20/12/2008 05:08 GMT+7

Vũ khí tự tạo - Kỳ 1: "Khởi nghiệp" từ tay trắng

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Ngay sau khi di tản ra khỏi các vùng đô thị, các tổ sửa súng và “rờ sạc” (recharge - nhồi thuốc nổ và đầu đạn vào vỏ đạn đã qua sử dụng) ra đời. Trước nhu cầu bức bách về vũ khí, các tổ này nhanh chóng “nở nồi” thành các binh công xưởng.

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944)

Theo các cựu binh quân giới Nam bộ, muốn sản xuất vũ khí thì phải biết về cấu tạo và nguyên lý nổ của từng loại vũ khí. Nhưng lúc bấy giờ họ không biết gì cả.

OgJWDQRn.jpgPhóng to
Vũ khí tự tạo giai đoạn đầu tiên (1945-1946) của quân giới Nam bộ - Ảnh: Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ

Mày mò tự chế

Ngày 7-5-1954, trong hầm chỉ huy của viên bại tướng De Castries, các chiến sĩ đánh trận Điện Biên Phủ thu giữ được một bộ sưu tập các kiểu vũ khí do quân giới Việt Minh chế tạo. Tài liệu này do Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương biên soạn và mở đầu bằng câu: “Những xưởng binh khí của Việt Minh không biết nên so sánh thế nào với những xưởng của một cường quốc”.

Lấy được lựu đạn của đối phương, anh em nhìn mẫu bắt chước gia công phần cơ khí, nhưng đến phần hóa chất và nguyên lý nổ thì mù tịt. Tương kế tựu kế, chi đội 7 mời thợ làm pháo về xưởng mày mò chế ra ngòi nổ tự động, vậy là loại “lựu đạn tự động Bình Xuyên” ra đời. Theo ông Bùi Văn Dương, phó giám đốc binh công xưởng chi đội 7 (hiện nghỉ hưu ở Cần Thơ), loại này khi ném chạm mục tiêu là nổ ngay, nhưng rất dễ gây thương vong cho người sử dụng.

Ở khu 9, các xưởng chế ra kiểu “lựu đạn pháo”. Chiến sĩ khi ra trận phải giắt theo một cọng dây xơ dừa và hộp diêm quẹt để châm lửa điểm hỏa. Sau các kiểu lựu đạn “quẹt” và “rút”, cuối cùng các binh công xưởng đã sản xuất được loại lựu đạn “cần gạt” theo mẫu của Anh.

Cũng vậy, phải mất rất nhiều thời gian, công sức họ mới biết cách làm vỏ đạn rồi đạn súng trường. Quá trình mày mò, thử nghiệm vũ khí đã lấy đi không biết bao nhiêu máu xương của người lính thợ. Tư liệu truyền thống của ngành quân giới Nam bộ có ghi chép hàng loạt vụ tai nạn: cuối năm 1945, anh Bùi Minh Nguyệt (khu 7) bị thương khắp người do tổ chức sản xuất không đúng quy cách dẫn tới nổ kho hóa chất. Anh Lâm (chi đội 6) hi sinh khi tháo trái đạn đại bác lép chạm ngòi nổ. Hai anh Trường Xuân và Nguyễn Sơn (binh công xưởng số 1, khu 8) nạp thuốc vào lựu đạn, thuốc phát cháy, hi sinh.

Trong giai đoạn “khởi nghiệp”, người lính thợ đã khắc phục được hai khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Thứ nhất, do không có than đá để nấu chảy gang, họ đã chế ra loại “quạt máy” đạp bằng chân để tạo sức gió đủ nấu chảy gang bằng than củi. Thứ hai, binh công xưởng 139 (Khu 9) đã chế được bộ thiết bị sản xuất acid sunphuaric (H2SO4), từ đó chế ra acid nitric (HNO3) dùng để sản xuất chất kích nổ fulminate thủy ngân-Hg(ONC)2. Ông Ngô Bình Phát (binh công xưởng 139, hiện nghỉ hưu ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Không có phương tiện phòng độc nên hàng chục anh em đã bị nhiễm độc, mất hồng cầu, nám phổi. Anh Đồng Văn Đen khi đốt lưu huỳnh đã bị nhiễm khí độc và hi sinh trong thời gian thử nghiệm”.

cEEMNSIs.jpgPhóng to

Lấy thuốc nổ từ bom lép để chế tạo vũ khí - Ảnh: ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ

Tiếp “máu” phải đổ máu

Sự kiện kho đạn Thị Nghè bị đốt cháy đã để lại một lượng vỏ đạn “của nợ” khổng lồ cần phải thanh lý. Ông Tám Ninh, trưởng ban tiếp liệu của Ban bì đạn khu 7 (hiện nghỉ hưu ở phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM), đã vận động một chủ cửa hiệu lạc xoong gần chợ Kim Biên đấu giá công khai mua giúp cho bằng được. Ước tính khoảng 40 tấn vỏ đạn đã được giao nhận an toàn, trong đó số đạn lép cho thuốc nổ đáng kể.

Trên sông Sài Gòn (đoạn Bình Quới Tây) lúc bấy giờ là “nghĩa địa” vũ khí “quá đát”. Khi đến đổ bỏ vũ khí, dù rất cẩn trọng song quân đối phương vẫn không thoát khỏi tai mắt người dân. Nhiều tổ sưu tầm vũ khí của ta đã đến khai thác “kho báu” này. Theo lời kể trước đây của ông Huỳnh Hữu Thể (bộ đội lưu động 19, đã mất), trong nhiều năm họ đã “lượm” về hàng chục tấn bom đạn. Mỗi lần đối phương đi càn, anh em phải nấp vào các bụi ô rô rậm rạp. Lần nọ, anh Tiến nấp trong bụi cây bị đối phương chĩa sắt trúng vai. Cắn răng chịu đau, anh lấy bùn nhão vuốt đầu chĩa nên tên lính không thấy vết máu, nhờ đó cứu cả tổ. Để đưa vũ khí qua bót đóng ngay cầu Rạch Chiếc, anh em cột chúng vào các gốc dừa nước thả trôi sông. Khi “đoàn quân dừa nước” qua khỏi cầu, vũ khí được vớt lên chuyển đi nơi khác.

Lúc bấy giờ các loại nguyên hóa liệu dùng chế tạo vũ khí bị chính quyền thực dân liệt vào hàng cấm, nhưng các binh công xưởng vẫn nhận được “máu”. Khu Tân Hòa Đông (nay thuộc Q.6, TP.HCM) thời đó nổi tiếng với nghề đúc lư đồng. Ông Tám Ninh nhờ các nghệ nhân Tám Đó, Tư Đầy công khai mua giúp “nguyên liệu đúc lư đồng”. Còn ông Mười Trân, trưởng ban tiếp liệu khoa quân giới khu 7 (đã mất), vận động ông Võ Bá Ngô thu xếp cho ông tổ chức pha chế fulminate thủy ngân ngay trên sân thượng nhà mình. Chưa hết, nhóm Mười Trân còn nhận hàng ngàn bộ vỏ mìn được gia công trong nội thành. Ngoài ra, một số nhà tư sản yêu nước, chủ xưởng, chủ hãng, thương nhân Hoa kiều cũng đồng ý mua giúp nguyên hóa liệu quý hiếm, máy móc từ Hong Kong.

Và máu đã đổ xuống trên những cung đường tiếp liệu từ nội thành ra chiến khu. Tư liệu truyền thống quân giới Nam bộ còn ghi: Chủ xe thổ mộ Nguyễn Văn Lo chở 40kg đầu đạn, lính Pháp ở bót Phú Lâm nghi ngờ chặn lại; biết đã bị lộ, ông Lo vùng bỏ chạy liền bị bắn chết. Hai chị Leo, Vũng (tiếp liệu binh công xưởng trung đoàn 306) sa lưới đối phương, bị dụ dỗ và tra tấn bằng những cực hình hiểm ác vẫn không khai nên chúng bắn chết quẳng xác xuống sông. Chiến sĩ tiếp liệu Phạm Thế Khải bị bắt và tra tấn đến chết tại bót Catinat (Sài Gòn), anh Phạm Quang Trà bị tra tấn, đày đi Côn Đảo. Ở Khu 8, các anh Trà, Đỏ, Nhung trên đường mua sắm nguyên hóa liệu đã lọt vào ổ phục kích và hi sinh…

-----------------------------------------

Trong cái khó ló cái khôn. Lính Tây có súng, ta chưa có nên đánh lại bằng cách gài chông sắt, chông tre. Quả đạn đại bác lép của đối phương qua tay anh em quân giới trở thành mìn!...

Kỳ tới: Những vũ khí “hổng giống ai”

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên