06/10/2017 13:09 GMT+7

Vũ khí Trung Quốc lấn sân mạnh xuống Đông Nam Á

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nằm một phần trong tham vọng tạo dựng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ về quân sự với các quốc gia Đông Nam Á.

Vũ khí Trung Quốc lấn sân mạnh xuống Đông Nam Á - Ảnh 1.

Binh sĩ Trung quốc tập trận với tên lửa vác vai - Ảnh: REUTERS

Ngày 5-10, các tờ báo quốc tế rầm rộ đưa tin Trung Quốc vừa tiếp tục "biếu không" Philippines lô vũ khí trị giá 22 triệu USD trong một động thái được giới chức Trung Quốc đánh giá cho thấy "quan hệ hữu nghị và hợp tác" giữa hai nước.

Lô vũ khí gồm 3.000 khẩu súng trường M4, 3 triệu viên đạn các loại và 30 súng bắn tỉa. Toàn bộ số súng trường trị giá 3,3 triệu USD sẽ được bàn giao cho Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP). Trước đó, hôm 28-6, Bắc Kinh cũng đã tặng cho Manila lô vũ khí đầu tiên, trong đó có 3.000 súng trường.

Báo South China Morning Post của Hong Kong nhận định Trung Quốc đang dần tăng cường ảnh hưởng về mặt quân sự tại Đông Nam Á, theo sau dấu chân kinh tế mà nước này đã gầy dựng.

Thật vậy, ngoài Philippines, các quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đang tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc.

Thái Lan

Các báo cáo cho biết Quân đội hoàng gia Thái Lan sắp nhận lô hàng đầu tiên hồm 28 xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 từ Trung Quốc. Việc bàn giao diễn ra 18 tháng sau khi hai bên nhất trí tiến hành thương vụ với trị giá 147 triệu USD.

Vũ khí Trung Quốc lấn sân mạnh xuống Đông Nam Á - Ảnh 2.

Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 của Trung Quốc - Ảnh: NORINCO

Các xe tăng được sản xuất bởi Tập đoàn công nghiệp phía Bắc (NORINCO) của Trung Quốc dự kiến sẽ được chuyển tới căn cứ hải quân Sattahip của Hải quân hoàng gia Thái Lan vào tuần tới.

Bangkok cũng đã đặt mua 3 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện lớp Nguyên Type 039A vào cuối năm ngoái và các xe chiến đấu bộ binh VN1 từ Trung Quốc hồi tháng 3.

Malaysia

Malaysia đã đồng ý mua 4 tàu tuần tra biển sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm Trung Quốc hồi tháng 11-2016. Hai tàu sẽ được đóng tại Trung Quốc và hai tàu còn lại được đóng tại Malaysia. Hợp đồng này trị giá khoảng 277 triệu USD.

Động thái Kuala Lumpur đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc diễn ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện nhằm tịch thu khối tài sản tại Mỹ trị giá trên 1 tỉ USD của quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB do bê bối tham nhũng của quỹ này. Ông Najib từ chối bất kỳ sai phạm nào và tuyên bố Malaysia sẵn sàng hợp tác với các cuộc điều tra quốc tế.

Myanmar

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Myanmar với hầu hết các loại như máy bay chiến đấu, xe thiết giáp, súng đạn và các tàu hải quân.

Hải quân Trung Quốc đã bàn giao hai trong số những tàu khu trục Type 053H1 của nước này cho Hải quân Myanmar hồi năm 2012.

Tháng 5 vừa qua, hải quân hai nước đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên, với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Changchun, tàu khu trục Jingzhou, tàu hậu cần Chaohu. Cuộc tập trận một phần ra hiệu về việc tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.

Vũ khí Trung Quốc lấn sân mạnh xuống Đông Nam Á - Ảnh 3.

Hai tàu khu trục Type 053H1 (hiện đã được đổi tên) được Trung Quốc bàn giao cho Myanmar hồi năm 2012 - Ảnh chụp màn hình SCMP

Indonesia

Hải quân Indonesia hồi năm ngoái đã ký một thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ gần Type 730 của Trung Quốc.

Hệ thống này sẽ được lắp trên tàu khu trục của Indonesia để tăng cường năng lực phòng thủ trước các tên lửa diệt hạm cũng như các vũ khí dẫn đường khác.

Jakarta ngoài ra cũng đặt mua các tên lửa diệt hạm C-802, tên lửa đất đối không và các radar từ Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2009.

Bên cạnh đó, hai quốc gia đã nhất trí trao đổi công nghệ cho một số thiết bị quân sự nhất định.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên