02/01/2015 09:09 GMT+7

​Vòng nối từ vết sẹo

NGUYỄN THỊ THANH (TP.HCM)
NGUYỄN THỊ THANH (TP.HCM)

TT - Ðáp lại lời giới thiệu của tôi là những tiếng xì xào và những ánh mắt xoi mói của lũ học trò đổ dồn về phía Hương.

Không phải là sự tò mò của một gia đình dành cho vị khách lạ mà vì em - Hương, cô học trò mới của tôi, có một vết sẹo dài trên mặt...

1. Tôi không trách các học sinh của mình. Mười bảy tuổi, ở cái tuổi đẹp như trăng tròn, tuổi mà các em nữ biết làm đẹp, các em nam biết đánh giá cái đẹp, thì Hương, tôi không biết vì lý do gì vết sẹo trên mặt em như một đám mây đen che khuất vầng trăng đang độ tròn trịa ấy. Tôi nhắc cả lớp trật tự, khẽ đặt tay lên vai Hương và bảo:

- Hương, em chọn cho mình một chỗ ngồi để chúng ta bắt đầu bài học nhé!

Tôi chưa dứt lời, em nhanh chóng ngồi xuống bàn đầu tiên như cố tình thoát khỏi bàn tay tôi đang đặt lên vai em càng sớm càng tốt, để tôi không biết em đang run rẩy. Một nụ cười buốt giá nở trên đôi môi của em, tiết học bắt đầu mà lòng tôi trĩu nặng...

Ngày thứ hai tôi lên lớp, Hương vẫn ngồi bàn đầu, cặm cụi ghi chép, phạm vi tầm nhìn của em chỉ là bục giảng và cuốn vở trên bàn. Tôi hiểu em vẫn chưa làm quen với ai hoặc những cô cậu học trò nửa người lớn nửa trẻ con của tôi ngại bắt chuyện với một người mà chúng cho là “khác hơn” những người khác. Cuối buổi học có tiết sinh hoạt lớp, tôi vui vẻ nói với các học trò của mình:

- Sắp tới là kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, cô biết lớp ta có thế mạnh về các tiết mục văn nghệ qua nhiều kỳ thi trước nên bạn Huỳnh - lớp trưởng - sẽ cùng các em triển khai kế hoạch tập luyện thật tốt để giành được thành tích cao nhất, tất cả tiền thưởng giành được sẽ cộng vào quỹ lớp và tổ chức liên hoan, chúng ta cùng cố gắng nhé!

- Hoan hô cô giáo - những tiếng vỗ tay và reo hò hào hứng vang lên khắp phòng học. Từ bàn đầu tiên, Hương cũng vỗ tay nhưng em không hề cười, tôi nhìn Hương trìu mến và nói:

- Hương, em là học sinh mới, cô hi vọng em tham gia cùng các bạn để các em có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn và giúp đỡ nhau như một gia đình thật sự.

Lũ học trò của tôi im lặng chờ đợi, ánh mắt của tôi cũng đang nhìn em tha thiết...

- Không cô ơi, em không muốn tham gia vì buổi chiều em bận rồi, em không đi tập luyện được! - giọng Hương cất lên.

Không một tiếng nài nỉ được vang lên trong lớp, thứ mà lẽ ra như thường lệ khi bất cứ thành viên nào vắng mặt thì lũ quỷ nhỏ của tôi sẽ nài nỉ hoặc kỳ kèo cho bằng được mới thôi. Chúng im lặng vì có lẽ không muốn Hương trở thành một mảnh ghép không hoàn chỉnh trong khung hình đáng hãnh diện của chúng.

Sự im lặng của cả lớp vô tình làm cho tôi - một giáo viên, một người mẹ có trách nhiệm gắn kết những đứa con lại - không nói nên lời, cổ họng tôi nghẹn lại giống như ngồi xem một trận đá bóng giữa một rừng cổ động viên đội chủ nhà, tôi không đủ can đảm cổ vũ cho đội khách...

Buổi sinh hoạt lớp cứ thế trôi qua, trong tôi là sự áy náy và câu hỏi “Làm gì để giúp Hương và làm như thế nào?”. Và... tôi đã tìm ra câu trả lời từ chính lũ học trò ngây thơ và hồn nhiên của tôi.

2. Hôm đó, tôi tới sân vận động để cùng các em tập luyện cho buổi tổng duyệt sắp tới. Mới 4g chiều, mấy cô cậu học trò đã thở không ra hơi và thỏ thẻ như lũ chim non háu đói:

- Cô ơi! Qua quán nước đằng kia uống nước thôi cô, chúng em khát khô cả cổ rồi ạ! - chúng níu tay tôi kỳ kèo như người đi chợ trả tiền mua hàng, tôi mỉm cười gật đầu, thế là chúng ùa sang bên kia đường và nhanh chóng bu kín cả quán nước.

- Ô Hương! Có phải Hương không? - Khánh, cậu học trò của tôi, chỉ tay vào cô gái đứng bên cạnh người phụ nữ đã luống tuổi chủ quán nước với ánh mắt trân trân không chớp. Tôi và các học trò khác cũng kinh ngạc dán mắt vào cô gái bé nhỏ ấy.

Thôi đúng rồi! Hương của tôi, bộ quần áo cũ em mặc và chiếc khẩu trang em đeo làm em thay đổi ít nhiều so với khi đến lớp, nhưng vết sẹo dài trên mặt mà ngay cả lớp khẩu trang cũng chưa đủ che kín hết như tố giác em chính là Hương và cũng làm em không còn muốn thanh minh gì nữa, với đôi mắt ngân ngấn nước, em vụt chạy đi thật nhanh...

- Hương! Hương!... - người phụ nữ luống tuổi gọi với theo Hương rồi nhìn chúng tôi lắc đầu. Cô nói:

- Chắc cô là cô giáo của Hương và các cháu học cùng lớp với con bác phải không?

- Vâng thưa cô - tôi đáp.

- Hương là đứa vẻ ngoài thì mạnh mẽ lắm, nhưng con gái mà mặt mày như vậy nó mặc cảm nhiều lắm cô ạ! Nhà chỉ có mỗi hai mẹ con, ba nó mất sớm, tôi thì bệnh tật liên miên, mặt nó thành ra như vậy là do đẩy xe nước phụ giúp tôi đi bán mà bị đụng xe, rách một vệt dài trên mặt...

Mấy ngày trước nó bảo tôi: “Con vào lớp mới, chọn ngồi bàn đầu tiên nên không ai nhìn được thẳng vào mặt con đâu nên mẹ đừng lo mẹ ạ, con không buồn đâu!...”.

Nói đến đây, người mẹ nấc nghẹn, lũ học trò của tôi cũng khóc, còn tôi sống mũi cay sè và trái tim như có ai bóp nghẹt... Những cơn gió lạnh buổi chiều thổi lên mái tóc người phụ nữ khắc khổ, thổi vào tận tâm trí tôi khô khốc, tái tê.

Ngay chiều hôm đó, tôi cùng lũ trẻ đẩy xe nước về cho mẹ Hương và nhân tiện ghé thăm Hương. Học trò của tôi gương mặt đứa nào cũng buồn hiu như những đứa trẻ vừa gây ra lỗi. Tôi hiểu giờ trong tôi và những đứa con bé bỏng này cùng chung một nỗi niềm, chúng tôi muốn chữa lành vết sẹo trong tâm hồn Hương.

...

“Một, hai, ba... Thảo lên trước rồi đến Hương, Nga, Thơm xếp ngay sau nhé!”. Tiếng Huỳnh lớp trưởng dõng dạc điều khiển đội hình văn nghệ, tôi ngồi bên quán nước với mẹ Hương khẽ gật đầu mỉm cười nhìn những đứa con yêu dấu. Kể từ chiều hôm đó, sau khi thuyết phục được Hương tham gia văn nghệ, chiều nào cả lớp cũng đi tập đều đặn ở sân vận động, chúng vừa tập vừa phụ mẹ Hương bán nước khi đông khách, hào hứng và vui vẻ lắm.

Chẳng ai bảo ai, chúng đến sớm về muộn để cùng Hương vừa tập vừa giúp đỡ mẹ bán hàng. Giờ chúng đã là một đội, một khung hình hoàn chỉnh với những miếng ghép hoàn hảo.

Và tôi không muốn nói đến cái kết quả của tiết mục văn nghệ lớp tôi, vì có lẽ đối với tôi khoảng thời gian tập luyện là chiến thắng tuyệt vời nhất mà các học trò yêu quý mang về cho tôi, là món quà vô giá mà tôi nhận được trong nghề giáo. Và câu chuyện này, câu chuyện của tình bạn, tình thầy trò, tình người, câu chuyện của chúng tôi mãi mãi không có hồi kết...

NGUYỄN THỊ THANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên