Sách được thiết kế như một phong thư truyền thống - Ảnh: L.ĐIỀN |
Trong dòng cảm xúc ấy, hồ như Vũ Thành An đang sống lại tuổi đôi mươi, kể lại một chuyện tình cũng là kể những giai điệu, những ca từ Không tên được hình thành ra sao. Như người con gái ở bức tình thư thứ nhất lớn hơn ông bốn tuổi nhưng để lại kỷ vật vừa sâu sắc vừa đậm “tính thiêng”. Hay Bài không tên số 3 được viết lời chung với một “Em” mà các câu “để rồi đánh mất nhau/tay buông lơi tình mềm” là của chính “Em ấy” viết như một định mệnh khiến hai người “đánh mất nhau” mãi mãi. Và đặc biệt là mối tình ngang trái đẫm nước mắt khiến ông viết Bài không tên cuối cùng “trên quãng đường rất ngắn chưa được một cây số từ Trường Luật về nhà anh ở Trần Quý Cáp đoạn gần ngã tư Lê Văn Duyệt và anh đã không sửa một lời nào”. |
Nhạc Vũ Thành An từng quyến rũ nhiều lớp thanh niên Việt Nam, làm say đắm nhiều tâm hồn bạn trẻ từ thành thị đến nông thôn.
Nhiều thế hệ người trẻ Việt Nam trước đây từng nghe về những câu chuyện có tính chất giai thoại xung quanh chuyện tình của nhạc sĩ Vũ Thành An như một liên hệ nhân quả với các ca khúc chỉ được gọi là “Bài không tên” và đánh số.
Nhưng quan trọng hơn cả là những “Bài không tên” ấy thật hay, ca từ không chỉ đẹp mà giai điệu luôn mới, mỗi bài lại có sắc thái riêng, chính điều đó khiến cho một loạt ca khúc của ông mặc dù mang chung một cái tên là Không tên, nhưng mỗi bài vẫn là một thế giới riêng, một câu chuyện riêng với những nỗi niềm cũng rất riêng.
Những niềm riêng ấy lâu nay nhạc sĩ Vũ Thành An tự nhận là ông tránh trả lời mỗi khi được hỏi.
Và nay, lần đầu tiên ở tuổi ngoài bảy mươi, ông quyết định chia sẻ với công chúng về những câu chuyện đằng sau các ca khúc của ông.
Chia sẻ bằng một tập sách kiểu tự truyện đặc biệt cả hình thức và nội dung: với hình thức là một tập tình thư, nội dung gồm các bức thư tình ông viết cho nhân vật được gọi là “Em”.
Không phải các bức tình thư chỉ gửi cho một người, từ “Em” này dùng để thay thế cho những nhân vật có thật, như chính Vũ Thành An có lời phi lộ ở đầu sách:
“Đại từ Em được An dùng trong những lá thư là để nói chung đến những bóng hồng đã đi qua đời An. Có thể đó là người tình, có thể là người trở thành vợ, có khi chỉ là người em gái, bạn gái...”.
Không chỉ bằng cách xưng tên An và lối diễn đạt nhẹ nhàng như vậy ở lời phi lộ, điều khoan khoái dành cho độc giả khi đọc tập tình thư này chính là sẽ rất khó ngờ tác giả đang là một ông già bảy mươi bốn tuổi.
Bởi giọng văn tình thư vẫn rất ngọt ngào, những kỷ niệm được nhắc trong thư vẫn đầy hoài niệm và cảm xúc tinh khôi khiến nhiều lúc người đọc tưởng như mình đang nghe một chàng trai đang yêu “bật mí” chuyện tình với con tim đang đập rộn ràng...
Mà không chỉ có chuyện tình, lần theo những bức tình thư Vũ Thành An viết sẽ bắt gặp nhiều mảng miếng của đời sống nghệ sĩ - trí thức Sài Gòn thời chiến.
Trong vị thế một quyển tự truyện, những nội dung về mốt ăn diện của văn nghệ sĩ Sài Gòn, học sinh sinh viên thích chiếc Velo Solex ra sao, đạo diễn Hà Thúc Cần “cùng yêu” một “Em” với Vũ Thành An như thế nào... là những thông tin thú vị với những ai muốn hiểu hơn về đời sống đô thị một thời tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Vũ Thành An sẽ có buổi giao lưu ký tặng bạn đọc tại Đường sách TP.HCM lúc 18h ngày 3-8 nhân dịp về nước ra mắt tập sách Chuyện tình không tên. Lần đầu tiên, tác giả của 50 tình khúc Không tên sẽ gặp gỡ, trò chuyện, trả lời các thắc mắc và có thể cả hát tặng khán giả Sài Gòn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận