
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sản phẩm sữa - Ảnh: BCT
Trả lời Tuổi Trẻ Online liên quan tới vụ việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả, lãnh đạo Cục Công nghiệp - đơn vị của Bộ Công Thương có chức năng, nhiệm vụ quản lý với ngành sữa nói chung - đã cung cấp thêm các thông tin liên quan.
Sữa giả là nhóm thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt
Theo đó, Cục Công nghiệp cho hay các sản phẩm do Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất, kinh doanh là thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thuộc nhóm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Do đó, Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền quản lý chuyên ngành theo quy định tại nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, lãnh đạo cục này khẳng định Bộ Công Thương không cấp phép đối với các sản phẩm thuộc nhóm này và không phải là cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của hai doanh nghiệp nêu trên.
Tuy nhiên, vị này cho hay trong phạm vi chức năng được giao, Bộ Công Thương, thông qua lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị chức năng liên quan, đã luôn chủ động giám sát, kiểm tra các hoạt động thương mại điện tử, khuyến mại, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
"Trên tinh thần phối hợp liên ngành, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có, bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả, đồng bộ và kiên quyết không để lọt lưới những hành vi gian lận, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng" - lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định.
Đối với vụ việc của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất, kinh doanh thuộc nhóm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sau khi bị phát hiện, lãnh đạo cục này cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát toàn diện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa chế biến lưu thông trên thị trường.
Bài học trong thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chuyên môn của bộ ngành liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
"Việc phát hiện ra vụ việc trên cũng là bài học thực tiễn quan trọng trong việc theo dõi, thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm và cơ chế chia sẻ thông tin, cảnh báo rủi ro, phối hợp kiểm tra liên ngành để bảo đảm thị trường minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng" - lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu quan điểm.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online về việc sản phẩm tồn tại suốt 4 năm trên thị trường nhưng không kịp thời được phát hiện, xử lý, ông Trần Hữu Linh - cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay những doanh nghiệp này có các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ đúng quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm.
Việc này chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm, song sản phẩm chưa có phản ánh vi phạm từ người tiêu dùng để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.
Thêm nữa, sản phẩm này kinh doanh không phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát, mà chủ yếu được tiêu thụ bằng hình thức tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám.
Thậm chí những doanh nghiệp này còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người mẫu có sức ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng mạng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Do đó lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành với ngành y tế (đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm) và ngành nông nghiệp (đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp) để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận