14/05/2010 20:00 GMT+7

Vụ Megastar ép khách hàng: Có "kiện" mới thấy luật còn kẽ hở

Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM
Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM

Sáu doanh nghiệp ngành điện ảnh đã nộp đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương để khiếu nại Công ty TNHH Truyền thông Megastar về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.

Sáng ngày 11-5, ông Dương Nguyễn Y Linh, đại diện ủy quyền của các công ty khiếu nại cho biết quá trình nộp đơn khiếu nại đã làm bật ra các khoảng hở trong quy định hiện hành.

Điều tra sơ bộ vụ MegastarGia tăng các vụ kiện về cạnh tranh

kMKNufML.jpgPhóng to
Để chứng minh Megastar chiếm trên 30% thị trường liên quan là điều tương đối khó - Ảnh minh họa: HTD

Số liệu chính thống mới là chứng cứ?

Ông Y Linh cho biết đơn khiếu nại đã được nộp từ giữa tháng 3-2010. Từ đó đến nay, ông và các doanh nghiệp khiếu nại đã phải nhiều lần cùng làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh để bổ sung hồ sơ, làm rõ thêm nhiều vấn đề thì mới được cục chấp nhận.

Cụ thể, muốn cho rằng Megastar có hành vi vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thì bên khiếu nại phải đưa ra chứng cứ chứng minh Megastar có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị trường liên quan) và hành vi của Megastar vi phạm vào điều cấm. Điều khó khăn là lấy số liệu chính thức ở đâu để chứng minh Megastar chiếm trên 30% thị trường liên quan và xác định thị trường liên quan như thế nào?

Ông Y Linh cho biết cả cơ quan thống kê cũng như cơ quan quản lý trực tiếp ngành điện ảnh cũng không có ngay các số liệu chi tiết về số phim mà các công ty nhập về trong thời gian qua, doanh số của từng công ty đối với từng phim... Do đó, lấy đâu ra số liệu được gọi là số liệu chính thức?

Muốn mua phim của Megastar thì phải chiếu giờ vàng

Các doanh nghiệp khiếu nại cho rằng Megastar đã áp đặt điều kiện khi buộc các doanh nghiệp phải chiếu phim do Megastar phân phối tại các phòng chiếu (thường là phòng chiếu lớn có nhiều ghế) do Megastar chỉ định, vào những giờ “vàng” mà Megastar yêu cầu, với số lượt chiếu nhất định...

Ký độc quyền 4/5 hãng phim của Hollywood

Hollywood (Mỹ) được xem là kinh đô điện ảnh có năm hãng sản xuất phim lớn thì đến bốn trong số đó đã ký hợp đồng với Megastar để Megastar độc quyền nhập khẩu phim từ các hãng này và phân phối lại phim cho các doanh nghiệp khác trong nước.

“Chúng tôi đã phải thuyết phục Cục Quản lý cạnh tranh chấp thuận các số liệu mà chúng tôi thu thập được từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đi khiếu nại. Ngoài ra, chúng tôi cũng thu thập số liệu từ các thống kê, khảo sát mà nội bộ ngành điện ảnh trong nước cũng như thế giới đang thực hiện. Cuối cùng thì cục cũng chấp nhận và xem các số liệu này là nguồn của chứng cứ. Khi xem xét giải quyết vụ việc, cục có thể yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả Megastar nộp báo cáo tài chính để đối chiếu thông tin. Khi đó, đương nhiên sẽ có chứng cứ chính thức về doanh thu” - ông Y Linh cho biết.

Thu thập số liệu chứng cứ đã khó, việc xác định thị trường liên quan còn khó hơn. Ông Y Linh cho biết Nghị định 116/2005 hướng dẫn Luật Cạnh tranh chỉ hướng dẫn rất ngắn gọn về việc xác định thị trường liên quan nên đơn vị tư vấn pháp lý đã phải “vật lộn” khá mệt mỏi mới được cục chấp nhận cách xác định thị trường liên quan.

Luật đề cập “hàng hóa” nhưng sót “dịch vụ”

Trong quá trình nộp hồ sơ, đơn vị tư vấn này cũng phát hiện ra rằng quy định về cạnh tranh có kẽ hở. Thời gian qua, bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp là cách Megastar thu tối thiểu 25.000 đồng trên mỗi vé mà đơn vị thuê phim bán được.

Ví dụ cụ thể, nếu chỉ thu theo tỉ lệ phân chia là 50% trên doanh thu chẳng hạn thì doanh nghiệp thuê phim vẫn có thể chủ động quyết định giá vé. Giả sử doanh nghiệp quyết định bán vé xem phim với giá 30.000 đồng thì sẽ trả cho Megastar 15.000 đồng (tương ứng 50% doanh thu). Tuy nhiên, với cách thu “tối thiểu” hiện nay của Megastar áp dụng thì dù doanh nghiệp bán vé với giá 20.000 đồng thì vẫn phải trả 25.000 đồng cho Megastar! Giá vé 30.000 đồng thì trả 25.000 đồng. Nếu giá vé là 50.000 đồng thì trả 25.000 đồng, cũng gần như cách trả theo tỉ lệ 50%. Tuy nhiên, nếu giá vé là 60.000 đồng, 80.000 đồng thì lại phải trả cho Megastar theo tỉ lệ 50% là trả 30.000 đồng, 40.000 đồng chứ không tính theo mức 25.000 đồng nữa!

Với chính sách này của Megastar, các doanh nghiệp buộc phải bán vé với giá trên 25.000 đồng mới không lỗ nặng. Ban đầu, các doanh nghiệp khiếu nại xem chính sách này của Megastar là hành vi “ấn định giá bán lại tối thiểu” bị Luật Cạnh tranh cấm thực hiện.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn pháp lý trao đổi, phân tích với các chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh mới vỡ lẽ là không khiếu nại như thế được. Luật Cạnh tranh thì quy định chung chung nhưng Điều 27 Nghị định 116/2005 hướng dẫn luật này lại giải thích “ấn định giá bán lại tối thiểu là việc khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước”.

Ngay trước mắt, hành vi này chỉ áp dụng đối với “hàng hóa” trong khi vé xem phim là “dịch vụ” chứ không phải hàng hóa. Thế cho nên hành vi này của Megastar được xem xét dưới góc độ khác, như là hành vi “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”. Ông Y Linh đánh giá va chạm thực tế về pháp lý trên đã giúp phát hiện một khoảng hở trong quy định để sau này các cơ quan quản lý có thể lưu ý chỉnh sửa.

Ngày 12-5, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bạch Văn Mừng ra quyết định điều tra sơ bộ vụ Công ty TNHH Truyền thông Megastar bị khiếu nại về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Trước đó, giữa tháng 3, sáu công ty ngành điện ảnh đã nộp đơn khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh. Bên khiếu nại cho rằng Megastar đã áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý và áp đặt điều kiện trong quan hệ giữa các bên.

Theo Luật Cạnh tranh, thời gian điều tra sơ bộ là 30 ngày. Nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Megastar không vi phạm Luật Cạnh tranh thì sẽ đình chỉ điều tra. Nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có hành vi vi phạm thì sẽ chuyển sang giai đoạn điều tra chính thức 180 ngày (có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày). Sau đó, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển cho Hội đồng Cạnh tranh để hội đồng mở phiên điều trần và có quyết định xử lý vụ việc.

Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên