29/03/2014 10:43 GMT+7

Vụ Diễm Hương: Nhiều câu hỏi cho Cục Nghệ thuật biểu diễn

HÀ HƯƠNG ghi
HÀ HƯƠNG ghi

TT - Quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) với trường hợp vi phạm của Diễm Hương vấp phải nhiều ý kiến trái chiều (Tuổi Trẻ ngày 28-3).

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp).

Ông Sơn trao đổi về nhiều điểm ông băn khoăn quanh văn bản số 131 của Cục NTBD ngày 7-3-2014:

Thứ nhất, tôi đồng ý với việc đảm bảo kỷ luật, kỷ cương với những hành vi vi phạm pháp luật dù người đó là ai và ở đâu. Người có lỗi phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại công văn số 131, Cục NTBD đã khẳng định: “Bà Lưu Thị Diễm Hương đã đăng ký kết hôn nhưng không trung thực khi kê khai với các cơ quan quản lý nhà nước và làm hồ sơ tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2012, việc làm này thể hiện sự cố ý không tuân thủ quy định pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”.

Từ thông tin này có thể giả định rằng hành vi vi phạm đã rõ. Tuy nhiên, như vậy đã đủ hay chưa để đưa ra các biện pháp, đưa ra mức độ và hình thức xử phạt đối với cá nhân bà Diễm Hương? Hơn nữa, biện pháp và mức độ xử phạt lại là đề nghị các cơ quan tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật “cấm cửa” đương sự đã đúng thẩm quyền hay chưa, đã phù hợp hay chưa?

Nếu các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm đề nghị này của Cục NTBD thì ta có thể thấy rằng từ lỗi không kê khai đã có chồng đến biện pháp xử lý là cô lập đương sự ra khỏi môi trường hành nghề, môi trường kiếm sống của người đó.

Tôi nhớ cách đây vài năm, Cục NTBD đã có văn bản cấm học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật biểu diễn, tham gia biểu diễn tại quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn... Hồi đó cũng phải trao đổi, tranh luận nhiều mới giúp các cháu học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật được “cởi trói”, được có cơ hội để mài giũa nâng cao năng lực sở trường cũng như kiếm sống bằng nghề của mình.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn

Thứ hai, về bản chất đây là xử lý một cá nhân có sai phạm. Phải làm rõ chủ thể xử lý, tức Cục NTBD có thẩm quyền đó không? Được quy định tại văn bản nào? Phải xem kỹ chức năng nhiệm vụ của Cục NTBD xử lý sai phạm như thế nào?

Thứ ba, nếu cục có thẩm quyền trách nhiệm xử lý những hành vi sai trái như thế này thì lại phải đặt tiếp một câu hỏi nữa, đó là xử lý căn cứ vào văn bản, quy định nào? Cái này nhiều luật gia đã nêu. Tôi cũng đang cho nghiên cứu kỹ.

Văn bản phải mô tả đúng hành vi vi phạm của người đó. Đưa ra các biện pháp xử lý hay nói cách khác là “chế tài” như thế nào. Nói cách khác, ở đây phải cá biệt hóa hành vi vi phạm, cũng như cá biệt hóa trách nhiệm của người vi phạm. Và quan trọng hơn là áp dụng chế tài cụ thể gì? Có đến mức cấm người ta hành nghề hay không?

Thứ tư, phải xem xét một cách cẩn trọng các yếu tố như tôi đã nêu và định ra biện pháp xử phạt tương thích, không thể tùy tiện được. Ở đây phải trả lời được mấy câu hỏi: Ai là người vi phạm? Tính chất mức độ hành vi vi phạm như thế nào? Ai là người có quyền xử lý, biện pháp, mức độ xử lý như thế nào? Theo nguyên tắc, những nội dung này phải được quy định rõ ràng.

Thứ năm, giả định buộc phải xử lý đối với người có hành vi vi phạm thì phải có quyết định xử lý đích danh với người đó và nêu đích danh biện pháp xử lý là gì. Theo nội dung trong công văn 131, tôi thấy thay vì xử lý hành vi và người có hành vi đó thì Cục NTBD lại ra văn bản bao vây “cấm vận”, cụ thể là yêu cầu các cơ quan đơn vị tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn “cấm cửa” đối với bà Diễm Hương. Vậy có đúng nguyên tắc công khai minh bạch không?

Ở đây, nếu suy rộng ra còn liên quan đến cả tính hợp hiến của nội dung công văn số 131. Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền con người, quyền công dân. Đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Còn một vấn đề nữa tôi cũng đang hết sức băn khoăn, đó là từ hành vi vi phạm rất cụ thể không khai việc có chồng của bà Diễm Hương ở một sự kiện cụ thể vậy mà biện pháp được Cục NTBD đưa ra là tiệt hết đường kiếm sống, hành nghề của bà Diễm Hương trên phạm vi toàn quốc. Vậy nhân tình ở đây có tồn tại không? Liệu có vô cảm quá không? Liệu có nhẫn tâm quá không?

Tóm lại, hiện nay tôi chưa có kết luận cụ thể nào vì phải xem xét hết sức cẩn trọng, phải trao đổi thảo luận với các cơ quan đơn vị có liên quan trước khi phát biểu ý kiến đầy đủ về những nội dung tôi vừa nêu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hội nghị tổng kết Nghị định 79 nóng chuyện... Diễm Hương!Vụ Diễm Hương: Bắt quá khứ trả nợ cho hiện tạiXử phạt là cần thiết, nhưng...Diễm Hương rời khỏi dự án Mỹ nhân Sài thànhHoa hậu Diễm Hương bị cấm diễnYêu cầu hoa hậu Diễm Hương giải trình

HÀ HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên