11/03/2022 18:12 GMT+7

Vụ thi công tháp Bánh Ít 1.000 năm tuổi: chủ đầu tư xin rút kinh nghiệm sâu sắc

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Liên quan đến việc đơn vị thi công sử dụng xe cơ giới trong quá trình tu bổ tháp Bánh Ít khiến dư luận bất bình, chiều 11-3, liên sở Văn hóa - thể thao - xây dựng tỉnh Bình Định đã gửi thông tin chính thức cho báo chí.

Vụ thi công tháp Bánh Ít 1.000 năm tuổi: chủ đầu tư xin rút kinh nghiệm sâu sắc - Ảnh 1.

Đơn vị thi công tự ý đưa máy múc vào thi công gần tháp Cổng trong quần thể di tích tháp Bánh Ít - Ảnh: PHAN HIẾU

Liên Sở Văn hóa & thể thao và Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thi công dự án này được thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật.

Liên quan đến việc dùng máy móc, cơ giới san gạt đất đá, xây dựng phản cảm, liên Sở Văn hóa & thể thao và Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho hay: tại vị trí mái taluy tháp Cổng, chủ trương cho phát quang bụi rậm, lùm cây xung quanh tháp để làm cho thông thoáng. Tuy nhiên, khi thi công, nhà thầu sử dụng máy đào đứng trên bệ cao với cần để múc bụi rậm hai bên tháp Cổng.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư và Sở Xây dựng kiểm tra việc thi công của nhà thầu. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu nhà thầu đưa máy đào ra khỏi công trường. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công dừng và đưa máy ra khỏi khu vực.

Khu vực tháp Cổng của quần thể tháp Bánh Ít có dấu vết đào bới, san lấp. Sau khi phát dọn cây cỏ, bụi rậm chung quanh chân tháp để chuẩn bị mặt bằng, xếp đá ong, trồng hoa theo thiết kế thì lộ ra một số hố rỗng ở chân tháp Cổng (có thể do nhiều lần tu bổ trước đây đầm lèn không kỹ nên qua thời gian sụt đất, lộ chân tháp).

Chính vì vậy, đơn vị thi công đắp đất mới để tạo mặt bằng lát đá ong chứ không đào, xới xâm hại di tích như báo chí phản ánh.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã kiểm tra thực tế và xác định, đá chẻ, đá bìa xung quanh trên bệ cao gần tháp Cổng không phải là gạch cổ và đá cổ đã bị đơn vị thi công đào bới để xây dựng lại, mà là đá chẻ tận dụng sau khi tháo dỡ đường phía tây nam được lát đá trước đây để xây các bó vỉa thay thế gạch xi măng theo thiết kế được duyệt. Việc sử dụng lại đá chẻ thay thế gạch không nung 2 lỗ để xây gờ chắn được chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu lập biên bản xác nhận để khấu trừ khi thanh quyết toán công trình nhằm tiết kiệm chi phí cho dự án.

Đối với công trình bồn hoa xung quanh chân tháp, theo hồ sơ thiết kế xây gạch không nung đúng quy định. Nhà thầu triển khai đúng thiết kế. Tuy nhiên nhà thầu thấy màu đá trắng xám của gạch không nung sợ phản cảm, trong thời gian chờ đợi ốp đá ong nên đã sơn tạm màu gạch làm cho mọi người nhìn vào nhầm lẫn đã hoàn thiện. Sau khi kiểm tra hiện trường, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa & thể thao trao đổi thống nhất trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh không xây thành bồn hoa xung quanh chân tháp, mà chỉ lát đá ong sân tháp đến cách chân tháp khoảng 0,5m để trồng cỏ.

Về việc tháo dỡ tấm đan bê tông trên sân tháp chính (7m x 12m x 0,3m) đã được cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận tháo dỡ di dời: trước năm 1975, điểm cao tháp Bánh Ít là trận địa pháo của Mỹ. Mỹ đã đổ tấm bê tông để câu pháo đặt tại tấm đan này. Năm 2002, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã khảo cổ trên sân tháp và đã thử tháo dỡ 1 lần nhưng không thực hiện được.

Đến nay tiến hành di dời, nếu không dùng cơ giới sẽ không thực hiện được vì tấm đan này rất dày. Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, việc tháo dỡ di dời tấm đan này là hết sức cần thiết và không ảnh hưởng gì đến di tích.

Sau khi tháo dỡ tấm đan, bên dưới là gạch đất nung vỡ vụn từ lâu giống như ở các tháp Chăm khác trên địa bàn tỉnh (xung quanh chân tháp đều có gạch vụn, là vật liệu không sử dụng được trong quá trình xây dựng tháp trước đây). Trong đống gạch vỡ, công nhân phát hiện 1 mảnh đá màu đen xám chạm khắc có kích thước (40cm x 60cm x 44cm), hình dáng không rõ ràng. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với đơn vị thi công và tư vấn giám sát lập hồ sơ báo cáo. Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định và sẽ nhờ các chuyên gia giám định theo quy định của Luật di sản.

Vụ thi công tháp Bánh Ít 1.000 năm tuổi: chủ đầu tư xin rút kinh nghiệm sâu sắc - Ảnh 2.

Bồn hoa quanh chân tháp chính sẽ được phá bỏ - Ảnh: LÂM THIÊN

Để xe múc vào thi công trong vùng 1 tháp Bánh Ít nghìn tuổi: Trách nhiệm của chủ đầu tư Để xe múc vào thi công trong vùng 1 tháp Bánh Ít nghìn tuổi: Trách nhiệm của chủ đầu tư

TTO - Sáng 9-3, phóng viên đã có mặt tại di tích tháp Bánh Ít, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) - nơi vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu dời máy móc, phương tiện cơ giới trong quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo - ra khỏi di tích này.

LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên