Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết dự án này góp phần để TP Cần Thơ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - thương mại - nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, dự án cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giữ chân lao động của miền Tây ở lại làm việc, không phải ly hương tới các vùng khác.
Ông Hiếu nói:
- Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ kế thừa mô hình quy hoạch hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quản lý thông minh, thân thiện với môi trường, phát triển theo hướng bền vững.
Đảng bộ và chính quyền TP Cần Thơ xác định dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là một trong những dự án trọng điểm của TP trong nhiệm kỳ này và trong những năm tiếp theo để TP tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chính vì vậy, lãnh đạo TP tạo mọi điều kiện để hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án có thể sớm triển khai. Bên cạnh đó, TP đã chủ động đầu tư hạ tầng kết nối với dự án, khu tái định cư phục vụ khu công nghiệp, cấp điện, cấp nước.
Đến nay, tuyến đường nối từ quốc lộ 80 vào khu công nghiệp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thông để phục vụ lễ khởi công vào ngày 9-9 và đến cuối tháng 9-2023 sẽ bàn giao đủ 100% mặt bằng của giai đoạn 1 (hơn 293ha).
* Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ khi đi vào hoạt động có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và của vùng ĐBSCL, thưa ông?
- Sự phát triển của Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận.
Dự kiến khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 25.000 - 30.000 lao động. Người lao động tại địa phương, nhất là lao động trẻ, sẽ có việc làm ổn định, được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, cải thiện thu nhập, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại các tỉnh thành xa quê có cơ hội được quay về địa phương làm việc tại khu công nghiệp mới này, đây là mong muốn của lãnh đạo TP Cần Thơ qua các thời kỳ. Vì vậy, lãnh đạo TP yêu cầu VSIP Cần Thơ có chính sách phù hợp để hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân khi giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp này.
* TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thế nào để dự án sớm hoạt động?
- Như tôi đã nói ở trên, sự phát triển của Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách TP. Điều này giúp cải thiện khả năng tài chính và tăng cường đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng và xã hội như: trường học, bệnh viện, các dịch vụ công cộng và các tiện ích khác, góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân của TP Cần Thơ.
Lãnh đạo TP Cần Thơ cam kết sẽ cùng đồng hành với nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai đầu tư, hoạt động. TP thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn và ổn định để phát triển bền vững gắn với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư triển khai các dự án có hiệu quả cao tại TP Cần Thơ.
* Ngoài VSIP, Cần Thơ định hướng phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư như thế nào trong thời gian tới khi hạ tầng của vùng như giao thông, cao tốc, cảng biển... được cải thiện?
- Theo phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ thành lập mới ba khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp của TP lên 10 khu với tổng diện tích 2.350ha.
Định hướng đến năm 2050, thành lập thêm bốn khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp toàn TP lên 14 khu với tổng diện tích khoảng 7.225ha.
Việc phát triển khu công nghiệp sẽ song hành với việc cải thiện hạ tầng xã hội; sản xuất công nghiệp tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, thương mại và dịch vụ của TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng của trung ương đã chỉ đạo và do TP đã đề ra.
TP Cần Thơ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 có quy mô hơn 293ha tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) với tổng mức đầu tư gần 3.718 tỉ đồng.
Dự án được thực hiện bởi ba nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận