Học sinh trường THPT Tiên Yên có nguyện vọng tiếp tục ở lại học tập ở ngôi trường này - Ảnh: VŨ TUẤN
Cơ quan chức năng quá vội vã?
Sáng 28-3, chỉ một nửa số học sinh của trường THPT Tiên Yên đến lớp học. Lớp đông có hơn 20 học sinh, có lớp đếm chưa đủ 10 đầu ngón tay.
Theo chị Hoàng Việt Anh - cựu trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Tiên Yên, năm 2018 tỉnh Quảng Ninh đã có đề án sáp nhập Trường THPT Nguyễn Trãi với Trường THPT Tiên Yên. Theo đề án này, Trường THPT Tiên Yên sẽ chuyển đổi mô hình tổ chức là trường ngoài công lập. Đề án này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của phụ huynh học sinh.
Những bất cập của đề án này khiến nhiều phụ huynh học sinh gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Bộ Giáo dục - đào tạo.
Cơ quan này đã có văn bản trả lời và đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết và trả lời cho phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, đến nay Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của tỉnh này.
Hội cha mẹ học sinh trường này phản ứng vì Tiên Yên là huyện miền núi, hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nếu chuyển đổi mô hình theo chủ trương xã hội hoá, người dân Tiên Yên sẽ thêm nhiều gánh nặng để lo cho con em mình đi học.
Trong khi đề án sáp nhập chưa nhận được sự đồng thuận, bất ngờ ngày 8-3 vừa qua, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản phê duyệt phương án thuê tài sản phục vụ công tác dạy và học của Trường THPT Tiên Yên.
Theo đó, đơn vị này sẽ thuê hơn 4.700 m2 của Trường THPT Nguyễn Trãi (thuộc Công ty TNHH MTV Hợp Tiến) để phục vụ công tác dạy và học. Thời gian thuê 30 năm, giá thuê năm đầu tiên là trên 1,7 tỉ đồng. Từ năm thứ hai đến năm thứ mười, giá thuê trường học trên 2,2 tỉ đồng. Kinh phí thuê cơ sở vật chất do ngân sách tỉnh Quảng Ninh chi trả.
Mười ngày sau (ngày 18-3), Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh có văn bản yêu cầu Trường THPT Tiên Yên chuyển sang cơ sở mới trước ngày 1-4-2019.
Ngày 23-3, Trường THPT Tiên Yên tổ chức họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thông báo về chủ trương này thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của hội cha mẹ học sinh.
Đến ngày 25-3, gần 600 học sinh trong toàn trường đồng loạt nghỉ học khiến tỉnh Quảng Ninh phải họp gấp để giải quyết.
Tuy nhiên, sau buổi đối thoại với Ban đại diện cha mẹ học sinh, phương án thuê trường không nhận được sự đồng thuận. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường này đề nghị cơ quan chức năng dừng việc chuyển trường, tiếp tục để con em họ học tại trường cũ hết năm học rồi mới tính đến phương án tiếp theo.
Phụ huynh học sinh Trường THPT Tiên Yên cho rằng cơ sở vật chất ở ngôi trường hiện tại vẫn đáp ứng được yêu cầu dạy học - Ảnh: VŨ TUẤN
Trường mới không bằng trường cũ
Sau những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Trường THPT Tiên Yên mới có hơn 1 nửa số học sinh đến trường học, các thầy, cô giáo phải đến tận nhà vận động học sinh.
Người dân ở huyện Tiên Yên lo lắng, thời gian thi THPT quốc gia đã cận kề, nếu không ổn định được tâm lý học sinh thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi của con em họ.
Chị Mai, một người bán hàng gần khu vực Chợ Tiên Yên có con đang học lớp 12, cho biết chị và nhiều phụ huynh khác ủng hộ chủ trương mở rộng cơ sở vật chất. Nhưng chị không thể yên tâm khi chuyển sang trường mới, học sinh phải đi một cây cầu trên quốc lộ. Cây cầu chỉ có 2 làn xe trong khi mật độ giao thông cao, rất nguy hiểm.
Bức xúc hơn, anh Bùi Văn Đoài, một phụ huynh có 2 con đang theo học tại Trường THPT Tiên Yên, không cho con đi học.
Theo anh Đoài, trường cũ rộng 7.000 m2 nhưng mới chỉ có 569 học sinh. Như vậy, diện tích, khuôn viên cho các hoạt động của học sinh theo anh đã rất thoải mái. Còn việc nhà nước có chủ trương thuê cơ sở vật chất, anh Đoài không phản đối nhưng phải có khuôn viên riêng, phòng học riêng… để tránh ảnh hưởng để nề nếp học tập, sinh hoạt của học sinh.
Vấn đề xa hơn mà anh Đoàn lo lắng là 2 đứa con của anh sang học trường mới dễ "va chạm" với nhóm học sinh "cá biệt" ở Trường THPT Nguyễn Trãi. Năm ngoái, một nhóm học sinh trường này đã vác hung khí sang tận Trường THPT Tiên Yên để đuổi đánh học sinh.
Cùng quan điểm này với anh Đoài, một cựu giáo viên Trường THPT Tiên Yên cho rằng môi trường giáo dục có đặc thù riêng. Không nên để học sinh trường công có nhiều truyền thống chung trường với học sinh trường tư có nhiều học sinh học lực yếu hơn, hạnh kiểm yếu hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận