Từ kinh nghiệm y học cổ truyền đó đã giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm như thuốc Đông y, thực phẩm chức năng với tính an toàn cao và rất được ưa chuộng trong điều trị bệnh đái tháo đường.
Thành phần polyphenols có mặt trong rất nhiều loại thực vật ăn được với khả năng hỗ trợ phòng, trị một số bệnh mãn tính không lây, trong đó có bệnh đái tháo đường.
Cây vối với bệnh đái tháo đường
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr and Perry thuộc họ sim (Myrtaceae), là loại cây trồng rất quen thuộc của nhân dân ta. Thành phần chính của nụ và lá vối chủ yếu là tanin, polyphenol, flavonoid, triterpene, alkanoid và một số chất khoáng, vitamin. Có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, lá vối tươi hay khô sắc đặc được dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt.
Các nhà khoa học đã tìm và chứng minh công dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh đái tháo đường của vối. Một thử nghiệm lâm sàng gần đây của Viện Dinh dưỡng kết hợp với trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản cho thấy, uống trà vối liên tục trong 3 tháng với liều lượng trung bình 20 - 25 gram/ngày/người dưới dạng nước đã làm giảm đường huyết của các bệnh nhân đái tháo đường type 2. Ngoài ra, lá vối cũng được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh khả năng ức chế men alpha - glucosidase, tuy nhiên so sánh cùng hàm lượng thì khả năng này của nụ vối cao hơn lá vối.
Cây ổi với bệnh đái tháo đường
Cây ổi có tên khoa học là Psidium guajava. Cây thân gỗ, được trồng ở nhiều nơi. Lá ổi đều chứa beta - sitosterol, quereetin, guaijaverin, leucocyanidin và avicularin, tinh dầu dễ bay hơi, eugenol. Cây, quả ổi có pectin, vitamin C. Trong hạt có hàm lượng tinh dầu cao hơn trong lá. Vỏ thân chứa acid ellagic.
Các bộ phận như búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc. Theo dược học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng, giải độc, thu sáp chỉ huyết chữa các chứng bệnh như tiết tả, lỵ mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính và mạn tính, đái tháo đường,...
Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh lá ổi có tác dụng ổn định đường huyết sau ăn. Cơ chế kiểm soát đường huyết của lá ổi chủ yếu là do khả năng ức chế hoạt động của men alpha - amylase.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cũng đã tìm thấy thành phần flavonoid của lá ổi có khả năng kích thích hoạt động của insulin ở tế bào, từ đó tăng cường chuyển hóa đường tại tế bào, giúp cho việc kiểm soát đường huyết về lâu dài.
Tại Nhật Bản và một số nước khác, lá ổi được dùng làm nước trà và một vị thuốc nam dành cho bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, quả ổi cũng là một thực phẩm được khuyến cáo dùng cho bệnh nhân đái tháo đường với chỉ số đường thấp.
Cây sen với bệnh đái tháo đường
Cây sen có tên khoa học là Nelumbo nucifera trồng ở ao, hồ. Về hóa học, lá sen chứa 0,2 - 0,3% tanin, 0,77 - 0,84% alcaloid, trong đó có nuciferin, nor-nuciferin, roemerin, pro-nuciferin, vitamin C, các acid citric, tartric, succinic, quercetin, isoquercitrin, nelumbosid, leucocyanidin, leuco - delphinidin.
Lá sen tươi băm nhỏ nấu với hạt đậu xanh làm canh ăn có thể phòng và chữa rôm sẩy, ghẻ lở. Nước sắc lá sen để rửa chữa dị ứng do sơn, dịch ép từ lá sen dùng chữa tiêu chảy...
Về dược lý, lá sen có tác dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm sen. Theo tài liệu nước ngoài, lá sen hãm uống được dùng phổ biến như một loại nước trà để chống nóng, giải nhiệt.
Các nhà khoa học người Mỹ đã nghiên cứu thấy trong lá sen có hoạt chất làm dịu dục tính, chữa di tinh, mộng tinh. Cũng qua nghiên cứu thông qua cơ chế điều tiết insulin, lá sen còn có tác dụng giảm béo, ổn định đường huyết ở bệnh đái tháo đường và giảm mỡ máu.
Lá vối, lá ổi và lá sen là những nguyên liệu phong phú ở Việt Nam. Chính vì vậy, các nghiên cứu ứng dụng, sử dụng những nguồn nguyên liệu này để tạo ra sản phẩm mới dưới dạng dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng là rất cần thiết góp phần bổ sung thêm các sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận