08/03/2018 14:34 GMT+7

Vũ khí Mỹ và nhu cầu của Việt Nam

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 23-5-2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Obama thông báo Mỹ đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Vũ khí Mỹ và nhu cầu của Việt Nam - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình siêu thanh chống tàu 3M-54 Klub-S - Ảnh: VITALY KUZMIN

Mỹ mong muốn Việt Nam và Mỹ ký kết thêm nhiều hợp đồng quốc phòng hơn nữa

Đại sứ TINA KAIDANOW (phó trợ lý ngoại trưởng thứ nhất về chính trị - quân sự, trao đổi với trang web Defense News)

Ông Obama phát biểu: "Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm dựa trên mong muốn của chúng tôi để hoàn thiện một tiến trình lâu dài về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam".

Việt Nam cần những gì?

Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã nâng quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ lên bước phát triển mới.

Một năm rưỡi sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12-11-2017, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại mời gọi: "Chúng tôi mong muốn các bạn mua trang thiết bị của Mỹ. Chúng tôi sản xuất trang thiết bị tốt nhất. Chúng tôi sản xuất máy bay quân sự và phụ tùng tốt nhất và tất cả những gì các bạn có thể gọi tên".

Chuyên gia Ben Moores ở Công ty tư vấn IHS Janes ghi nhận ngân sách quốc phòng Việt Nam tuy ít nhưng tăng trưởng nhanh. 

Ông cho rằng Việt Nam cần rất nhiều loại thiết bị quân sự từ xe tăng, xe bọc thép chuyển quân, trực thăng tấn công, trực thăng chiến thuật cho đến rađa tầm xa, máy bay tuần tra biển...

Chuyên gia Anthony Nelson ở Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN đánh giá các công ty quốc phòng Mỹ có thể tận dụng lợi thế công nghệ tiên tiến để chào mời các thiết bị quân sự sử dụng trên biển như thiết bị chỉ huy và kiểm soát, công nghệ nhận thức khu vực trên biển và thông tin liên lạc. 

Ví dụ như máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Hãng Lockheed Martin có thể hỗ trợ về chỉ huy và kiểm soát cho tàu ngầm và hệ thống rađa Raytheon sử dụng trên biển.

Trang web Defense News đánh giá Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực phòng không và an ninh biển. Do đó, Việt Nam đã quan tâm đến máy bay tiêm kích F-16 và máy bay P-3C Orion tân trang trang bị ngư lôi theo chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc. 

Ngoài ra, Việt Nam còn quan tâm đến máy bay không người lái không vũ trang để phục vụ công tác tình báo, giám sát và trinh sát hàng hải.

Nhằm tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật trên biển giữa cảnh sát biển hai nước, tháng 12-2017 cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton từ cảnh sát biển Mỹ.

Mới đây Mỹ đã quyết định bán máy bay không người lái giám sát hàng hải ScanEagle của Hãng Boeing-Insitu cho Việt Nam. 

Tháng 5-2017, Mỹ đã bàn giao cho cảnh sát biển Việt Nam sáu tàu tuần tra cao tốc lớp Defiant 75 của Hãng Metal Shark đóng ở Mỹ bằng khoản viện trợ 18 triệu USD của Mỹ.

Vũ khí Mỹ và nhu cầu của Việt Nam - Ảnh 3.

Tàu tuần tra phóng máy bay không người lái giám sát hàng hải ScanEagle. Mới đây Mỹ quyết định bán loại máy bay này cho Việt Nam - Ảnh: Warrior-lodge

Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí

Chuyên gia Franz-Stefan Gady phân tích trên tạp chí The Diplomat (Nhật), nếu Việt Nam gia tăng mua vũ khí Mỹ, năng lực quân đội sẽ không tăng đột ngột vì hai lý do.

Đầu tiên phải thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết, ví dụ như cơ sở bảo trì máy bay Mỹ. Sau đó phải đào tạo phi công, êkip mặt đất, kỹ thuật viên đối với máy bay và vũ khí mới, như vậy các kỹ thuật viên Mỹ phải đến Việt Nam. 

Hoạt động này cần phải có cam kết kéo dài nhiều năm từ phía Mỹ.

Ông cho rằng quá trình Việt Nam gia tăng tỉ lệ mua sắm thiết bị quân sự Mỹ phụ thuộc vào trình độ đào tạo phi công Việt Nam sử dụng thành thạo thiết bị quân sự mới của Mỹ và khả năng không quân Việt Nam tích hợp vũ khí mới của Mỹ trong bộ máy quân sự vốn kế thừa các chủng loại vũ khí Nga và Liên Xô cũ.

Theo Franz-Stefan Gady, Nga vẫn tiếp tục là đối tác lâu dài quan trọng nhất của Việt Nam về hợp tác quân sự. Việt Nam đã mua của Nga sáu tàu ngầm Kilo, một số tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất.

Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phòng thủ với tên lửa phòng thủ bờ biển và tên lửa đất đối không tầm xa của Nga trong hai năm 2011 và 2012, đồng thời nâng cấp rađa giám sát ven biển.

Việt Nam đang khai thác nhiều máy bay tiêm kích Su-30MK2V của Nga trang bị tên lửa chống hạm. Việt Nam còn quan tâm đến máy bay đa năng Sukhoi Su-35S thích hợp với công tác tuần tra biển.

Theo Franz-Stefan Gady, thiết bị quân sự Nga cung cấp cho Việt Nam hiệu quả hơn so với vũ khí Mỹ và ít đòi hỏi điều kiện như Mỹ yêu cầu. Việt Nam còn có kinh nghiệm thao tác vũ khí Nga qua nhiều năm chiến tranh.

Trang web Defense News của Mỹ đưa tin trước cuộc triển lãm hàng không Singapore Airshow từ ngày 6 đến 11-2-2018 ở Singapore, một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích Mỹ vẫn tiếp tục khuyến khích Việt Nam mua trang thiết bị của Mỹ.

Theo chuyên gia Euan Graham ở Viện Lowy (Úc), dù một phần công nghệ Mỹ vẫn còn quá phức tạp và đắt tiền đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam đang trên đà trở thành khách hàng quan trọng của các công ty quốc phòng Mỹ.

Tại Singapore Airshow, ông Orlando Carvalho, phó chủ tịch Tập đoàn Lockheed Martin, nói: "Nếu Chính phủ Việt Nam quyết định thực sự tiến về phía trước với mức độ nghiêm túc hơn trong danh mục đầu tư của chúng tôi, chúng tôi rất vui mừng đàm phán".

Báo Sputnik (Nga) ghi nhận Việt Nam hiện là một trong những nước mua vũ khí Nga nhiều nhất thế giới, nhưng gần đây Việt Nam đã quan tâm hơn đến các nhà xuất khẩu vũ khí khác như Ấn Độ và Israel hoặc Mỹ vì Việt Nam mong muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

Vũ khí Mỹ và nhu cầu của Việt Nam - Ảnh 4.

Hải quân Việt Nam chuẩn bị nạp tên lửa Klub cho tàu ngầm Kilo - Ảnh: VTV1

Việt Nam nghiên cứu cách thức mua vũ khí Mỹ

Báo cáo của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đánh giá Việt Nam cần cải thiện lực lượng tàu ngầm, bảo vệ không phận trên biển, chống chiến tranh trên biển, gia tăng nhận thức khu vực trên biển, cảnh báo sớm và hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát).

Theo báo cáo, Mỹ có thể hỗ trợ và điều phối các chương trình cung cấp mở rộng thiết bị quân sự Mỹ cho Việt Nam.

Dù vậy vào tháng 2-2018, một quan chức Bộ Ngoại giao nhận định Việt Nam vẫn đang nghiên cứu hai cách thức mua vũ khí Mỹ gồm chương trình Bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS) và chương trình Bán hàng thương mại trực tiếp (DCS) của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ.

**************

Kỳ tới: Quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ còn nhiều dư địa

Thông điệp từ siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson Thông điệp từ siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh Hai người bạn John của Việt Nam Hai người bạn John của Việt Nam
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên