27/12/2016 09:44 GMT+7

5 nhân viên bảo vệ rừng phá đầm tôm bà Ánh Ngọc hầu tòa

HÀ MI
HÀ MI

TTO - Sáng 27-12, TAND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử vụ án 5 nhân viên bảo vệ rừng “cố ý hủy hoại tài sản” của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

5 nhân viên bảo vệ rừng từng đập phá đầm tôm của bà Ngọc - Ảnh: HÀ MI

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là người nuôi tôm trên sông Thị Vải. Khi làm đơn tố cáo bị nhóm nhân viên bảo vệ rừng vào đập phá đầm tôm, bà lại bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giam, sau đó được xác định oan sai.

Tại phiên tòa sáng 27-12, ngoài bà Ánh Ngọc được mời với tư cách bị hại còn có chồng bà là Đỗ Kỳ Phong. Nhiều nhân viên bảo vệ rừng cũng được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng của Viện KSND, 5 bị cáo gồm Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ) và Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông) tham gia hủy hoại tài sản của bà Ngọc.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng, nuôi trồng thủy sản và có sự đồng ý của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành.

Khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bêtông cốt thép gần 20m2, lực lượng bảo vệ rừng đã đưa 11 người đến ngăn chặn, không cho xây dựng trái phép.

Trưa 26-2, nhân viên bảo vệ rừng ngăn chặn xây dựng, mời thợ xây về UBND xã Phước An làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng ra ngăn cản.

Một số nhân viên bảo vệ rừng đã bắt trói ông Ni để các nhân viên khác làm việc. Lúc này, tại chòi canh tôm của bà Ngọc đã xảy ra xô xát giữa bà với nhân viên bảo vệ rừng.

Bà Ngọc cùng chồng dự phiên tòa với tư cách bị hại - Ảnh: HÀ MI

Tiếp đó, 5 người gồm Lang, Lớn, Tuân, Tú, Ẩn đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng. Đến ngày 27-2 nhân viên bảo vệ rừng tiếp tục đến tháo gỡ bốn khung sắt cột công trình xây dựng ném xuống đầm tôm.

Theo Viện KSND, qua khám nghiệm hiện trường cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được đã đủ căn cứ chứng minh 5 bị cáo trên đã có hành vi cố ý hủy hoại tài sản 40 bao xi măng của bà Ánh Ngọc trị giá 3,4 triệu đồng.

Riêng việc tháo gỡ vật liệu công trình ném xuống đầm tôm của một số nhân viên bảo vệ rừng trị giá dưới 2 triệu đồng nên công an huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính.

Diễn biến vụ việc

- Năm 2015, bà Ánh Ngọc cùng nhiều nông dân ở xã Phước An liên tục gửi đơn kêu cứu, tố cáo cát tặc khai thác trên sông Thị Vải gây ô nhiễm, làm tôm chết, trong đó có việc ban quản lý rừng buông lỏng quản lý.

Ngày 5-9-2015, bà Ngọc cùng một số người dân tiếp tục ngăn chặn một sà lan cát được cho là vi phạm và yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật phải lập biên xử lý sà lan này.

- Ngày 26-2-2016, lực lượng bảo vệ rừng đưa hàng chục nhân viên vào phá đầm tôm của bà Ngọc và một công trình xây dựng được cho là trái phép nhưng không có quyết định cưỡng chế. Bà Ngọc tố cáo và PV báo Tuổi Trẻ vào cuộc.

- Ngày 19-4, bà Ngọc được công an xã Phước An mời lên làm việc về vụ "liên quan bảo vệ lâm trường” nhưng sau đó bị công an còng tay, bắt giam đưa về Công an huyện Nhơn Trạch với lí do “chống người thi hành công vụ” do liên quan việc bà cản trở, đòi lập biên bản không cho đưa sà lan cát vi phạm vào bờ xử lý ngày 5-9-2015.

- Báo Tuổi Trẻ lên tiếng, Tỉnh ủy Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ việc. Sau đó các cơ quan bảo vệ pháp luật khẳng định bà Ngọc bị oan sai. Sau khi bị bắt tạm giam 4 ngày, bà được thả.

- Tháng 6-2016, hội đồng kỷ luật Viện KSND tỉnh Đồng Nai công bố quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Chí Hà (phó Viện trưởng VKND huyện Nhơn Trạch) và ông Phạm Hùng Chinh - kiểm sát viên, vì kiểm sát hồ sơ vụ án bà Ngọc “chống người thi hành công vụ” không chặt chẽ, dẫn đến việc ký lệnh phê chuẩn bắt giam oan bà Ngọc 4 ngày. Bà Trương Bùi Nhã Linh - Viện trưởng Viện KSND huyện Nhơn Trạch bị phê bình, rút kinh nghiệm.

- Tháng 11, Công an tỉnh Đồng Nai công bố quyết định kỷ luật cách chức phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch đối với thượng tá Trương Quốc Hiếu và thiếu tá Nguyễn Văn Sơn - Đội phó Đội điều tra Tổng hợp Công an huyện Nhơn Trạch.

Thiếu tá Sơn là người trực tiếp điều tra, lấy lời khai và đề xuất bắt giam bà Ngọc. Thượng tá Hiếu với vai trò là phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an huyện đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Ngọc về hành vi “Chống người thi hành công vụ” không đúng pháp luật.

 

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên