24/04/2013 08:09 GMT+7

Vụ đánh ghen, lột đồ nạn nhân giữa đường: Mất lòng tin

N.N.
N.N.

TT - Đến 0g sáng 24-4, đã có gần 80.000 lượt truy cập vào các bài viết liên quan vụ “đánh ghen, lột đồ nạn nhân giữa đường”trên Tuổi Trẻ Online và có thêm gần 250 ý kiến phản hồi bày tỏ sự phẫn nộ với vụ đánh ghen dã man này.

Bắt khẩn cấp đối tượng đánh ghen lột đồ nạn nhân giữa đườngXác định danh tính vụ đánh ghen, lột đồ nạn nhân giữa đườngNạn nhân vụ đánh ghen lột đồ giữa đường xin nghỉ việc

AHW4wqet.jpgPhóng to

Chúng tôi xin giới thiệu phân tích của tiến sĩ Lê Thị Mai, phó trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Tôn Đức Thắng.

Sao không chủ động ngăn ngừa?

Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Công an phường Phú Hòa. Bạn đọc Hoàng Hoa viết: “Tôi bức xúc với cách giải quyết công việc của Công an P.Phú Hòa. Tại sao bà B. tố cáo nhiều lần mà họ không có biện pháp gì can thiệp? Nếu vụ việc không được tung lên mạng và dư luận lên án, báo chí đăng tải, liệu có bị “quên” xử lý luôn không?”. Bạn đọc Phan Thế Tranh phân tích: “Công an phải chủ động ngăn ngừa chứ không thể ngồi chờ phạm pháp rồi mới xử lý.

Công an phường đã nhận được trình báo của người bị hại hai lần nhưng không có một biện pháp nào để ngăn ngừa, cứ thả nổi vấn đề như vậy có phải là chưa tròn trách nhiệm?”.

“Những người làm nghiên cứu xã hội học như chúng tôi đều đặt những hành vi, hiện tượng xã hội vào trong bối cảnh xã hội mà nó xảy ra. Gần đây, xã hội xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm như hành hung, đánh nhau, giết người ngay chốn đông người, tiêu biểu như vụ cậu thanh niên chém chết người yêu trong quán cơm hay mới đây là vụ đánh ghen, lột đồ giữa đường. Những hiện tượng như thế phản ánh trạng thái căng thẳng xã hội rất cao, xuất phát từ nguyên nhân do những mục tiêu mà con người muốn đạt đến và phương tiện để người ta đạt được mục tiêu đó đã lệch nhau, nếu không muốn nói là trở nên quá xa vời. Tâm lý căng thẳng xã hội thật ra đã có từ trước nhưng chưa đến nỗi bức xúc lắm. Chỉ khi áp lực cuộc sống quá mạnh mới đẩy con người đến việc khó kiểm soát, càng đẩy họ đến tình thế cùng quẫn.

Một nguyên nhân khác là người dân đang mất lòng tin vào chỗ dựa xã hội. Những chuyện đại loại như trường hợp cô gái bị người yêu chém chết đã đệ đơn lên công an nhưng công an không can thiệp kịp thời cũng làm người dân mất lòng tin. Và khi những chuyện như thế này được phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tạo nên dư luận xã hội khiến những người lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy cũng sẽ thấy mất lòng tin. Không thể bấu víu vào ai, trong khi nhu cầu giải quyết vấn đề của bản thân vẫn có, thì họ phải tự bột phát và làm theo cách của họ.

Đặt vào vị thế người đánh ghen, họ đang trong tâm trạng mất mát và muốn lấy lại mất mát đó. Bình thường, người dân - mỗi cá nhân trong xã hội - sẽ dựa vào cộng đồng xã hội để lấy lại những cái mà họ coi là đã bị mất mát. Thế nhưng bây giờ họ mất niềm tin, họ cảm thấy không còn chỗ dựa vững chắc, dẫn đến việc quá bức xúc và không kiểm soát được hành vi.

Người dân có những hành vi bạo lực để giải quyết những vấn đề của bản thân họ có trách nhiệm rất lớn của cơ quan công quyền, cụ thể là cơ quan công an. Trước đó, có thể họ vẫn còn tin, bằng chứng là nhiều người cũng đến trình báo, cầu viện đến cơ quan công an khi có vấn đề xảy ra. Nhưng sau đó cách giải quyết của cơ quan công an và kết quả mà người dân nhận được không đúng với mong muốn của họ. Do vậy họ không còn tin tưởng nữa. Mặt khác, việc giải quyết không triệt để của cơ quan công quyền cũng khiến người đã có hành vi bạo lực càng coi thường pháp luật. Hơn nữa, sự trừng phạt xã hội - ở đây là sự trừng phạt của pháp luật với người có hành vi bạo lực - hiện cũng chưa đủ mạnh để răn đe và tạo lập niềm tin cho cộng đồng xã hội”.

N.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên