Đoạn phim Thịnh Đường huyễn dạ có phát bản hòa tấu bài Lưu thủy - Kim tiền
Bạn đọc chỉ rõ đoạn nhạc là bản Lưu thủy được dùng ở tập 4, phút thứ 39. Thật ra, tập 9 của bộ phim này cũng có một đoạn phát bản hòa tấu bài Lưu thủy - Kim tiền.
Gần hai năm trước, các khán giả đã xem phim Thịnh Đường huyễn dạ cũng từng ngạc nhiên và bức xúc trên một diễn đàn phim cổ trang khi phát hiện nhã nhạc triều Nguyễn - di sản văn hóa được UNESCO ghi tên vào danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại - xuất hiện trong phim.
Sự việc này nay được xới lên lần nữa khi phim chiếu lại.
Nhà làm phim Trung Quốc "mượn" nhã nhạc cung đình Huế?
Nghe rất kỹ bài Lưu thủy được sử dụng trong tập 4 bộ phim, nghệ sĩ Hải Phượng nói: "Bài này rõ ràng là sử dụng nhạc cụ Việt Nam, đánh theo phong cách mà hiện nay người ta hay đánh. Bài Lưu thủy còn có thể được chơi theo phong cách cung đình (có thêm kèn, trống), còn bài sử dụng trong phim là phong cách phổ biến ở ta, có thể gọi là phong cách dân gian".
Nhạc sĩ Vĩnh Phúc (chuyên gia về nhã nhạc triều Nguyễn, tác giả sách Nhã nhạc triều Nguyễn, nguyên là viện trưởng Viện nghiên cứu và bảo tồn âm nhạc của Học viện Âm nhạc Huế) cho biết: Nhã nhạc hay là nhạc lễ cung đình của VN, Nhật Bản, Triều Tiên đều có nguồn gốc từ nhã nhạc của Trung Quốc ra đời từ thời nhà Chu, nhưng mỗi nơi đều có cách tiếp thu và phát triển thành hệ thống nhã nhạc riêng của mình.
Vì vậy, có nhiều bài bản của nhã nhạc triều Nguyễn - Việt Nam mà nhã nhạc Trung Quóc không có. Chẳng hạn như 10 bản ngự tức Thập thủ liên hoàn của nhã nhạc triều Nguyễn, thì nhã nhạc Trung Quốc không có.
Về đoạn nhạc trong tập 9 của phim, ông nhận xét: "Đoạn nhạc trong phim này là hòa tấu bài Lưu thủy - Kim tiền. Bài Kim tiền là một trong 10 bài của Thập thủ liên hoàn, là bài bản của nhã nhạc triều Nguyễn, không phải của nhã nhạc Trung Quốc".
Còn ông Huỳnh Khải - nguyên trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - nhấn mạnh: "Bộ 4 bản Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ rất phổ biến mà những ai học về âm nhạc dân tộc đều phải biết. 4 bài này người ta thường đờn chung với nhau trong bất cứ dịp lễ gì, vui buồn đều có thể đờn.
Từ Bắc chí Nam người đờn dân tộc đều biết đến 4 bài này, tuy nhiên ở mỗi miền sẽ có phong cách đờn khác nhau chút đỉnh, có thể nhanh hoặc chậm. 4 bài này nói nôm na như sự đoàn kết dân tộc, đờn lên là thấy giống nhau, thấy sự quen thuộc, gần gũi của mọi người trên khắp miền Bắc - Trung - Nam".
Bày tỏ thêm, nghệ sĩ Hải Phượng tỏ ra lo ngại bởi âm nhạc Trung Quốc có thiếu gì những bài bản cổ với những dàn nhạc hoành tráng, lý do gì khiến êkip làm phim Trung Quốc lấy một bài bản có tính chất quan trọng trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đưa vào phim?
VTV8 không phát sóng phim cho đến khi có câu trả lời rõ ràng
Tuổi Trẻ Online cũng đã liên lạc với đơn vị phát sóng bộ phim này. Ông Nguyễn Lâm Thanh - giám đốc điều hành kênh Truyền hình quốc gia VTV8 - cho biết: Khi có thông tin về việc Thịnh Đường huyễn dạ dùng nhã nhạc cung đình Huế, VTV8 cũng đã có những kiểm tra ban đầu bởi phim mới phát trên VTV8 (chưa đến tập phim có đoạn nhạc này).
VTV8 đã liên hệ với một số nhà nghiên cứu để tìm hiểu và hiện nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đây là nhã nhạc cung đình Huế vì rất quen thuộc với mọi người, thế nhưng cũng có người cho rằng bản nhạc này không hoàn toàn chính xác là nhã nhạc cung đình Huế mà là bản hòa tấu nhạc cụ của bốn bài: Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ.
Clip hình ảnh trong phim này cũng không được gọi là nhã nhạc vì nhã nhạc không có nữ, dàn nhạc không có đàn tam thập lục và đàn tranh (thập lục).
Theo ông Lâm Thanh, nói chung các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần phải có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn và cần tham khảo nhiều ý kiến khác, đặc biệt là ý kiến chính thống từ Trung tâm di tích cố đô Huế hoặc ý kiến của Ủy ban UNESCO...
"Trong dịp nghỉ lễ 30-4 đến hết 3-5, VTV8 không phát sóng phim này và sẽ tiếp tục không phát sóng khi chưa làm rõ được thông tin có hay không việc sử dụng nhã nhạc cung đình Huế trong phim" - ông Lâm Thanh khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận