03/05/2014 10:47 GMT+7

Vụ kiện sách lậu: nhiều vấn đề đáng bàn cãi

Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Công ty luật Đời Nay, Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Công ty luật Đời Nay, Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Xung quanh vụ việc TAND huyện Thanh Trì (Hà Nội) bác đơn kiện của Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi (Tuổi Trẻ ngày 30-4, 1-5, 2-5), Tuổi Trẻ giới thiệu thêm ý kiến của luật sư.

5IQezKTh.jpgPhóng to
Hiện trường vụ gia công sách lậu. First News cho biết dù là đơn vị phát hiện nhưng họ không được thông báo và không hề được mời chứng kiến khi cơ sở Huy Thi bị phạt hành chính và lô hàng giả bị tiêu hủy - Ảnh: First News

Vụ án in sách lậu này có nhiều vấn đề đáng bàn cãi. Một là, đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của First News do TAND TP Hà Nội thụ lý và giải quyết, nhưng không rõ lý do vì sao lại chuyển về TAND huyện Thanh Trì - nơi bị đơn có trụ sở. Trong khi hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và nhãn hiệu là “tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền tác giả” và “tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được xác định tại thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 2 điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự.

Hai là, hành vi vi phạm bản quyền và nhãn hiệu của cơ sở gia công sau in Huy Thi dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không đương nhiên thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo biện pháp dân sự. Nên tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Thi không chứng minh được chủ sở hữu của lượng sách in lậu thành phẩm và bán thành phẩm tại cơ sở của ông thì ông phải chịu hậu quả bất lợi. Không thể nói rằng Huy Thi đã bị xử phạt vi phạm hành chính và vì không liên hệ được với người chuyển lượng sách lậu đến cơ sở mình gia công mà ông Thi thoát trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ kiện.

Ba là, yêu cầu bồi thường thiệt hại của First News về bản quyền tác giả và nhãn hiệu đã được bảo hộ; được quy định tại điều 204, điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và từ điều 16 đến điều 20 của nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ. Theo đó, thiệt hại tinh thần mức tối đa là 50 triệu đồng, thiệt hại vật chất bao gồm cả chi phí thuê luật sư trong vụ kiện và chi phí hợp lý để ngăn chặn khắc phục thiệt hại.

Với quy định của luật hiện hành như vậy, không hiểu vì sao yêu cầu của First News đã bị TAND huyện Thanh Trì bác đơn, không chấp nhận khoản bồi thường nào. Tuy nhiên, công lý chỉ có một, First News vẫn còn cơ hội chứng minh tại cấp tòa xét xử phúc thẩm.

Nhiều vụ in lậu không tìm ra thủ phạm

Điểm lại các vụ in lậu phát hiện trong năm 2013, thấy tình hình vẫn còn đáng lo ngại. Điểm chung của các vụ in lậu này là đầu mối phát hiện thường từ phía đơn vị bị hại, sau đó báo cho cơ quan chức năng và phối hợp kiểm tra, bắt giữ.

Đình đám nhất là vụ quyển sách nổi tiếng Chuyện nghề của Thủy do Phương Nam sản xuất bị in lậu vào tháng 7-2013, chỉ hai tháng sau khi sách thật phát hành. Sách giả bày bán công khai tại Hà Nội. Tuy nhiên sau khi phía bị hại phát hiện sách lậu, vụ này vẫn không tìm ra thủ phạm.

Sau đó vào tháng 8-2013, tại TP.HCM một lô sách lậu gồm 1.967 quyển thuộc bộ truyện tranh Trạng Quỷnh được đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội Q.5 và PA83 Công an TP.HCM phát hiện tại cửa hàng mua bán sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn. Chủ cửa hàng cho biết số sách này mua trôi nổi và không biết tên, địa chỉ của bên bán sách. Cuối cùng vẫn không rõ nguồn gốc sách lậu từ đâu.

Không chỉ in lậu sách, giới in lậu vẫn thường “oanh tạc” vào mùa lịch bloc hằng năm. Vụ in lậu lịch mới nhất phát hiện vào tháng 9-2013 tại TP.HCM với quy mô khoảng 12.000 bloc in không phép tại cơ sở in ở đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú.

Xa hơn nữa, trong năm 2012 tại địa bàn TP.HCM phát hiện một vụ in lậu truyện tranh Doraemon và sách học ngoại ngữ Let’s go với số lượng hơn 200 kiện (khoảng 3 tấn) tại một cơ sở in ở Q.Tân Phú. Tuy nhiên, nhận định từ phía cơ quan an ninh cho biết đây chỉ là một mắt xích trong đường dây in lậu lớn hơn đang tồn tại.

Lâu nay kết quả các vụ phát hiện in lậu thường dừng lại ở biện pháp xử phạt hành chính. Trong một hội nghị chống in lậu toàn quốc do NXB Giáo Dục tổ chức vào năm 2010 đã có ý kiến đề nghị xử phạt hành vi in lậu từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng với kỳ vọng mức phạt cao gây thiệt hại về kinh tế như vậy mới có tác dụng ngăn chặn việc sản xuất và tiêu thụ sách giả. Cũng có ý kiến cho rằng nên xem xét in lậu chính là hành vi sản xuất hàng giả và nên điều chỉnh theo các điều luật của Bộ luật hình sự. Theo luật này, tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại điều 156. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm. Tuy nhiên, các đơn vị bị hại trong các vụ in lậu lâu nay và người đại diện pháp lý của họ thường chỉ tiếp cận vụ việc trong khuôn khổ các vụ kiện dân sự, như trường hợp First News kiện cơ sở Huy Thi vừa rồi. Có lẽ những người bị thiệt hại trong các vụ in lậu cần có cách tiếp cận khác để vận dụng pháp luật nhằm bảo vệ mình hiệu quả hơn.

Luật sư NGUYỄN NGỌC PHÁT(Công ty luật Đời Nay, Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên