Chiều 20-12, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nội vụ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang điểm lại một số thành tựu của ngành nội vụ trong năm qua.
Bỏ thi không ảnh hưởng đến công việc
Trong đó có xây dựng nghị định 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức.
"Tôi rất thích việc bỏ thi nâng hạng viên chức, tới đây sẽ bỏ một số món thi khác. Việc bỏ thi này không ảnh hưởng đến công việc", Phó thủ tướng nêu rõ.
Đề cập đến nhiệm vụ của ngành nội vụ trong năm 2024, Phó thủ tướng cho rằng một trong những nhiệm vụ lớn là xây dựng và phê duyệt các đề án vị trí việc làm. Hiện nay, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về cho các địa phương.
Nhấn mạnh đây là công việc vô cùng khó khăn, ông Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nội vụ thông qua các hội thảo, đường dây nóng... kết nối rất tốt với các địa phương, bộ ngành đang xây dựng đề án để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh.
"Chúng ta cần xây dựng đề án vị trí việc làm theo nguyên tắc không cầu toàn.
Mong các chủ tịch UBND tỉnh, thành, các bộ trưởng có liên quan cứ làm, điều chỉnh, bám vào những nguyên tắc chung, mang tính chất cốt lõi.
Còn cụ thể như thế nào quyết định cho linh hoạt, phù hợp", ông Quang yêu cầu.
Nhắc lại yêu cầu hoàn thành phê duyệt tất cả đề án vị trí việc làm trước ngày 31-3-2024 để quý 2-2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 1-7-2024, Phó thủ tướng bày tỏ đây là việc làm khó, thậm chí rất khó. Do đó, mong lãnh đạo các địa phương, tư lệnh các bộ, ngành cố gắng.
Ông thông tin hiện nay một số địa phương đã làm gần xong với đúng tinh thần không cầu toàn.
Một nhiệm vụ khác được lãnh đạo Chính phủ đề cập là sắp xếp đơn vị hành chính. Ông cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm bởi rất nhiều địa phương không muốn thay đổi những thứ mang tính cốt cách, truyền thống, văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, nếu không nỗ lực, không cố gắng sẽ không thành. Đặc biệt công việc này phải hoàn thành để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
"Bởi không có địa giới hành chính, không có quy mô, giới hạn thì không thể tổ chức được đơn vị hành chính và hệ thống chính trị cho đơn vị hành chính đó", ông Quang nêu rõ.
Chuyển đổi số sẽ là giải pháp
Liên quan đến việc tuyển dụng theo phương pháp mới kết hợp chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhắc đến mục tiêu tinh giảm bộ máy nhưng vẫn nâng cao năng lực thì công cụ hiệu quả nhất chính là chuyển đổi số.
Cùng với đó là đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
"Chuyển đổi số, máy móc sẽ thay chúng ta làm nhiều việc, giúp công việc minh bạch hơn, đàng hoàng hơn, tử tế hơn và chúng ta có quyền tự hào về cá nhân mình hơn", ông Quang khẳng định.
Nhận định không phải ai cũng muốn áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó thủ tướng dẫn ví dụ làm giấy tờ đất mà thực hiện bằng máy sẽ không có "cái này, cái kia".
"Không có 'ting ting' thì lại không vui. Nhưng chuyển đổi số sẽ là giải pháp, kinh nghiệm quốc tế", Phó thủ tướng nói.
Hà Nội dự kiến giảm 70 xã, phường, thị trấn
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải cho biết giai đoạn 2023 - 2025, TP có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp khi rà soát và đối chiếu với các tiêu chí.
Hà Nội đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua.
Theo đó, sau khi sắp xếp, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến có 509 đơn vị hành chính cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn); dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường và 1 thị trấn).
Sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn.
BÌNH LUẬN HAY 2