07/06/2017 09:49 GMT+7

Vụ phá đùng tôm: Bà Ngọc tố thêm người phạm pháp

HÀ MI
HÀ MI

TTO - Trước tòa, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc và cha cho rằng có nhiều người đã bắt giữ, trói cha con bà trong chòi tôm trái pháp luật nhưng không được nhắc đến trong vụ án.

Bà Ánh Ngọc tố cáo hành vi bắt trói người trái pháp luật của nhóm nhân viên bảo vệ rừng - Ảnh: Hà Mi
Bà Ánh Ngọc tố cáo hành vi bắt trói người trái pháp luật của nhóm nhân viên bảo vệ rừng - Ảnh: Hà Mi

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa ngày 6-6 của TAND huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, 5 nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành bị xử vì cố ý hủy hoại tài sản của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tại đùng tôm trên sông Thị Vải khai do sợ bà Ngọc xây cất công trình trên đất rừng nên nóng vội vào chòi canh tôm ném các bao ximăng xuống sông.

Những bị cáo này cũng thừa nhận có chức năng kiểm tra công trình không phép trên đất rừng nhưng không có quyền hủy hoại tài sản, trói người. Đây là cái sai nên các bị cáo mới đứng trước vành móng ngựa.

Bị trù dập

Sau khi nghe các bị cáo trình bày, bị hại Nguyễn Thị Ánh Ngọc phản bác lại nhiều nội dung mà bà cho rằng hoàn toàn không đúng sự thật.

Theo bà Ngọc, các bị cáo nói do nóng vội nên ném hàng chục bao ximăng của bà là không thuyết phục. Bà cho biết có lên xuống ban quản lý rừng xin sang tên, xin xây dựng để bảo vệ tài sản nhưng không ai trả lời, hoặc làm khó khi biết bà khiếu nại cát tặc gây sạt lở, ô nhiễm.

Bà Ngọc đưa ra các văn bản và nói: “Tôi được ủy quyền từ người khác để nuôi tôm ở trên sông Thị Vải có sự đồng ý của ban quản lý bảo vệ rừng.

Mấu chốt là khi tôi phát hiện việc nạo vét cát xâm hại đất rừng, gây ô nhiễm cho những người nuôi tôm nên có đơn tố cáo nhiều nơi, trong đó đề cập sự bao che của một số cán bộ bảo vệ rừng thì bị trù dập. Thưa hội đồng xét xử, từ đó đến nay tài sản tôi mất trắng”.

Theo cáo trạng, 5 nhân viên bị truy tố ra trước tòa gồm bị cáo Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ) và Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông).

Bỏ lọt hành vi bắt giữ người trái pháp luật?

Tại phiên tòa, kết luận điều tra khẳng định ông Trần Văn Tròn - đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng ngập mặn - không chỉ đạo ném các bao ximăng và trói người.

Tuy nhiên, các luật sư liên tục đưa ra các bút lục, lời khai của các bị cáo, nội dung ghi âm của bị hại để hỏi ông Tròn về việc có hay không chuyện chỉ đạo các bị cáo.

Ông Tròn giải thích đây là kế hoạch của ban kiểm tra công trình xây dựng trái phép ở đùng tôm bà Ngọc nên cùng các nhân viên đi ghe vào đùng tôm để ngăn chặn.

“Dù không có chức năng cưỡng chế nhưng do nóng nảy nên đã xảy ra sự việc ném các bao ximăng chứ tôi không có khuyến khích anh em làm như vậy” - ông Tròn nói.

Nhóm nhân viên bảo vệ rừng đứng trước vành móng ngựa nghe VKS công bố cáo trạng - Ảnh: Hà Mi
Nhóm nhân viên bảo vệ rừng đứng trước vành móng ngựa nghe VKS công bố cáo trạng - Ảnh: Hà Mi

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, bào chữa cho bị hại Ánh Ngọc, tiếp tục hỏi về nội dung ghi âm thể hiện ông Tròn đòi “đánh què chân” bà Ngọc, “mày đánh đổ chén cơm của tụi tao”... là có ý gì?

Ông Tròn nói: “Đó là tính cách nóng nảy của tôi chứ không có ý gì. Mất nồi gạo tức là tụi tôi không quản lý được thì bị kỷ luật, mất việc”.

Trả lời về việc có bao giờ nhận được đơn tố cáo cát tặc ở khu vực rừng quản lý trên đoạn sông Thị Vải, ông Tròn xác nhận đùng tôm của bà Ngọc thuộc ban quản lý nhưng ông bảo vệ rừng hơn 20 năm qua “chưa bao giờ nhận được tố cáo cát tặc”.

Khi nội dung thẩm vấn ông Tròn đang diễn ra, bà Ánh Ngọc và ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng lên xin tòa cho nộp đơn tố cáo một số người chưa bị pháp luật xử lý.

Bà Ngọc cầm đơn tố cáo, nói: “Có những người ở đây bắt giữ người trái pháp luật nhưng không được nhắc đến. Đó là ông Trần Văn Tròn, Đàm Văn Đắc, Phạm Phi Phụng. Những người này đã trói, đánh tôi và cha tôi”.

Còn theo ông Ni, cùng thời điểm hủy hoại tài sản những người nêu trên còn có hành vi bắt, trói con gái ông và ông ngay trong chòi tôm.

“Việc những người đàn ông khỏe mạnh có quyền lực, có vũ khí trên tay, ra tay một cách tàn nhẫn không thương tiếc với một người già bệnh tật như tôi và một phụ nữ mà không được đưa ra xét xử trong vụ án này chúng tôi thấy thật sự bất công” - ông Ni tố cáo tại tòa.

Lúc luật sư hỏi phần thiệt hại về các tài sản, bà Ngọc liệt kê ra nhiều tài sản bị thiệt hại rồi nói: “Bao nhiêu tỉ cũng không bằng danh dự của tôi và cha tôi. Tôi muốn pháp luật phải đúng, phải rõ...”.

Hôm nay (7-6), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng và tuyên án.

Nội dung vụ án

Theo cáo trạng, bà Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng và nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải (đoạn ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch).

Khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bêtông, trưa 26-2-2016 lực lượng bảo vệ rừng đưa 11 người của ban đến tổ chức ngăn chặn, không cho xây dựng.

Lực lượng bảo vệ rừng đến mời thợ xây về xã làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng ra ngăn cản nên một số bảo vệ tiến hành bắt trói ông Ni để các bảo vệ còn lại làm việc.

Khi đó, tại đùng tôm, giữa bà Ngọc và lực lượng bảo vệ cũng xảy ra xô xát, hai bên giằng co nhau. Đặc biệt 5 bị cáo đã ném 40 bao ximăng của bà Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số ximăng.

Một ngày sau, lực lượng bảo vệ rừng vào đùng tôm cho tháo gỡ bốn khung sắt cột công trình xây dựng ném xuống đầm tôm.

Quá trình điều tra, công an xác định các bị cáo Ẩn, Tú, Lớn, Lang, Tuân có hành vi hủy hoại tài sản 40 bao ximăng của bà Ánh Ngọc trị giá 3,4 triệu đồng.

Theo Viện KSND, ông Trần Văn Tròn bị bà Ngọc tố cáo chỉ đạo bắt giữ, trói người nhưng cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định ông Tròn chỉ đạo trói người và ném ximăng.

Liên quan đến vụ án này, khi bà Ngọc bị nhóm nhân viên bảo vệ rừng hủy hoại tài sản, Công an huyện Nhơn Trạch mời lên điều tra nhưng lại đọc lệnh bắt tạm giam bà Ngọc vì chống người thi hành công vụ.

Báo Tuổi Trẻ lên tiếng về việc bắt người có dấu hiệu oan sai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an làm rõ vụ việc.

Sau đó, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai xác định bà Ngọc bị bắt oan nên kỷ luật 3 cán bộ, trong đó cách chức thượng tá Trương Quốc Hiếu - phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch.

Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng kỷ luật khiển trách 2 cán bộ phê chuẩn việc bắt giam bà Ngọc. Riêng viện trưởng Viện KSND huyện Nhơn Trạch chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên