15/07/2012 09:40 GMT+7

Với Bắc Kinh, COC sao sánh bằng CNOOC!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Không lấy làm lạ tại sao sau khi ngoại trưởng mười nước ASEAN nhất trí đem dự thảo COC (Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông) ra thương thuyết với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này là Lưu Vĩ Dân lại thản nhiên trả lời là không gấp gáp gì, lúc nào tiện thì bàn!

Đơn giản chỉ vì CNOOC (Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc) đã lên kế hoạch khai thác dầu trong cái gọi là “đường lưỡi bò” và “chủ công” là giàn khoan dầu khí hải dương 981 mà báo chí mô tả là giàn khoan “khủng” do kích thước khổng lồ và độ sâu khai thác của nó.

Tu9AQGWV.jpgPhóng to

Giàn khoan dầu khí hải dương 981 của Trung Quốc - Ảnh: chinanew.com

Thật ra, giàn khoan này là khủng khiếp không chỉ do kích thước mà do việc nó được hạ thủy và đưa vào khai thác theo cách “tiên hạ thủ vi cường” và “hạ thủ bất hoàn” (CNOOC đã ra tay rồi thì không bao giờ rút lại đâu) cũng như do tính cơ động của nó. CNOOC muốn kéo giàn khoan này tới đâu có dầu thì kéo, túi dầu có sâu bao nhiêu cũng chấp vì giàn khoan này có thể khoan sâu đến 3.000m thay vì chỉ 200m như cho tới giờ!

Âm mưu này được nhật báo tài chính hàng đầu Wall Street Journal ngày 7-7-2012 vạch rõ chân tướng như sau: “Đôi khi các hãng dầu theo sau lá quốc kỳ, đôi khi lá quốc kỳ đi theo các hãng dầu, và đôi khi chính các hãng dầu lại trở thành lá quốc kỳ. Kịch bản thứ ba này đã diễn ra ở biển Đông qua việc Tập đoàn CNOOC hạ thủy một giàn khoan nước sâu mới cách Hong Kong 320km về phía Nam. Hôm 9-5, chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm đã mô tả giàn khoan mới này như là một tàu sân bay, là “biên cương di động” và là “vũ khí chiến lược” trong việc khai thác tài nguyên năng lượng trên biển Đông - một phát biểu khiến nhiều người thắc mắc không rõ CNOOC có phải là một công cụ thực thi chính sách của Nhà nước Trung Quốc trong biển Đông hay không”.

Chính sách đó của Nhà nước Trung Quốc là gì? Câu trả lời không khó: khi tự vạch ra một cách khơi khơi “đường lưỡi bò” chỉ bằng luận cứ duy nhất rằng đây là chủ quyền lịch sử của mình mà không chỉ ra được con đường đó nằm trong khuôn khổ các tọa độ nào, y hệt như cách đây hai mươi mấy thế kỷ khi Tần Thủy Hoàng đánh bại thiên hạ, chiếm lĩnh bốn phương, tự cho xây Vạn lý trường thành thách đố “ai ngon nhào vô”, nhà nước ấy chỉ nhằm chiếm đoạt và khai thác tài nguyên nằm trong biên cương mới, tự cấp đó!

Theo Nhân Dân Nhật Báo ngày 9-5-2012, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã mô tả nhiệm vụ của giàn khoan dầu khí hải dương 981 này là “đóng góp vào việc bảo tồn lợi ích của đất nước trong lĩnh vực tài nguyên biển, cải thiện an ninh năng lượng của đất nước”. Nhiệm vụ cụ thể được giao cho giàn khoan này là phải làm sao khai thác được 500.000 thùng dầu/ngày vào năm 2015 và 1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 trong những vùng nước sâu của biển Đông vốn vượt quá khả năng kỹ thuật của các nước có chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ấy.

Thị uy cho hành động “tiên hạ thủ vi cường” và “hạ thủ bất hoàn” này là những hành vi lấn át, cưỡng đoạt... thậm chí ở những địa điểm mà Wall Street Journal xác định là “sát bờ biển các nước này trong vòng 70 hải lý”, như đã thấy qua vụ CNOOC tự cho phép gọi thầu chín lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng trước ngay sát bên đảo Phú Quý trong thách đố “làm gì nhau được thì làm!”!

Một khi “lợi ích quốc gia” của nhà nước và lợi ích riêng tư của Tập đoàn CNOOC là một thì Tập đoàn CNOOC kéo giàn khoan tới đâu, chính là kéo quốc kỳ Trung Quốc tới đó cắm! Mọi ý đồ nay đã rõ như ban ngày, không thể mơ hồ được nữa! Bởi thế, ASEAN có nhất trí COC với nhau xin cứ việc, còn Trung Quốc thì khi nào tiện sẽ nói chuyện! Với Bắc Kinh, COC sao sánh bằng CNOOC!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên