Từ một mâu thuẫn nhỏ...
Những người liên quan được xác định gồm Nguyễn Quỳnh A., Vũ Ngọc D., Chu Minh H, Trịnh Minh T., Ngô Mạnh H., Ôn Minh H. (đều SN 1994 và là học sinh lớp 10 trường PTTH Trần Nhân Tông); Phạm Tường V. (SN 1993, học sinh trường Tô Hoàng đã bỏ học năm 2008); Mai Thùy L. (SN 1994, học sinh lớp 10 trường PTTH Đoàn Kết); Nguyễn Mạnh Tr. (SN 1992), Nguyễn Mạnh Đ. (SN 1993), đều là học sinh trường PTTH Tây Sơn đã bỏ học.
![]() |
Hình chụp từ clip đang truyền đi trong cộng đồng mạng, gây phẫn nộ cho nhiều người |
Theo PC14 Hà Nội, từ tối ngày 3-3, trên mạng Internet có đoạn video clip về việc một nữ sinh bị nhóm học sinh đánh hội đồng. Qua điều tra, cơ quan công an xác định nữ sinh bị đánh trong đoạn clip là Nguyễn Quỳnh A., người đánh Quỳnh A. là Phạm Tường V., người dùng điện thoại di động quay lại cảnh đánh nhau là Chu Minh H. và người post đoạn video clip lên mạng đầu tiên là Mai Thùy L.
Nguyễn Quỳnh A. và Vũ Ngọc D. đều là bạn học cùng lớp tại trường PTTH Trần Nhân Tông. Vào giờ giải lao giữa buổi học ngày 2-3, Quỳnh A. dẫm vào chân D. nên hai bên cãi, chửi nhau. Đến trưa ngày 3-3, D. và Chu Minh H. đến trường thì Ôn Minh H. nói Quỳnh A. gọi cho H. để xin số điện thoại D. nói chuyện.
Sau đó, D. xin số của Quỳnh A. và gọi lại nói chuyện, hai bên hẹn nhau đến 15g30 ra cổng trường giải quyết mâu thuẫn. Sau khi hẹn nhau, D. gọi điện cho chị họ là Chu Minh H. kể lại việc hẹn nói chuyện và H. hẹn sẽ ra sau. Tiếp đó, H. gọi cho Tr. bảo ra cổng trường vì có người định đánh em họ mình.
Sau khi gọi cho Tr., H. bỏ học và được Đ. (em trai Trung) đèo đi chơi, chờ đến giờ quay lại cổng trường giải quyết. Trong khi đó, Vũ Ngọc D. cũng bỏ học rồi gọi điện cho Phạm Tường V. rủ đi uống nước. V. đón L. và D. đến một quán gần trường Trần Nhân Tông và được nghe kể lại sự việc. Nghe xong, V. đồng ý đến giải quyết vụ việc này.
... dẫn đến hậu quả lớn!
Khoảng 15g chiều 3-3, khi gần đến giờ hẹn, nhóm của D. và Chu Minh H. quay lại gần trường, nhìn thấy Quỳnh A. và một nhóm học sinh nữ đang đứng gần công an phường Ô Cầu Dền. Khi đó, H. đến đuổi tất cả về lớp học, chỉ còn một mình Quỳnh A. đứng lại. Cả nhóm đưa Quỳnh A. ra cổng chùa Hai Bà Trưng để nói chuyện nhưng đến nơi thì V. túm tóc, dùng tay đánh liên tiếp vào mặt và đầu của Quỳnh A.
Do bị mọi người xung quanh can ngăn nên V. tóm Quỳnh A., đưa ra vườn hoa Pasteur giải quyết. Khi đến công viên Pasteur, V. tiếp tục đánh Quỳnh A. và giật áo lót, D. xông vào dùng chân đạp vào đầu Quỳnh A.. Tại thời điểm đó, T, H, L ngồi trên ghế đá xem bạn bị đánh; Ôn Minh H., Tr. và Đ. đứng cạnh xe máy của mình, riêng Chu Minh H. dùng máy điện thoại cá nhân quay lại toàn bộ cảnh đánh nhau.
Thấy Quỳnh A. bị đánh nhiều nên Đ. và một người bán nước can ngăn, dọa báo công an nên V. sợ không dám đánh Quỳnh A. nữa, cả nhóm kéo về một quán nước trên đường Lý Thường Kiệt. Tại đây, Chu Minh H. gửi đoạn video clip cho Mai Thùy L. và D. qua đường bluetooth của điện thoại di động.
Đến khoảng 19g tối cùng ngày, L. được V. bảo post đoạn video đó lên mạng và đã post lên trang web Flickr. Sau khi đoạn clip này được post lên đã có khoảng 5.000 lượt người truy cập vào xem, bình luận. Do bị nhiều người tỏ thái độ phản đối nên khoảng 21g, L. đã tự gỡ đoạn video clip này xuống. Tuy nhiên, do đoạn clip được nhiều người tải về nên sau đó đã được tung lên nhiều trang web khác nhau.
Qua điều tra, cơ quan công an đã thu giữ được chiếc điện thoại quay đoạn video clip trên, vẫn còn nguyên đoạn phim trong máy cùng máy tính post đoạn phim lên mạng.
Tại cơ quan công an, các học sinh và những người liên quan đã khai nhận về sự việc, nhận thức rõ hành vi đánh nhau, quay phim và phát tán lên mạng Internet đã gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.
Hiện, PC14 Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT Hà Nội, Ban giám hiệu các trường có học sinh vi phạm để xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm, có tình có lý.
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC14 Hà Nội: Cơ quan điều tra sẽ có công văn gửi đến Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Hiệu trưởng các trường có học sinh liên quan đề nghị xử lý nghiêm đối với các học sinh vi phạm, đảm báo tính răn đe, giáo dục và tạo điều kiện cho các học sinh này được sửa chữa sai lầm của mình. Đây là vụ việc đầu tiên tại Hà Nội các học sinh nữ đánh nhau, quay phim và đưa lên mạng. Qua điều tra, cơ quan công an thấy có nhiều vấn đề cần cảnh báo đối với các trường học hiện nay. Cụ thể: Hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học giữa giờ để đi chơi rất nhiều. Trong khi đó, nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn đều không kiểm soát được. Do đó, các trường cần xiết chặt công tác quản lý học sinh, có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng học sinh đến trường, bỏ giờ, bỏ tiết đi chơi, tham gia vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thứ hai, các trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhân cách, văn hóa ửng xử, giao tiếp cho học sinh, không nên để việc xảy ra mâu thuẫn nhỏ như trong vụ việc trên dẫn đến hậu quả lớn. Thứ ba, ngành giáo dục và các trường nên xem xét cấm dùng điện thoại di động ở các lớp 10, 11 trở xuống. Trong vụ việc này có những em học sinh có đến 5 điện thoại di động (!). Ở các nước như Úc, Anh... cũng quy định chỉ học sinh lớp 12 mới được sử dụng điện thoại di động như một biện pháp quản lý, giáo dục học sinh. Đây là một biện pháp hay mà chúng ta nên xem xét, áp dụng. |
* Tin, bài liên quan:
Lại thêm video clip "nữ sinh đánh nhau" gây xôn xaoNữ sinh đánh bạn, quay phim chuyền tay nhauVụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hà Nội: công an đã tìm ra clip gốcYêu cầu các sở GD - ĐT ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinhClip nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xemSự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấu
..............................................
* Ý kiến bạn đọc:
Sự vô cảm đáng sợ!
![]() |
Chỉ cần một xích mích nhỏ, các nữ sinh có thể nhảy bổ vào đánh nhau-Ảnh: Internet |
* Bạn nghĩ gì khi xem clip nữ sinh đánh bạn bị truyền đi trên cộng đồng mạng từ ngày 10-3, Tuổi Trẻ Online có đưa lên trang Nhịp sống teen vào ngày 11-3 và sau đó là những hé lộ về “vai chính” của clip?
Tôi cho rằng hành vi phớt lờ, thậm chí xem như không có gì của những bạn trẻ ngồi xung quanh và chứng kiến bạn bị đánh là hành động thể hiện sự vô cảm. Và vô cảm trước một người bị đánh là một hành động đáng phê phán. Ở khía cạnh pháp luật, nếu chúng ta có khả năng cứu người hoạn nạn mà không ra tay cứu giúp là có tội.
Không biết có bao giờ các bạn thử đặt mình vào hoàn cảnh bị đánh, bị lăng nhục trước đám đông, giữa thanh thiên bạch nhật mà không một ai đứng về phía mình? Sự sợ hãi và thất vọng trước thái độ vô cảm của con người sẽ dâng lên. Chắc chắn, nếu nghĩ được vậy các bạn sẽ phải thay đổi hành động.
Hành xử vô cảm bởi vì các bạn không hề có ý niệm thương yêu, vì không có tình thương nên các bạn trẻ đã mặc kệ những nỗi khổ niềm đau của người khác. Lòng trắc ẩn trong con người sẽ bị đóng băng từ những điều như thế. Từ đây sẽ dễ dàng kéo theo một hệ quả khác là các bạn sẽ ngày càng dấn thân vào con đường vô tâm trước mọi thứ. Điều đó quả thật nguy hiểm!
Khi con người đã quen với hành vi vô cảm, không được giáo dục về lòng nhân ái ngay từ nhỏ, không bị lên án khi làm điều xấu, điều ác thì sẽ dễ trở thành tội phạm. Điều đó hẳn nhiên có trách nhiệm từ nhà trường, gia đình…
* Chuyện học sinh đánh nhau ngày càng... phổ biến. Nó giống như một xu hướng mới của các nữ sinh vậy. Điều này gây phẫn nộ không chỉ cho em mà còn cho mọi người. Đây là hành vi vô giáo dục, bạo lực nghiêm trọng. Vì vậy cần có mức xử phạt khắt khe, ví dụ như đưa đi cải tạo những học sinh cá biệt đó.
* Theo tôi, không nên tất cả trách nhiệm cho nền giáo dục mà trách nhiệm chính vẫn là sự quản lý của gia đình. Bởi đâu phải tất cả học sinh đều hư hỏng mà chỉ có một số học sinh không chịu tiếp nhận những điều hay, lẽ phải, sự tốt đẹp, tử tế từ nhà trường mà lại tiếp nhận cái xấu ở bên ngoài.
Nhà trường chỉ quản lý học sinh trong giờ lên lớp. Tất nhiên, các học sinh sai quấy thì phải xử lý nhưng nếu vội lên án này nọ thì quá tội cho ngành giáo dục. Tôi chắc rằng những nhà sư phạm chân chính không ai muốn học trò của mình trở nên hư hỏng cả. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý con em như thế nào để không còn xảy ra những cảnh đau xót như vậy nữa. Tôi kiến nghị cần phải định rõ trách nhiệm này một cách rõ ràng về mặt pháp lý.
* Ngày nay, tình trạng bạo lực trong học đường rất nhiều, có cả ở bậc tiểu học, và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Bạn bè ăn chặn lẫn nhau, trấn lột, trò mạnh ức hiếp trò yếu, dễ dàng đánh nhau nếu thấy có thái độ đáng ghét...
Thậm chí, khi nữ sinh cũng không hề nghĩ đến tư cách đạo đức nữ nhi, cũng tham gia bạo lực thì vấn đề đạo đức xã hội đang đi dần đến hướng xấu, không hướng thiện. Đề nghị nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho các em hơn nữa để nhận thức của các em tốt hơn.
* Tôi thuộc thế hệ 8X, tuy khác với các thế hệ khác nhưng cũng được trang bị kiến thức như bao học sinh khi bước qua ngưỡng cửa trung học tại Việt Nam. Tuy được tiếp xúc với nhiều cách giáo dục từ phương Đông cũng như phương Tây nhưng trong tôi vẫn giữ được truyền thống "kính thầy, yêu bạn" từ thời học trung học.
Việc học sinh thời nay sử dụng bạo lực với nhau là chuyện không lạ, nhưng tại Hà Nội, nơi có bề dày lịch sử văn hóa lại xuất hiện hình ảnh một học sinh đánh thô bạo một học sinh nữ và các học sinh khác dửng dưng ngồi nhìn thì thật không nghĩ rằng văn hóa đạo đức học sinh thời nay vừa yếu và kém đến thế.
Việc giáo dục học sinh thành một người có nhân cách tốt, có ích cho xã hội phải đến từ giáo dục gia đình và nhà trường. Trong trường, học sinh chưa hình thành được nhân cách thì phải được uốn nắn từ thầy, cô, phụ huynh và xã hội...
Tôi nhớ khi tôi học ở Hàn Quốc, trong nhà trường, học sinh phạm lỗi phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc, phụ huynh không được can thiệp vào hình thức kỷ luật của giáo viên dành cho học sinh và họ còn nghiêm túc ủng hộ....
Lúc đó, tôi nhìn thấy hình ảnh giáo viên trong tôi thật uy nghiêm và rất kính trọng. Giáo dục của ta vẫn có một truyền thống văn hóa lâu đời do đó không mất đi bản chất của nó, nhưng ý kiến chủ quan của tôi cho rằng trong thời buổi kinh tế phát triển; nhiệm vụ đào tạo giáo viên chất lượng cho xã hội bị giảm sút vì phải quá tải dẫn đến chất lượng giảm.
Tuy nhiên cái đáng nói là giáo viên đã mất đi cái "uy", cái "nghiêm" vì xã hội và gia đình của học sinh vô tình tước mất. Tôi hy vọng nước ta có một nền đạo đức giáo dục vững bền, giáo viên phải thật sự có uy và nghiêm, có nhân cách tốt trong lòng mọi người... Và những điều đó phải được xây dựng từ bàn tay của mọi người của chúng ta, trong đó bàn tay của quý thầy giáo cô là quan trọng nhất!
* Theo tôi ngoài vấn đề dạy chữ cho học sinh, thì điều không kém phần quan trọng là giáo dục đạo đức cho các em. Vì hiện nay hầu hết các trường đều tập trung vào chỉ tiêu.
Hiện nay, nhiều con em chúng ta thuộc diện con một, không được nói nặng chứ đừng nói đến đánh. Dù chỉ khẽ nhẹ một cái lên bàn tay ngà ngọc thôi thì hậu quả sẽ ập đến ngay tức thì.
Chính vì vậy, người giáo viên chỉ biết làm sao cho chất lượng thật cao cho "vui cả làng". Thế là để lại cho xã hội một số vấn nạn cần phải "thu dọn". Việc "thu dọn" này không chỉ làm một giờ, một ngày hay một tháng, một năm mà nó có thể kéo dài hàng chục năm, trăm năm... Chính tôi cũng là một giáo viên đang chịu áp lực này mà không biết bày tỏ cùng ai.
* Sau khi đọc báo, tôi tìm xem clip và thật sự bất ngờ khi chuyện đánh nhau tưởng chỉ ở con trai (thậm chí cũng hiếm khi đánh nhau) mà nay nữ sinh cũng góp mặt.
Clip còn có hình ảnh những người ngồi xem và không hề can ngăn, ngay cả con trai đánh nhau chưa chắc nghĩ ra được những cách đánh "hay" vào mặt như thế.
Mong các cơ quan chức năng rõ vụ việc trên, vì thông tin trên làm cộng đồng bức xúc. Cuộc sống năng động của thế hệ trẻ cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi những clip như vậy. Đề nghị có hình phạt theo pháp luật đối với những thủ phạm trên. Đồng thời, liên hệ với nhà trường để có hình thức kỷ luật, giáo dục đạo đức những người chứng kiến vụ việc nhưng vô cảm. Nếu em gái bi đánh trong clip là con em của mình thì các thầy cô sẽ nghĩ thế nào? Chắc chắn các thầy cô cũng rất bức xúc và muốn tìm cho ra người đánh con em mình.
Những bạn đọc như tôi đều rất muốn biết thêm thông tin về vụ việc này.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nhà trường: đừng chỉ là nơi truyền thụ kiến thứcNữ sinh “giang hồ”: Trách nhiệm gia đình và nhà trườngNữ sinh “giang hồ”: Muốn chứng tỏ “bản lĩnh”?Nữ sinh “giang hồ” (Bài cuối): Vì đâu nên nỗi?Nữ sinh “giang hồ” - Bài 2: Băng nhóm nữ sinhNữ sinh “giang hồ” - Bài 1: Chuyện nhỏ vẫn “quyết không tha”Bạo lực mang gương mặt nữ sinh Kỳ 1: Hung thủ cũng là nạn nhân Kỳ 2: Khi nữ sinh ghen tuông... Kỳ cuối: Người lớn hãy nhìn lại mình!Bắt nạt tuổi học trò - chuyện cũ mà không cũ
Bạn từng là nạn nhân của những trò bắt nạt thời cắp sách? Hay chính bạn từng một lần nóng giận với bạn bè đồng lứa?... Và bạn đã vượt qua như thế nào? Xin mời bạn đọc chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những câu chuyện, ý kiến của bạn xoay quanh những vấn đề này qua phần Phản hồi bạn đọc hoặc email tto@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận