Các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh Bình Dương) tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy karaoke An Phú (ngày 7-9) - Ảnh: T.T.D.
Vụ cháy ở quán karaoke tại Bình Dương đã cướp đi 32 nhân mạng, nhiều người bị thương, mất mát và khó khăn về sau của hàng chục gia đình. Đây là lời nhắc nhở về chuyện phòng cháy, không chỉ ở quán karaoke.
Tuổi Trẻ trích ý kiến ba bạn đọc về câu chuyện xót xa này.
Cấm vĩnh viễn nếu vi phạm phòng cháy
Suốt ba ngày theo dõi thông tin về vụ cháy, mỗi hình ảnh đều dễ khiến tôi ngộp thở, rùng mình khi nghĩ lại mình đã từng là khách hát. Những câu chuyện về vụ cháy kinh hoàng này có thể sẽ thưa dần trong vài ngày tới nhưng tôi mong mỏi từ "tiếng chuông cảnh tỉnh" này sẽ có những hành động cụ thể để phòng ngừa thảm họa.
Ngày 1-8-2022, ba người lính cứu hỏa đã hy sinh khi chữa cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tháng 11-2020 một quán bar - karaoke tại thị trấn Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ cháy khiến ba người tử vong... Và nhiều vụ cháy khác từng xảy ra ở karaoke cũng cướp đi mạng sống của nhiều người. Các quán karaoke từng nở rộ như nấm mọc sau mưa từ thị thành về nông thôn.
Con số đã được cập nhật tại chính TP Thuận An, Bình Dương (nơi xảy ra vụ cháy mới đây), số quán hát đang đăng ký hoạt động là 86. Nhiều đợt kiểm tra ghi nhận có đến trên 45% các cơ sở không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, nhiều cơ sở vi phạm và bị phạt đến lần thứ 4, thứ 5...
Một đợt tổng kiểm tra đã được lên kế hoạch ngay sau thảm họa. Và sau đó sẽ thay đổi gì hay vẫn các kiểu đối phó như cũ? Có lẽ các nhà quản lý cần có thêm các biện pháp để quản lý nguy cơ từ khâu cấp phép đến thanh tra, hậu kiểm. Quán karaoke cần có các tiêu chí khắt khe hơn về phòng cháy và lối thoát hiểm, hệ thống chuông báo cháy liên kết với mọi phòng hát cùng hệ thống cảm biến khói và phun nước chữa cháy tự động...
Hạn chế tối đa các nguồn phát lửa, dẫn lửa (gas, cồn, dầu và các vật liệu dễ cháy khác), không đốt nến sinh nhật, pháo bông... Số lượng người tập trung ở một quán karaoke có thể đông không kém trên một chuyến bay nên mọi quy chuẩn an toàn cháy nổ cũng cần thiết không kém.
Cần một quy định mạnh hơn về việc cấm hoạt động, cấm đăng ký kinh doanh vĩnh viễn với các chủ đầu tư, cá nhân, các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Phạt nặng bằng tiền và ngăn ngừa nguy cơ tái phạm ngay ở lần vi phạm đầu tiên.
TUÂN NGUYỄN
Coi thường lối thoát hiểm
Vụ hỏa hoạn mới đây nhất tại TP Thuận An (Bình Dương) gợi ra những nghi vấn: Có lối thoát hiểm không? Nhân viên có được tập huấn kỹ năng thoát nạn không? Hệ thống báo cháy có hay không, có phát huy tác dụng gì không?
Đây là một trong số không ít những địa điểm kinh doanh ở những ngôi nhà gần như chỉ có duy nhất cửa ra vào phía trước. Đã vậy mặt tiền lại bị các bảng quảng cáo án ngữ. Thật đáng tiếc, những thiếu sót kiểu này đã bị bỏ lọt khi cấp phép và khi kiểm tra điều kiện hoạt động tại những nơi như thế này.
Sau một vụ cháy có thiệt hại nhân mạng người ta lại nói về vai trò của lối thoát hiểm. Dù trong chung cư hay nhà riêng cũng không thể thiếu. Ở những nơi tập trung đông người, lối thoát hiểm cùng những chỉ dẫn thoát hiểm khi có sự cố rất cần để nạn nhân tự lực cánh sinh trong khi chờ trợ giúp.
Nơi nào (kể cả nhà riêng) chưa có không gian thoát hiểm cần khẩn trương khắc phục. Chẳng hạn như, các khu nhà trọ nhiều phòng, nhiều tầng cần được chú trọng bổ sung lối thoát hiểm cùng kỹ năng sử dụng bình chữa cháy.
Nhiều thành phố lớn đang tổng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các quán bar, vũ trường khách sạn, karaoke... Trong đó, tại TP.HCM mới ngày đầu tiên đã phát hiện tỉ lệ cơ sở có thiếu sót chiếm đến 90% trường hợp được kiểm tra. Một con số khiến ai cũng "giật mình" song rất có ý nghĩa nếu được chấn chỉnh kịp thời.
"Thủy, hỏa, đạo tặc", chủ quán và nhân viên chú trọng "để mắt" đến sẽ giảm thiểu được rủi ro, khách cũng nên hạn chế dùng lửa. Cơ quan có thẩm quyền thực thi nghiêm việc thẩm định, cấp giấy "khai sinh" (giấy phép) cho các trường hợp đăng ký kinh doanh dịch vụ.
Tại sao thời gian qua đã có những vụ cháy liên quan đến karaoke rất thảm khốc, dù được khuyến cáo cảnh báo nhiều lần mà đến nay vẫn để xảy ra như vậy? Có phải vì phớt lờ những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy từ các bên? Cháy nổ có thể được giảm thiểu nếu như các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ được thực hiện và giám sát một cách thực chất và có hiệu quả. Kể cả những người có nhu cầu đến nơi có thể gọi là "nguy cơ cao" phải thận trọng hơn để có thể tự bảo vệ mình.
LÊ VĂN CẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận