Sáng 21-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2024 báo chí cần làm gì?
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá trong năm 2023, báo chí Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, làm tốt hơn năm trước rất nhiều trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt có nhiều bài viết, phóng sự rất xúc động,
Quan trọng là khả năng cạnh tranh của báo chí có những tiến bộ rất đáng kể, công tác quản lý ngày một chuẩn mực, mạnh mẽ.
Chỉ ra một số hạn chế và thách thức trong thời gian tới, Phó thủ tướng nhắc đến biến đổi khí hậu, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng không nhỏ đến người làm báo nói riêng và xã hội nói chung.
Do đó ông lưu ý với các cơ quan báo chí, người làm báo phải đồng hành tốt và kịp thời hơn để chia sẻ khó khăn với số đông mọi người trong xã hội, có trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận.
Đối với các cơ quan báo chí, tiếp tục sắp xếp cơ quan theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025. Từng đơn vị báo chí sắp xếp lại tổ chức bộ máy mạnh, gọn và chuyên nghiệp để sản phẩm hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu với con số có 63% đơn vị đạt mức yếu trong chuyển đổi số năm 2023. Vì vậy, ông đề nghị cần tăng cường khả năng cạnh tranh của từng cơ quan báo chí và cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác để hay hơn, hấp dẫn hơn, thu hút quảng cáo, đảm bảo chi phí hoạt động và đời sống của đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Nhắn nhủ với mỗi nhà báo, Phó thủ tướng mong rằng đầu tiên nhà báo phải là người tử tế, bởi "nếu không là người tử tế thì sản phẩm chắc chắn không thể tử tế được". Phải không ngừng học hỏi, từ các chương trình, tập huấn và học hỏi từ đồng nghiệp, nâng cao bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo.
Xây dựng nền báo chí "chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn"
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Ông cho rằng kết quả, thành tích đạt được đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Đó là nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển nhanh của truyền thông mạng xã hội; một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình, thiếu nhạy cảm chính trị; một bộ phận nhỏ người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp, tự cho mình quyền đi dọa dẫm các cơ quan, doanh nghiệp…
Nêu ra trọng tâm, nhiệm vụ trong công tác báo chí trong năm 2024, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết trước hết cần thực hiện tốt mục tiêu "xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn".
Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Ông lưu ý cần chú trọng tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2024 và hướng đến năm 2025, về khát vọng quốc gia và cổ vũ mô hình hay cách làm sáng tạo, gương người tốt việc tốt.
Đặc biệt báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận