Nhà máy Chattanooga có 2.000 công nhân, công suất hiện nay 150.000 xe/năm, sẽ được mở rộng 500.000 xe/năm. Nhà máy đi vào hoạt động là dấu mốc hết sức quan trọng đối với mục tiêu bá chủ công nghiệp ôtô thế giới vào năm 2018 của Volkswagen AG.
![]() |
Chiếc Passat của Volkswagen sẽ "đổ bộ" vào thị trường Mỹ |
Thị trường trọng yếu
Việc sản xuất xe ở ngoài châu Âu cũng giúp VW khỏi bị thiệt thòi do đồng euro mạnh hơn USD. Các nhà phân tích ước tính giá thành một chiếc xe VW sản xuất tại Chattanooga sẽ thấp hơn giá nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức 8.000 USD. |
Volkswagen là hãng ôtô nước ngoài đầu tư vào Mỹ sớm nhất, nhưng chiếc “xe của nhân dân” này (theo nghĩa tiếng Đức) lại quá nhỏ đối với thị hiếu người Mỹ và quá đắt so với túi tiền người Mỹ, nên đến năm 1988 VW đã đóng cửa nhà máy lắp ráp duy nhất của mình ở bang Penncylvania. Lý do khiến VW có giá cao vì vào thời điểm đó Volkswagen được lắp ráp hoàn toàn từ các bộ phận, phụ tùng sản xuất từ Đức.
Để chuẩn bị cho việc trở lại sản xuất tại Mỹ, VW đã đầu tư 4 tỉ USD vào các nhà máy sản xuất động cơ, hộp số và nhà máy lắp ráp xe Jetta compact tại Brazil. Brazil, một trong bốn quốc gia mới nổi (BRIC; Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) có giá nhân công rẻ, việc nhập động cơ, hộp số và xe nguyên chiếc từ Brazil vào Mỹ không quá xa. Các bộ phận khác để sản xuất xe đều được sản xuất tại địa phương.
Tại Mỹ, giá cả nhân công có sự khác biệt giữa các vùng. Miền Bắc Mỹ, nơi có nền công nghiệp phát triển, lương công nhân cao hơn ở các bang nông nghiệp miền Nam. Chattanooga, địa điểm xây dựng nhà máy của VW, là một vùng hẻo lánh thuộc tiểu bang Tennessee nên có giá nhân công rẻ. Công nhân ở vùng này thu nhập 27 USD/giờ, chỉ bằng một nửa so với thu nhập trung bình 52 USD của công nhân ở Detroit của GM, Ford và Chrysler và của Toyota và Honda. Mức lương của công nhân VW bằng với lương của Hyundai và Kia có nhà máy ở Alabama và Georgia.
Để phù hợp thị hiếu người Mỹ, Volkswagen sẽ không sản xuất chiếc VW Beetle nhỏ nhắn mà đặt cược vào việc sản xuất chiếc Passat, một loại xe sedan cỡ trung, là phân khúc thị trường lớn nhất ở Mỹ hiện nay. VW tin tưởng những người Mỹ hâm mộ công nghệ và phong cách thiết kế Đức không đủ tiền mua xe sang trọng BMW hay Mercedes sẽ chọn lựa VW Passat. |
Thực lực và khó khăn
Volkswagen hiện là nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu, là nhà sản xuất có uy thế ở Trung Quốc, Brazil. Trên thị trường thế giới, năm 2010 Volkswagen lãi 9,42 tỉ USD, đứng đầu trong các nhà sản xuất ôtô. Trong quý I-2011, Volkswagen bán được 1,99 triệu xe, vượt qua Toyota, chỉ đứng sau GM.
Nhưng tại Mỹ, năm ngoái thương hiệu VW chỉ bán được dưới 260.000 xe, chiếm 2,2% thị phần. Suốt hai năm qua, VW chỉ bán được 13.000 xe Passat thế hệ cũ so với doanh số hằng năm của Camry - loại xe cùng phân khúc thị trường - là 300.000 xe.
Theo Michael Robinet, phó giám đốc Công ty dự báo IHS Automotive, việc đầu tư sản xuất ở miền Nam nước Mỹ tuy tận dụng được giá nhân công rẻ nhưng có thể có nhiều rủi ro. Năm năm trước, Toyota đã tính toán sai về nhu cầu xe pickup cỡ lớn khi xây dựng nhà máy ở San Antonio bang Texas, sau đó phải đóng cửa nhà máy và ngưng xây dựng nhà máy dở dang ở gần Tupedo bang Mississippi để tận dụng công suất nhàn rỗi ở các nhà máy tại Bắc Mỹ. Trước đây, Nissan bị tổn hại danh tiếng về chất lượng sau khi sản xuất xe ở nhà máy mới tại Canton bang Mississippi với công nhân mới.
Chiếc sedan cỡ trung VW Passat sẽ phải đối đầu với Camry, xe bán chạy nhất của Toyota và Fusion của Ford trong phân khúc thị trường xe sedan cỡ trung này.
Hiện nay, các hãng ôtô chủ nhà GM, Ford, Chrysler đã được hồi sinh và đang tăng trưởng, nhà sản xuất Hyundai và Kia đang lập được kỳ tích phát triển vượt bậc chắc chắn sẽ gây khó khăn cho tham vọng bá chủ của Volkswagen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận