06/04/2012 04:14 GMT+7

Vụ tham nhũng làm lung lay đảng Liên minh phương Bắc

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Vụ lừa đảo, biển thủ công quỹ của Liên minh phương Bắc (LN), một đảng từng tự mô tả là "ánh sáng trung thực", là "những người không thể bị hủ hóa", đã nổ ra chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Minh bạch quốc tế kêu gọi nước Ý cải tổ chính trị để chống tham nhũng.

ZLxR44dr.jpgPhóng to

Chủ tịch Liên minh phương Bắc Umberto Bossi phát biểu tại một cuộc diễu hành ở Milan. Khẩu hiệu trên có nghĩa: “Chính phủ kẻ trộm” - Ảnh: Reuters

Theo nhật báo Corriere della Sera, các công tố viên Ý đang điều tra LN về hàng loạt sai phạm tài chính, từ lừa đảo, biển thủ công quỹ, rửa tiền cho đến cấu kết với mafia. Chủ tịch LN Umberto Bossi là nhân vật trung tâm trong vụ bê bối ăn chặn tiền thuế của dân, nhưng nghi can chính được xác định là Francesco Belsito, giám đốc tài chính của LN, người đã từ chức không lâu trước đó.

Ðược thành lập năm 1991, trụ sở tại thành phố Milan, LN theo đường lối chính trị cánh hữu, chống thuế má, chống dân nhập cư. LN tự xem mình là "ánh sáng trung thực" cuối cùng trên chính trường Ý. Các lãnh đạo của LN thường xuyên lớn tiếng chỉ trích Chính phủ Ý là tham nhũng, thậm chí xem thủ đô Rome là "Kẻ cướp Roma".

Thế nhưng, vụ xìcăngđan này đã giáng một đòn nặng vào uy tín của LN, một đảng chính trị luôn khẳng định mình là trong sạch, vượt trên mọi cám dỗ. Một số tờ báo Ý còn giật tít đầy mỉa mai: "Sự tham ô của những người không thể bị hủ hóa".

Lấy tiền thuế để chi tiêu cá nhân

Các công tố viên Ý khẳng định họ đã thu thập đầy đủ bằng chứng về các sai phạm của LN. Năm 2011, Quốc hội Ý đã chi 18 triệu euro (23,7 triệu USD) tiền thuế của dân cho LN làm ngân sách tranh cử. Các công tố viên Ý cáo buộc giám đốc tài chính Francesco Belsito đã dùng số tiền này để thanh toán chi phí đi lại, ăn ở khách sạn... cho con của chủ tịch Umberto Bossi và cho Rosy Mauro, tổng thư ký một nghiệp đoàn có quan hệ với LN.

Báo Guardian đưa tin con trai ông Bossi đã mua một chiếc xe hơi sang trọng trị giá 50.000 euro (65.700 USD) và ngôi nhà của gia đình ông ở thị trấn Gemonio cũng được sửa chữa bằng "tiền chùa".

Các nhà điều tra phát hiện ông Belsito có thói quen nhận tiền hối lộ giấu trong một chiếc mũ. Bằng chứng là một lần Belsito đã nhận tiền của doanh nhân Stefano Bonet ở Calabria. Belsito còn bị cáo buộc có quan hệ thân cận với một tay trung gian của gia đình De Stefano, một trong những gia đình hùng mạnh nhất trong băng đảng mafia khét tiếng ’Ndrangheta ở Calabria. Cảnh sát Ý đang điều tra để xác định xem các khoản đầu tư của LN ở Cyprus và Tanzania có liên quan đến băng mafia này hay không.

Ngoài Belsito, một quan chức cao cấp khác của LN ở vùng Lombardy cũng đang bị điều tra về tội nhận hối lộ hơn 1 triệu euro (1,3 triệu USD). Một số quan chức của LN cũng từng bị cáo buộc có dính dáng đến băng ’Ndrangheta. Trong tuần qua, cảnh sát Ý đã mở hơn 30 cuộc truy quét và khám xét văn phòng, nhà riêng của các quan chức LN ở Naples, Rome, Milan và Genoa.

Tham nhũng 60 tỉ euro/năm

Trước đó vài ngày, như báo Republica cho biết, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Ý mạnh mẽ cải tổ chính trị để chống tham nhũng và nạn con ông cháu cha vốn đã trở nên thâm căn cố đế ở nước này, mà ưu tiên hàng đầu là cải tổ cơ cấu các đảng chính trị.

Báo Corriere della Sera ước tính nạn tham nhũng đã làm nước Ý tổn thất mỗi năm tới 60 tỉ euro (80 tỉ USD), tương đương mức thâm hụt ngân sách của chính phủ nước này, chiếm tới 50% tổng thiệt hại do tham nhũng gây ra ở toàn Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên gia về tham nhũng ở Ý Claudio Gatti nhận định các chính trị gia Ý "ăn nằm" với nhau sau hậu trường "theo kiểu quan hệ loạn luân". "Cánh tả, cánh hữu, cánh trung đều làm ăn với nhau, chẳng phân biệt gì - chuyên gia Claudio Gatti nhận xét - Ðó là một tầng lớp những ký sinh trùng sống bám vào các dự án công của chính phủ".

TI cho rằng rất nhiều hãng truyền thông, tờ báo, đài truyền hình nằm trong tay các chính trị gia, điển hình là cựu thủ tướng Silvio Berlusconi, và đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng trầm trọng. Truyền thông Ý mất đi sự độc lập và tính liêm chính, do đó không phát huy được vai trò phát hiện tham nhũng.

Theo TI, Chính phủ Ý cần thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập. Cũng cần xử phạt đích đáng các trường hợp tham nhũng và thực hiện các chương trình giáo dục chống tham nhũng cho người dân.

SƠN HÀ

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên