long An, xin đính chính lại đây chỉ là việc xác minh, kiểm tra nhà của nhân viên công ty này. Người này làm việc ở TP.HCM nhưng có nhà tại Long An", ông Phúc nói thêm.

Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Dũng - giám đốc CDC Long An, đơn vị mua nhiều kit nhất tại tỉnh này - cho biết thời điểm mua kit từ Công ty Việt Á là đầu tháng 6-2021.

"Việt Á là đơn vị cung cấp kit gần như độc quyền tại Việt Nam, nên đơn vị nào có máy PCR lúc đó cũng mua kit của công ty này. Lúc đó, Long An đang rất cần kit xét nghiệm PCR nên mua kit của Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin trên cổng thông tin của bộ. Chúng tôi cũng đăng ký mua theo đúng quy định chứ không phải được Công ty Việt Á chào mời gì cả", ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, tổng cộng CDC Long An mua 10.000 bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, theo mức giá mà Bộ Y tế cập nhật thông báo vào thời điểm đó. "Ban đầu khoảng hơn 400.000 đồng, sau đó có thời điểm lên hơn 500.000 đồng. Nói chung lúc đó kit này gần như độc quyền, lại cần gấp mà bộ đã đưa ra thông tin vậy thì CDC Long An mua theo đúng quy định thôi. Sau này có đơn vị cung cấp kit giá rẻ hơn thì chúng tôi không còn mua của Việt Á nữa", ông Dũng nói thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An, 1 trong 4 đơn vị mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á - cũng thông tin: "Bệnh viện làm theo đúng quy trình về chỉ định thầu, mua vật tư y tế. Còn mức giá thì lúc đó Bộ Y tế đưa ra sao mình tham khảo mua như vậy. Hiện bệnh viện đang làm báo cáo chi tiết về quy trình này để gửi Sở Y tế".

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngay khi có thông tin về việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19, ông Nguyễn Văn Được - bí thư Tỉnh ủy Long An - cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã có chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Theo chỉ đạo này, UBND tỉnh Long An đã giao các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát lại tất cả các hồ sơ liên quan đến việc đầu tư, mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch trong năm 2021 (đặc biệt là kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm) để kiểm tra, đánh giá từng hồ sơ có đảm bảo đúng quy định hay không.

"Quan điểm của tỉnh nếu phát hiện các trường hợp sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bước đầu kiểm tra thì không có việc Bộ Công an khám xét cơ sở nào trên địa bàn tỉnh", ông Được thông tin.

Cần Thơ khẳng định không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á

Vụ thông đồng thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á: Các địa phương nói gì? - Ảnh 2.

Địa chỉ nơi đăng ký chi nhánh Công ty Việt Á tại TP Cần Thơ thường xuyên đóng cửa, không có biển hiệu - Ảnh: T.L

Ngày 20-12, ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay tất cả các gói thầu liên quan phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố, trong đó có kit xét nghiệm đều do các đơn vị trực tiếp sử dụng mua, không thông qua đấu thầu chung của Sở Y tế.

"Qua rà soát các đơn vị trực thuộc, bước đầu chúng tôi khẳng định không liên quan đến công ty Việt Á, trụ sở chi nhánh ở đâu sở cũng không nắm. Các đơn vị làm hồ sơ đấu thầu hay chỉ định thầu các loại thiết bị, dụng cụ bảo hộ phòng chống dịch đều tuân thủ theo trình tự thủ tục quy định. Tất cả phục vụ mục tiêu phòng chống dịch đang cấp bách theo chủ trương chung của thành phố", ông Giang nói.

Lãnh đạo các đơn vị như: CDC Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng khẳng định không mua và không sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á. 

Ông Huỳnh Minh Trúc - giám đốc CDC Cần Thơ - nói: Thời điểm mới bùng dịch khoảng tháng 8,9 chủ trương của thành phố về việc xét nghiệm cộng đồng là để sàng lọc phát hiện sớm F0, hạn chế lây lan. CDC cũng như các đơn vị có xét nghiệm COVID-19 lúc đó có nhu cầu sử dụng kit tesr rất lớn, lãnh đạo TP Cần Thơ cho chủ trương chỉ định thầu để mua sử dụng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, kinh phí từ ngân sách TP.

Tuy nhiên chúng tôi cũng lựa chọn công ty cung cấp có giá hợp lý, thực hiện đúng hồ sơ thủ tục quy định, còn giá mua lúc đó bao nhiêu tôi không nhớ rõ, đang cho khoa dược rà soát lại.

Tại Cần Thơ, có đơn vị mua và sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Theo thông tin từ bệnh viện, đơn vị này có mua 15 bộ (mỗi bộ 96 test) của Công ty CP công nghệ Việt Á. Thời điểm ký kết hợp đồng mua là tháng 9-2021, với giá 367.500 đồng/test (tương đương 35.280.000 đồng/bộ 96 test). Đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã sử dụng 5 bộ kit test của công ty này.

Ngoài Công ty Việt Á, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết còn đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà thầu nhiều mặt hàng khác liên quan đến các mặt hàng, sản phẩm phòng chống dịch, không riêng sản phẩm của công ty Việt Á.

Theo thông tin từ hệ thống của Công ty CP công nghệ Việt Á, chi nhánh của công ty tại TP Cần Thơ có địa chỉ tại số B57, đường số 57, khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Tuy nhiên tại địa chỉ này không có bảng hiệu, cửa đóng then cài nhiều tháng nay. 

Một số người dân ở gần đó cho hay công ty có dời về căn nhà cách đó 2 căn, tuy nhiên tại địa chỉ này hiện tại cũng không có bảng hiệu hay tên công ty. Người dân nói trước đó công ty Việt Á có dời qua đây thuê nhà nhưng cũng không thấy có nhân viên lui tới làm việc, thường xuyên đóng cửa.

Về thông tin mua kit phục vụ cho xét nghiệm COVID-19, theo thông tin Tuổi Trẻ Online có được, tuy lãnh đạo CDC Cần Thơ cho biết không mua kit của Việt Á. Nhưng có một hợp đồng mua bộ trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 của Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất (địa chỉ đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM). Gói thầu thực hiện vào tháng 10- 2021, giá chỉ định thầu là 367.500 đồng/test, tổng khối lượng mua 19.968 bộ. Trong phần xuất xứ, nhãn mác sản phẩm của phụ lục hợp đồng, ghi tên xuất xứ: Việt Á - Việt Nam.

Quảng Nam không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á

Sáng 20-12, Sở Y tế Quảng Nam cho biết hoàn toàn không liên quan đến việc mua kit test xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Được biết, công ty này vừa bị cơ quan công an điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 (bộ kit test PCR) cao hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất.

Sở Y tế cho hay Quảng Nam hoàn toàn không liên quan đến việc mua sinh phẩm, kit test của công ty này.

Thời điểm bùng dịch tháng 7-2020, Công ty Việt Á có cho Quảng Nam mượn 3 máy xét nghiệm Realtime PCR tự động đặt tại CDC Quảng Nam, có mượn sinh phẩm, một số vật tư của công ty và được sự cho phép của UBND tỉnh, sau đó sẽ thực hiện mua sắm để trả lại.

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định toàn bộ là máy nhờ hỗ trợ, không có mua bán, không đặt máy để tính toán kinh doanh, đơn thuần mượn máy và hết dịch trả lại. Sau đó, vào đầu tháng 2-2021, tỉnh này đã hoàn trả 3 hệ thống máy này cho Công ty Việt Á.

Ông Trần Văn Kiệm - giám đốc CDC Quảng Nam - cho biết trong thời gian qua, trung tâm này không mua vật phẩm y tế cũng như kit test của Công ty Việt Á mà chủ yếu các nhà tài trợ, doanh nghiệp tài trợ và Bộ Y tế cấp cho tỉnh.

Một lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết thời gian đầu năm 2020 có mượn máy xét nghiệm của Công ty Việt Á nhưng sau này không mua kit test của công ty này.

Thời gian qua, một số sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch mà tỉnh mua thông qua việc đấu thầu rộng rãi. Vị lãnh đạo này cho hay giá kit test của Công ty Việt Á bán trên thị trường như vậy là quá cao so với những doanh nghiệp khác.

WHO không phê duyệt bộ xét nghiệm của Việt Á WHO không phê duyệt bộ xét nghiệm của Việt Á

TTO - Theo các tài liệu công bố công khai của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bộ kit xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất không được tổ chức này phê duyệt.

PHẠM TUẤN - LAN ANH - SƠN LÂM - THÁI LŨY - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên